I/ LIÊN KẾT CÂU VÀ LIÊN KẾT ĐOẠN VĂN:
1/ Liên kết câu:
– Là sự kết nối ý nghĩa giữa câu với câu, giữa câu với toàn văn bản. Các câu liên kết với nhau phải có nội dung cùng hướng về những sự việc chung cần nói đến. Những từ, tổ hợp từ được dùng để thực hiện liên kết câu được gọi là những phương tiện liên kết. Sử dụng phương tiện liên kết cùng loại để liên kết câu gọi là các phép liên kết.
– Liên kết về nội dung: Là quan hệ giữa đề tài và quan hệ lô gic giữa câu với câu và giữa câu với đoạn văn.
– Liên kết về mặt hình thức: là việc sử dụng các từ ngữ cụ thể có tác dụng liên kết giữa câu với câu, câu với đoạn văn.
Các phép liên kết:
a) Phép nối:– Đó là cách liên kết câu bằng các từ và tổ hợp từ chỉ quan hệ
+ Phép nối sử dụng quan hệ từ: và, nhưng, thì, mà, vì, cho nên, nếu,…
VD: Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài. – Hồ Chí Minh –
+ Phép nối sử dụng từ ngữ chuyển tiếp: Bởi vậy, nếu thế, tuy thế, vậy mà, đã vậy,…
VD: Trải qua những năm dài chiến tranh ác liệt, thiếu súng đạn, thiếu quân trang, thiếu thuốc men,…Người lính nếm trải bao gian khổ, hi sinh thử thách nặng nề: áo quần tả tơi, sốt run người, chân không giày, miệng cười buốt giá,…Thế mà tình đồng chí, đồng đội của họ vẫn luôn keo sơn, gắn bó.
b) Phép lặp: Đó là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ để tạo ra tính liên kết giữa các câu chứa yếu tố đó. Ngoài tác dụng liên kết phép lặp còn có các sắc thái tu từ khác như nhấn mạnh, nêu ấn tượng.
VD: Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh….
c) Phép thế:
– Là cách dùng những từ, tổ hợp từ khác nhau nhưng cùng chỉ một vật, một việc để thay thế cho nhau qua đó tạo nên tính liên kết giữa các câu chứa chúng.
– Phép thế đại từ.
VD: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
– Phép thế đồng nghĩa: Dùng những từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa hoặc những từ khác nhau để thay thế cho nhau.
VD: Người nhà lý trưởng sấn sổ bước đến, giơ gậy trực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn…Kết cục, anh chàng “hầu cận ông Lý” yếu hơn “chị chàng con mọn”, hắn bị chị này túm tóc, lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.
d) Phép liên tưởng:
– Là cách dùng từ, tổ hợp từ có quan hệ liên tưởng trong từng câu giúp tạo ra sự liên kết giữa các câu chứa chúng.
+ Liên tưởng giữa vật với vật.
VD: “Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
+ Liên tưởng giữa việc với việc.
VD: “Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm cẩn trọng, rõ ràng như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay”.
+ Liên tưởng theo quan hệ bao hàm.
VD: Chiều hôm sau chúng tôi về tới làng. Từ xa đã nhìn thấy luỹ tre đỏ rụm mà bị giặc đốt cháy.
2/ Liên kết đoạn văn:
– Là cách liên kết làm cho ý giữa đoạn văn với đoạn văn liền mạch với nhau. Có thể dùng tất cả các phương tiện liên kết câu để liên kết đoạn văn. Ngoài ra còn có thể sử dụng một số phương tiện khác.
– Để liên kết đoạn văn thì các đoạn phải có nội dung phục vụ, hướng vào chủ đề chung của văn bản. Các đoạn văn phải được sắp xếp theo trình tự hợp lý.
* Một số PT để liên kết:
a) Dùng các từ ngữ chỉ trình tự, phương diện, sự bổ sung: Trước hết, đầu tiên, thứ nhất; tiếp theo, sau nữa, cuối cùng, một mặt, mặt khác, vả lại, hơn nữa.
Bắt đầu là tìm hiểu. Tìm hiểu là phải đặt bài văn vào hoàn cảnh lịch sử của nó.
Khâu tìm hiểu là khâu cảm thụ. Hiểu đúng bài văn đã tốt. Hiểu đã bắt đầu thấy nó bay, nhưng chưa đủ.
b) Dùng các từ ngữ có ý nghĩa chỉ sự tổng kết, khái quát: Tóm lại, tổng kết lại, nhìn chung.
Bấy giờ khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chỗ nào khó hiểu thì các đồng chí bảo cho mình sửa chữa.
Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ.
c) Dùng từ ngữ chỉ ý đối lập, tương phản: Trái lại, tuy vậy, thế mà, nhưng.
VD: Văn thơ của Bác là một di sản tinh thần vô giá. Nhiều tác phẩm của Bác thực sự là những công trình bậc thầy. Tuy vậy, chưa bao giờ Bác nghĩ là mình làm thơ.
d) Dùng câu nối để liên kết đoạn văn.
d.1) Câu nối liên kết với phần trước của văn bản
CT: Trên đây, ở trên, trên kia, trước tiên, trở nên, như vậy, như thế + chúng ta đã,…(tóm tắt nội dung đã trình bày)
d.2) Câu nối liên kết với phần sau của văn bản
Tiếp theo, sau đây, dưới đây, nhưng + chúng ta sẽ,…
+ (ý tóm tắt nội dung sẽ trình bày)
d.3) Câu nối hướng cả về phần trước và phần sau của văn bản. Các từ liên kết với phần trước của văn bản: + ý tóm tắt nội dung đã trình bày
+ từ liên kết với sau của văn bản.
+ ý tóm tắt nội dung sẽ trình bày.
* Mô hình:
a) Trên đây, chúng ta đã,…., dưới đây, chúng ta sẽ
b) Ở trên mới chỉ…., phần tiếp theo chúng ta sẽ xét kỹ
c) Chúng ta đã dành một số….sau đây chúng ta sẽ xem như thế nào?
d) Ngược lên trên là tất cả những….còn phần sau đây sẽ
Discussion about this post