1. Dẫn nguyên văn cả câu, đoạn văn bản ngắn
Đây là cách nêu dẫn chứng được sử dụng phổ biến nhất trong các văn bản văn nghị luận đặc biệt trong nghị luận văn học. Khi đưa ra dẫn chứng là một câu thơ, câu văn hay một đoạn, một bài văn ngắn người ta thường dùng cách nêu dẫn chứng này và thường được sử dụng viết thành một đoạn văn riêng.
Việc trích dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn đòi hỏi việc trích dẫn mang tính chính xác cao vì thế người viết cần phải thuộc dẫn chứng và nguồn gốc. Phần trích dẫn cần phải trích dẫn chính xác, đặt trong dấu ngoặc kép và chú thích nguồn của dẫn chứng.
Ví dụ: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người” (Tố Hữu). Phải chăng đối với thơ, tình là gốc và thơ ca ra đời khi con người có nhu cầu tự biểu hiện, tự bộc lộ những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của cá nhận mình. Chính tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc trưng của thơ so với những thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng tình cảm qua hệ thống những nhân vật, cốt truyện, thì trong thơ, người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình cảm này bằng ngôn từ:
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu)
2. Trích các từ ngữ tiêu biểu
Bên cạnh việc trích dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn, đôi khi người viết có thể trích dẫn các từ ngữ tiêu biểu. Lúc ấy các dẫn chứng được kết hợp vào trong lời văn nghị luận của người viết.
Ví dụ: Quê hương Việt Nam qua bức tranh thôn Vĩ Dạ của xứ Huế sao mà xinh xắn thế, mơ mộng và trữ tình đến thế. Bằng những hình ảnh bình dị, thân thương như “nắng hàng cau” trong khu vườn mướt” “xanh như ngọc”, nhà thơ cho chúng ta thêm yêu và trân trọng xứ Huế. Những “bến sông trăng” với con thuyền “chở trăng” gợi lên chất mộng, chất thơ nhưng cũng rất thực. Đấy chính là tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương, với thiên nhiên đất nước.
3. Tóm lược nội dung chính
Đây là cách trích dẫn dẫn chứng theo hình thức gián tiếp và khá phổ biến trong văn nghị luận. Người viết chỉ dẫn ý của câu thơ, câu văn, lời nói, tóm lược nội dung câu chuyện… và không cần đặt trong ngoặc kép để đưa vào bài viết.
Ví dụ: Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu. Ban đầu hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng không ai đáp lời thằng say rượu. Tức mình, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đến cuối cùng hắn đau đớn, hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.
Thảo luận về bài viết này