Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Cách đưa kiến thức lí luận vào bài viết nghị luận văn học

Cách đưa kiến thức lí luận vào bài viết nghị luận văn học

Cách đưa kiến thức lí luận vào bài viết nghị luận văn học

Từ xưa đến nay, đa số học sinh đều cho rằng lí luận văn học là những kiến thức vô cùng trừu tượng, khó hiểu, khó tiếp thu, khó vận dụng, chỉ dành cho Học sinh giỏi và thường bỏ qua việc sử dụng những kiến thức này trong bài làm. Đó thực sự là điều vô cùng đáng tiếc, bởi tất cả chúng ta đều có khả năng vận dụng kiến thức lí luận ở mức cơ bản để làm sâu sắc thêm bài viết của mình. Vậy cụ thể hơn, chúng ta sẽ đưa kiến thức ấy vào bài viết như thế nào?

1. Ngay từ phần mở bài, chúng ta có thể vận dụng kiến thức lí luận văn học bằng cách dẫn dắt các vấn đề về đặc trưng thể loại (thơ, truyện, tùy bút, bút kí,…), phong cách nghệ thuật, giá trị văn học hay tình cảm nhà văn…

Ví dụ, sử dụng đặc trưng của thể loại thơ, chúng ta có thể viết:

Biển cả nghìn năm không ngừng dào dạt sóng. Sóng biển có lúc êm đềm nhưng cũng có khi thét gào dữ dội. Tâm hồn con người cũng như biển vậy. Thi nhân rung cảm trước cuộc đời mà viết nên thơ. Con sóng lòng tràn bờ, tràn trên con chữ thành thơ. Tất cả những tình cảm và cảm xúc sâu lắng ấy đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ A để tác phẩm B, đặc biệt là đoạn trích C còn vấn vươn trong trái tim biết bao bạn đọc.

Tương tự như thế, với đặc trưng thể loại truyện, ta có mở bài như sau:

Trái tim con người có sức mạnh phi thường và kì diệu. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Mọi điều xuất phát từ trái tim“. Điều này quả là minh xác đối với mọi phương diện đời sống và càng chuẩn xác hơn trong sáng tác văn chương nghệ thuật. Trước khi rỏ từng giọt tâm hồn ra ngòi bút để viết nên những câu chữ đẹp đẽ tinh khôi; mỗi nhà văn đều để dòng tư tưởng thấm xuyên qua con tim thổn thức để từ đó, thể hiện cái nhìn sâu sắc về con người mà gửi vào trong sáng tác. Cái nhìn nghệ sĩ luôn đau đáu khôn nguôi hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc, để dựng lên tượng đài cao đẹp và hùng vĩ của con người trong văn chương muôn thuở, trong tình nhân đạo dạt dào.

2. Một mở bài ấn tượng có sử dụng kiến thức lí luận sẽ khiến người đọc có thiện cảm với bài viết của bạn ngay từ đầu và giúp bạn giành được điểm cộng, vậy tại sao chúng ta lại không khép lại bài làm với một kết bài cũng sử dụng kiến thức lí luận để tạo dấu ấn riêng?

Một kết bài như vậy không chỉ giúp bài nghị luận văn học tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” khi mở bài dài, hấp dẫn còn kết bài thì cụt ngủn, mà còn giúp bạn khẳng định thêm một lần nữa vốn kiến thức của bản thân, sự đầu tư trong từng công đoạn của bài viết.

Ở kết bài, chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng những kiến thức lí luận quen thuộc như giá trị của văn học nghệ thuật, quy luật của văn chương,…

Lưu ý: Các bạn có thể trích dẫn các nhận định đắt giá liên quan tới vấn đề lí luận mình sử dụng, đặt ở vị trí đầu hoặc cuối phần kết bài để tạo độ lắng và sức ngân vang cho bài viết.

Ví dụ 1: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sêđrin). Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian, trường tồn mãi trong tâm trí bạn đọc bởi những giá trị đích thực mà nó gieo hạt giữa nhân gian. Ta sẽ còn mãi yêu thương một cô Mị…

Ví dụ 2: Có thể nói, đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung đã được tác giả “thai nghén từ những hồi ức và ra đời từ những nhớ thương”. Không khắc họa người lính dưới hình tượng “những bậc thánh nhân”, không đặt hiện thực vào môi trường “vô trùng”, “Tây Tiến” đã thổi một làn gió tươi mát, mới mẻ vào tâm hồn những binh sĩ nơi chiến trường. Cái bi, cái hùng, cái hào hoa đậm chất Hà thành được đan xen tinh tế khiến tác phẩm xứng đáng là “bông hoa rừng hé nụ xòe hoa đẹp nhất tại Phù Lưu Chanh bên bờ sông Đáy”. Với những giá trị, ý nghĩa quý giá ấy, “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã xác quyết cho một chân lí muôn đời: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sêđrin).

Exit mobile version