DẶN CON
(Trần Nhuận Minh)
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
Viết một bài văn nghị luận ngắn ( khoảng 2- 3 trang giấy), trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ bài thơ trên.
———-
GỢI Ý CÁCH LÀM
– Đây là bài làm dạng nghị luận xã hội. Vấn đề xã hội được bàn luận ở đây được dẫn dắt từ một tác phẩm văn học.
– Xác định vấn đề nghị luận: Trên cơ sở hiểu được chủ đề của bài thơ: Thông qua lời người cha trò chuyện với người con về thái độ đối với những người ăn mày, bài thơ khắc sâu đạo lý: Con người phải có lòng trắc ẩn với những ai gặp rủi ro, bất hạnh. Đó chính là tinh thần của các câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”.
– Bài làm có lí lẽ, có dẫn chứng lấy từ đời sống và cả trong văn học.
a. Yêu cầu về hình thức:
Đúng hình thức một bài văn từ 2-3 trang ( tùy theo sở trường) với kết cấu và lập luận chặt chẽ; văn viết trong sáng, câu chữ gọt rũa, không có sai sót về văn phạm.
b. Yêu cầu về nội dung:
HS trình bày quan niệm của mình, và đây là khoảng không gian tự do nhất trong phát ngôn của các em. Tuy nhiên, văn là người và ngược lại. Cho nên, một bài văn tốt phải được xây dựng trên những suy nghĩ, cảm xúc đúng đắn, hướng thiện, tiến bộ, nhân văn. Vì thế, cần có những ý cơ bản sau:
b.1 Xác định vấn đề nghị luận:
– Vấn đề nghị luận ẩn trong chủ đề bài thơ. Cần tóm tắt ý được diễn đạt trong mỗi phần của bài thơ.
– Có thể thấy các ý sau:
+ Hai dòng đầu khổ một “Chẳng ai muốn làm hành khất – Tội trời đày ở nhân gian” nêu một quan niệm về những người hành khất: Trong cuộc đời, ngoài ý muốn, con người ta có thể gặp những rủi ro, thiệt thòi. Người hành khất, người bất hạnh là người đáng thương xót chứ không đáng bị khinh bỉ.
+ Mười dòng thơ tiếp theo: Căn dặn con cách cư xử với người hành khất: không cười giễu, phải giúp đỡ; giúp đỡ nhưng không làm họ tổn thương; không coi họ như kẻ trộm, không xua đuổi họ (“Con chó…đem bán”).
+ Khổ cuối: Thương người cơ nhỡ, bất hạnh là thương chính mình (“Lòng tốt gửi vào thiên hạ – Biết đâu nuôi bố sau này).
Có thể nói, mạch của bài thơ đi đến đạo lí tình thương: “Lá lành đùm lá rách”. “Thương người như thể thương thân”.
b.2 Bàn luận ( Khẳng định – Chứng minh).
– Những lời người cha dạy con tuy chỉ dựa trên một sự việc, hiện tượng ta thường gặp nhưng thể hiện một thái độ, một đạo lí sống. Đó là một thái độ, một đạo lí sống thân thiện, tốt đẹp, thông minh và thực tế.
– Bởi lẽ:
+ Mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng không phải ai cũng hạnh phúc và sung sướng như nhau. Mọi người sống trên đời đều có một hoàn cảnh, một số phận riêng không ai giống ai. Tùy thuộc những sự phân bố vừa ngẫu nhiên vừa tất nhiên mà những số phận khác nhau ấy sẽ may mắn hay hẩm hiu, hạnh phúc hay bất hạnh… không như nhau ( những điều kiện tự nhiên, xã hội và di truyền…). Nghèo khổ, bất hạnh không phải là tội lỗi, chỉ là sự rủi ro. Rủi ro sẽ dẫn đến thiệt thòi. Có thể kể đến các thiên tai, các đại dịch, các châu lục và miền đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; những người bị ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo; những em bé mồ côi; những nạn nhân của chiến tranh;…
+ Vì vậy, những người gặp điều kiện tốt, được hưởng cuộc sống tốt lành hơn phải biết chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ những người bất hạnh, thiệt thòi. Đó là lương tâm hướng tới sự công bằng, là trách nhiệm với đồng loại, là thiên tính tự nhiên của nhiều loài, nhất là ở con người. Cha ông ta có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” là vì thế.
+ Giúp đỡ, chia sẻ với người thiệt thòi bất hạnh còn thể hiện sự phong phú, cao quí của tâm hồn và đức hạnh. Càng biết cảm thông, chia sẻ, con người càng bồi dưỡng được sức mạnh của lòng nhẫn nại và tình thương để hướng tới một cuộc sống hữu ích, lớn lao.
