Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

3 cách chuyển ý cho bài văn mượt mà cuốn hút

3 cách chuyển ý cho bài văn mượt mà cuốn hút

3 cách chuyển ý cho bài văn mượt mà cuốn hút

Dùng những cụm từ liên kết đoạn quen thuộc nhưng cực đa năng:

“Và có phải chăng…”
“Quả đúng như vậy.
“Chẳng hề điêu ngoa…”
“Cố nhân X cũng đã cho rằng…”
“Cuộc đời vốn bao la…”

Ví dụ

Cuộc đời vốn bao la, vô tận kia như một bức tranh với ba chiều không gian trải dài đến vô cùng. Nhà thơ cũng như những con ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời ấy:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đời vạn chuyển ong bay”

(Chế Lan Viên) Thơ ca “là cuộc đời”, nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình của cuộc đời rộng lớn. Người nghệ sĩ phải tìm đến cuộc đời để hút lấy chất mật tinh túy nhất, ngọt ngào nhất để tạo nên những vần thơ thật sự có giá trị. Nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp, từ đó mới tạo nên những vần thơ hay, làm động lòng người đọc. Thi ca gắn liền với cảm xúc. Nhà thơ không thể hiện cuộc đời qua những tình huống, qua những sự kiện như các nhà văn. Nhà thơ giãi bày bằng cảm xúc, bằng ngôn ngữ thi ca, bằng cả khoảng trắng giữa các ngôn từ”. Thơ ca có giá trị không tách rời với sự thoát ly, tách rời khỏi cuộc sống, cũng như sự photocopy cuộc sống một cách cứng nhắc, khuôn mẫu.

Dùng thơ ca “làm mồi” vào đoạn viết mới

Ví dụ

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyên

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Làm sao lòng ta không rạo rực trước sức sống mãnh liệt, dạt dào của một nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết đến nhường ấy! Nhà thơ đã vượt qua chính mình để làm một nốt trầm lặng lẽ. Mình có ích giữa muôn vàn âm thanh sôi động của cuộc đời muôn màu, muôn vẻ này chưa? Thơ ca khơi dậy trong con người những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt đẹp, “thanh lọc tâm hồn con người, chắp cánh cho con người bay tới những ước mơ, khát vọng. Trên cõi hành trình dài đằng đẵng đầy chông gai của đời người, có những lúc dừng chân ngợi nghỉ, ta không thể không nghĩ về cuộc đời, về những điều tốt đẹp. Bao giờ ta còn đồng cảm với tấm lòng thi nhân, khi ấy thơ ca vẫn còn tồn tại sức sống bất diệt, vĩnh cửu.

Dùng lí luận văn học

Ví dụ

“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn”
(Lê Đạt)

Mỗi một người được sinh ra đều có dấu vân tay khác nhau. Đây chính là dấu hiệu để nhận dạng ra con người. Ở đây, từ hình ảnh “vân tay” nhà thơ Lê Đạt liên tưởng đến hình ảnh đậm chất văn chương nghệ thuật – “vân chữ”. Đây là cách dùng từ rất mới lạ và độc đáo. “Vân chữ” chính là dạng riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của mỗi người cầm bút đặc biệt là với nhà thơ. Tạo nên được vẫn chữ cho mình là nhà thơ đã tạo nên dấu ấn độc đáo trong sáng tạo mà không ai có. Để làm “một người thợ khéo tay” chỉ cần sự điêu luyện, thành thục là có thể làm ra hàng loạt sản phẩm giống nhau và đẹp mắt. Nhưng để trở thành một nhà thơ “thứ thiệt” phải đòi hỏi những phẩm chất khác thường mà nổi bật trong đó là sự sáng tạo không ngừng để có thể làm nên cái “tạng” riêng của mình.

Exit mobile version