1. Kể câu chuyện của bản thân mình
Một bài văn NLXH có chất riêng đó là khi ta biết đưa góc nhìn cá nhân, câu chuyện của bản thân mình đối với vấn đề mà đề bài đưa ra. Ta có thể đưa những câu chuyện từng xảy ra với mình vào phần dẫn dắt để cho người đọc thấy vấn đề nghị luận không xa lạ với bản thân mình, tăng tính thực tế, thời sự cho bài viết.
Ví dụ viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) về sự cần thiết của sự lắng nghe trong cuộc sống
Dẫn dắt: Từ bé đến lớn, gặp những chuyện khó khăn, những niềm vui nào, tôi đều kể cho mẹ. Mẹ dịu dàng, ân cần lắng nghe những câu chuyện của tôi. Sự ấm áp ấy đi cùng tôi khi còn ấu thơ đến tuổi trưởng thành, cho tôi cảm giác bản thân không vô hình, cô độc trong cuộc đời, cho tôi một chỗ dựa để trải hết lòng mình. Bởi vậy, sự lắng nghe đối với cuộc sống lại có sức mạnh đến như vậy. [Nêu những giá trị mà sự lắng nghe đem lại cho bản thân, cho người khác]
2. Những hiện tượng, thuật ngữ khoa học
Cách dẫn dắt này đòi hỏi người viết có những hiểu biết, tri thức khoa học phù hợp với đề bài. Ta sẽ chọn một thuật ngữ, hiện tượng khoa học đưa vào mở đầu và giải thích nó cặn kẽ. Tránh trường hợp dẫn thuật ngữ khoa học nhưng lại không thể cắt nghĩa được nó.
Ví dụ minh viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) về việc mở lòng ra để đón nhận mọi thứ tràn vào
Dẫn dắt: “Cảm xúc cùn mòn” – Emotional burning, đó là hiện tượng mà con người kiệt quệ về mặt tâm hồn, thông thường xảy ra ở người lớn. Những áp lực gánh nặng mưu sinh, những toan tính được – mất, những lo lắng cho tương lai…dần lấy đi những niềm tin, niềm vui thơ ngây, trong sáng của họ. Và rồi con người đóng chặt tâm hồn mình như là cách bảo vệ bản thân. Phải chăng, ta cần phải mở lòng bởi vì đó là cách ta mới thực sự “sống” [Nêu ý nghĩa của việc mở lòng]
3. Dẫn dắt trải nghiệm của người khác
Ta có thể mở đầu đoạn văn bằng câu chuyện của người khác. Đó là những sự kiện họ đã trải qua, những câu nói nổi tiếng của họ… Những trải nghiệm đó góp phần làm cho bài viết của chúng ta đa thanh, đa chiều, tăng tính khách quan.
Ví dụ
Đề bài: Anh/ chị viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) về việc thấu hiểu chính bản thân mình.
Dẫn dắt: Trong cuốn sách “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”, tác giả Ngô Thị Giáng Uyên kể cô được nhà tuyển dụng hỏi rằng nếu không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Khác với các ứng viên khác, Uyên trả lời đồng ý một cách đầy ấn tượng: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi”. Chỉ khi nào ta thực sự hiểu về bản thân mình thì ta sẽ không sợ những vị trí mới mẻ, không trở nên hèn kém trước những nghi hoặc của người đời. [Nêu ý nghĩa việc thấu hiểu chính bản thân mình]
4. Dẫn dắt bằng tin tức thời sự hiện nay
Cập nhật những sự kiện mới, đang xảy ra hiện tại giúp cho bài viết bắt kịp với xu hướng, thể sự quan tâm của người viết đối với cuộc sống đương đại và tư duy móc nối giữa vấn đề trên tờ giấy thi với hiện thực.
Ví dụ viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) về sự quan trọng của sự nhường nhịn
Dẫn dắt: Vụ giẫm đạp Itaewon là một bi kịch đau lòng mỗi khi nhắc đến của người dân Hàn Quốc. Khi con người bị đặt vào tình thế sinh tử, ai cũng chới với thoát ra, mặc kệ cho người xung quanh mình đang thoi thóp như thế nào. Có lẽ, những lúc đó, phải chăng, sự nhường nhịn giữa người với người là cách giúp cho con người nhân văn, vị tha hơn? [Nêu ý nghĩa của sự nhường nhịn]
5. Hóa thân thành nhân vật trong tác phẩm văn học
Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội. Lục tìm trong kho tàng văn học, ta thấy ở đó những vấn đề nhân sinh dai dẳng, nóng hổi, những nhân vật sống động như những con người thực. Với cách dẫn dắt này, ta sẽ tìm những nhân vật đã học, đã đọc có mối liên hệ với vấn đề nghị luận của đề bài. Điều đó vừa cho thấy ta có vốn văn học sâu rộng, vừa thể hiện tư duy liên hệ giữa văn học – đời sống của người viết.
Ví dụ viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) về ý nghĩa của sự tự tin
Dẫn dắt: Tôi từng là một Bêlicốp, cả đời chỉ biết “sống trong bao”, chưa từng một lần bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Những suy nghĩ không bằng người khác, nỗi mặc cảm về xuất thân, năng lực như những xiềng xích bó chân tôi trên cuộc đời. Và rồi tôi nhận ra rằng, nếu mãi trốn trong chiếc bao tự ti ấy thì sẽ héo mòn giống Bêlicốp mà thôi. Vậy nên, một niềm tin đủ lớn chính là chìa khóa để tôi thoát khỏi chiếc lồng cũi hèn nhát, run sợ ấy. [Nêu vai trò của sự tự tin với cuộc sống con người]
Thảo luận về bài viết này