+ Đùm bọc, chia sẻ có vai trò quan trọng góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn.
+ Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu mỗi con người biết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Một con người thương yêu là một con người cao quí, hạnh phúc. Một xã hội nhân đạo là một xã hội văn minh, phát triển. Một cử chỉ xót thương là một hành động mạnh mẽ, thiết thực.
– Phê phán: hiện tượng một số người sống thiếu sự đồng cảm, sẻ chia, vô cảm trước những bất hạnh, éo le của người khác. Khi chúng ta không tự bồi dưỡng được một cách nhìn, một thái độ và một cách ứng xử tốt đẹp thì hậu quả sẽ tiêu cực: Người thiệt thòi càng khốn khó, mỗi chúng ta không thanh thản,không hoàn thiện, đạo lí tốt đẹp của dân tộc bị mai một, xã hội không phát triển…
b.3 Những hành động thương yêu, chia sẻ của bản thân người viết
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Trong tiếng Anh, có một từ ngữ rất đặc biệt mang nghĩa “vũ trụ” – “Universe”. “Uni” nghĩa là “một”, “verse” là “bài thơ” – cả vũ trụ này như một bài thơ, và con người – những tiểu vũ trụ, cũng là một bài thơ họa nên từ tay người nghệ sĩ đời mình. Mỗi người trên đời là một bài thơ, cũng là một người nghệ sĩ từng ngày góp nhặt những “hạt bụi vàng” của đời, đặt bút dệt chính mình và thế giới – những vần thơ tuyệt sắc. Vậy con người nhìn thấy những giá trị tốt đẹp nào để họa người và họa nên mình? Trước cơ trời cứ mãi vần xoay, trước những số phận người yếu thế hơn mình, liệu con người sẽ dùng tấm lòng thế nào để đối đãi và nhận lấy những “tấm lòng vàng”, trở thành một “tiểu vũ trụ” đúng nghĩa, tuy thăng trầm mà đầy chất thơ? Lời khuyên cho câu hỏi đó cũng từng được nhà thơ Trần Nhuận Minh cất lên trong bài “Dặn con”:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
…
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
Con người là một tiểu vũ trụ, tuy mỗi người mỗi khác, nhưng luôn chất chứa những diệu kì, những nét đẹp không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà còn cần con tim để thấu hiểu, để yêu thương. Bài thơ của Trần Nhuận Minh đã chứa đựng thông điệp đẹp về cách đối nhân xử thế, mà trong đó, từng câu từng chữ, đều chan hòa tình yêu và sự tôn trọng đối với con người, với thế giới. Đọc thơ, ta đều bắt gặp “con không được”, “con không bao giờ” như một luật lệ, một nguyên tắc, một điều tiên quyết mà con phải tuân theo. Và tất cả những nguyên tắc như thế, là để con tôn trọng, con yêu thương, không “cười giễu”, không “hỏi”, không làm tổn thương những “hành khất”, những người yếu thế hơn, dù cho họ “hôi hám úa tàn” hay tha hương cầu thực để kiếm miếng ăn, có số phận bất hạnh và không đủ đầy như chúng ta. Rằng “Ai biết cơ trời vần xoay”, ai biết hôm nay là “no ấm”, là đủ đầy nhưng ngày mai sẽ mất đi tất cả. Và một khi “lòng tốt” ta “gửi vào thiên hạ”, gửi gắm vào những người yếu thế hơn lòng tốt, lòng nhân ái bao dung, thì theo cơ trời xoay vần, đến một ngày, lòng tốt ta trao đi, sự tôn trọng ta trao đi ấy, “biết đâu nuôi bố sau này” – nhận lại tấm lòng đẹp, nhận lại những gì xứng đáng với điều mà ta đã gửi gắm khi xưa. Nhân vật người cha trong thơ Trần Nhuận Minh khuyên răn con, nhưng như đang tâm tình với con người vậy, rằng hãy đối xử theo cách yêu thương, đồng cảm, tôn trọng và sẻ chia với những người cùng khổ, người yếu thế hơn mình, để rồi một ngày, tấm lòng rồi sẽ gặp gỡ tấm lòng, và ta nhận lại được những trái ngọt, hoa thơm, điều mình xứng đáng với những gì mình đã trao đi.
Hellen Keller từng cho rằng: “Thay vì so sánh mình với những người may mắn hơn mình, ta nên so sánh mình với số đông con người. Và rồi sẽ có vẻ như chúng ta là những người may mắn”. Ta may mắn và đủ đầy hơn rất nhiều người trên thế gian này, nhưng không phải vì họ khốn cùng mà ta thiếu tôn trọng họ. Mỗi người mỗi khác, có những số phận từ khi sinh ra đã được định sẵn sẽ sung túc đủ đầy, có số phận lại rơi vào sự bất hạnh bần cùng với những nỗi bi thương. Vì vậy mà cuộc đời này luôn đan xen giữa những mảng sáng và tối, giữa giàu sang và đói nghèo, giữa hạnh phúc và nỗi đau, giữa nụ cười và giọt nước mắt. Ai cũng mong được hạnh phúc, ai cũng mong được ấm no, chẳng ai muốn làm “người hành khất” cả. Suy cho cùng, tuy là “hành khất”, nhưng họ vẫn là con người, cuộc sống của họ vẫn chất chứa vô vàn những giá trị, con người họ dù “hôi hám” và “úa tàn” nhưng ẩn sâu bên trong là vẻ đẹp, là khát khao thuần túy của một con người lương thiện.
Tôi vẫn thường nghe người ta than thở, cuộc đời là những chuỗi ngày xoay vòng, như đêm nối ngày, hạnh phúc nối liền với khổ đau, mọi thứ xoay vòng rồi lại xoay vòng, ai biết hôm nay no ấm, ngày mai lại mất hết tất cả, chẳng còn lại gì. Cuộc đời là bất toàn, con người là bất toàn, sự đời là vô thường, nhưng trong cái vô thường của dòng đời miên viễn, mỗi người gặp gỡ ta đều xuất phát từ những mối duyên lành, có duyên, ta mới gặp nhau, và vì có duyên, ta mới ở đây để trao những bài học tuy bình dị mà sâu sắc. Đối đãi với người khác bằng lòng tốt, bằng sự bao dung, tương trợ và tôn trọng, rồi từ đó cho mình phút giây lắng lại, để chiêm nghiệm, để đặt mình vào hoàn cảnh người ấy mà thấu hiểu, mà nâng niu, dù cho đó có là ai chăng nữa, có “hôi hám úa tàn” hay tha hương cầu thực chăng nữa. Đó cũng là cách ta chăm chút cho cơ duyên giữa người với người, sưởi ấm những kiếp khổ sai. Nếu lòng người nguội lạnh, ai sẽ là người nhóm lên tình thương? Nếu người ta chỉ sống với phần Con mà bỏ quên phần Người, thế giới này sẽ lạnh lùng và tàn độc đến thế nào? Ta là Con – Người, để cho phần Con duy trì sự sống, và phần Người tạo ra những giá trị, tạo ra những yêu thương, mở rộng trái tim đón nhận, bao dung dòng đời vốn đầy rẫy những khổ đau và nước mắt.
Ở vùng nông thôn Israel, người dân luôn chừa lại bốn góc ruộng ven đường mà không thu hoạch, dù cho phần hoa màu đó đã chín vàng và chỉ chờ bàn tay người hái về. Hoa màu đều để lại đó, bất kì ai cần đến đều có thể mang về. Đó là để báo đáp Thần, cũng là cung cấp, giúp đỡ những người nghèo đói khi đi ngang qua có thể dùng để lo cho những bữa cơm qua ngày. Hoặc như trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, trên từng góc phố, xóm nhỏ vắng vẻ, lạnh lẽo của Sài Gòn ngày dịch bệnh, vẫn nhóm lên đâu đó sự ấm áp của những suất cơm, ký gạo, những hộp sữa, hộp bánh, thùng mì miễn phí hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do như bán vé số, lượm ve chai…của nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện… Hay như tiếng gọi chan chứa tình thương vang lên mỗi ngày tại bệnh viên Nhi Đồng 2: “Bé Mén dậy rồi kìa. Mẹ nào ẵm con đi tắm đi, rồi con uống sữa…” của phòng khoa Ngoại tổng hợp đối với bé Mén – con gái của 52 y bác sĩ tại khoa, cô bé bị cha ruột bỏ rơi khi điều trị tại đây… “Lòng tốt” – sự nhân ái, lòng yêu thương, sẻ chia, tôn trọng và đồng cảm mà chúng ta “gửi vào trong thiên hạ”, thực sự đã kiến tạo và cứu lấy nhiều cuộc đời khác. Tấm lòng ta trao đi, thật sự tỏa hương, kết tinh nên tia hy vọng giữa nhiều cuộc đời và số phận tăm tối trên đời.
Nhìn ra ngoài kia, thực sự vẫn có rất nhiều hơi ấm, rất nhiều những cá nhân và những hành động đẹp trao đi cho thế giới, thắp lên tia hy vọng cho nhiều mảnh đời bi thương, bất hạnh. Trao đi yêu thương, sống vì người khác, cũng là một cách để ta trân trọng chính mình, bồi đắp chính mình. Nhưng xin đừng mù quáng đâm đầu vào yêu thương, vào sự cho đi, bởi nếu ta vì họ, nhưng họ hoàn toàn không xứng đáng để ta vì, không xứng với những gì ta trao đi, không tôn trọng và gìn giữ những tốt đẹp ấy, thì hãy cân nhắc để không tự làm chính mình tổn thương. Và nếu như đã quyết tâm yêu thương thế giới, xin hãy kiên trì đến cùng, và trao đi với một trái tim không quá chờ đợi sự công nhận, không vị kỉ, không vụ lợi, bởi ít có “lòng tốt” nào vừa mới “gửi vào thiên hạ” đã ngay lập tức cho ra trái ngọt hoa thơm, cũng sẽ không thực sự ấm áp nếu ta giúp đỡ chỉ vì khao khát sự công nhận, bỏ mặc những cảm xúc, những niềm hạnh phúc khi lòng tốt của mình được trao đúng người và được nhận lại những gì mình xứng đáng.
Trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, nếu có sự tôn trọng, nhẫn nại, có sự lương thiện đối đáp những người cùng khổ, những người yếu thế hơn thì cuộc đời sẽ đầy ắp những trái tim ấm áp, những tình thương không vị kỉ. Nhưng, con người vẫn còn đang cuốn theo vòng đua không hồi kết của cuộc đời, họ “nhanh” hơn, và họ không còn đoái hoài đến những kiếp sống lầm than, dồn dập với hàng núi công việc và lợi ích về vật chất, lợi ích cho bản thân mình, họ dần thờ ơ trước nỗi đau, sự khó khăn và bất hạnh của người khác, đôi khi vô tình làm tổn thương đến những người có số phận bi thương hay mang đến một tình thương giả dối, vụ lợi.
Nhìn lại chính mình qua lời thơ của Trần Nhuận Minh, tôi như được thấy chính tôi ngày còn thơ bé, những ngày nắm tay mẹ đi qua con phố lao động nghèo trên nẻo đường Sài Gòn, ngồi nghe mẹ kể về những ngày túng thiếu, những ngày ba mẹ mới cưới còn phải dành dụm từng đồng. Ngày tôi còn bé, mẹ cũng dạy bảo tôi rằng hãy nhìn những kiếp người với đôi mắt cảm thông, và đối đãi với họ bằng sự tôn trọng, dù có thể mình chẳng nhận được gì nhiều về vật chất, nhưng mình trao đi là còn mãi, trao là yêu người, cũng là yêu mình, trân trọng mình, giúp người cũng là giúp mình, và những gì cho đi rồi cũng sẽ về lại bên ta. Giờ đây, khi đã gặp gỡ với nhiều những kiếp sống khác nhau, đã hiểu và đồng cảm với số phận những người bần cùng, tôi lại càng thấm thía về những gì mình đã được dạy bảo, lại càng xót xa cho những số phận không trọn vẹn, ngày ngày sống chỉ mong có được một bữa cơm bình yên. Dần dần, cảm xúc và bài học thuở ấy nuôi lớn trong tôi một đam mê, một tinh thần mà tôi nghĩ mình tự hào nhất, đó là sự xung kích, tình yêu đối với công việc làm công tác xã hội, tình nguyện giúp đỡ cộng đồng.
Nhà thơ Tố Hữu từng viết đôi dòng thơ rất đẹp:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Cuộc đời là một vũ trụ rộng lớn, mỗi một cá nhân cũng là một tiểu vũ trụ, luôn luôn xoay vần đổi thay, mọi sự rồi cũng sẽ theo thời gian mà cuốn trôi đi. Duy chỉ còn lại “Lòng tốt gửi vào thiên hạ” là còn mãi, yêu thương ta trao đi là yêu thương duy nhất mà ta giữ được. “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, và sống, là còn để trân trọng, sẻ chia và bao dung với từng kiếp người thống khổ. Hãy sống với tất cả niềm yêu, niềm tin, sống hết mình, để rồi họa nên người, họa nên người, vẽ lên trang đời kia những thiết tha thuần túy nhất:
“Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Rồi sẽ gặt lấy trái ngọt hoa thơm”.
(Bài làm của em Cao Nhựt Thanh Hiền
Lớp 11A12, Trường THPT Bùi Thị Xuân)
Discussion about this post