Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Cảm nhận của em về cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

I. Mở bài

Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho đời một tác phẩm bất hủ. Đó là “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” gây ấn tượng với người đọc không chỉ bởi giá trị nhân văn cao cả, giá trị hiện thực độc đáo mà còn bởi nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nói đến nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong “Truyện Kiều” ta không thể không nhắc đến đoạn trích “Kiều ơ lầu Ngưng Bích”. Trong đoạn trích ấy, có lẽ sáu câu thơ đầu là những vần thơ độc đáo nhất.

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

II. Thân bài

1. Khái quát:

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” gồm 22 câu thơ lục bát, nằm ở phần 2 “Gia biến và lưu lạc” trong tác phẩm “ Truyện Kiều”. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã miêu tả một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều trong những tháng ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích để từ đó làm nổi bật nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

2. Cảm nhận về cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều

– Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã giúp người đọc cảm nhận được cảnh ngộ của Thúy Kiều- một người con gái tài hoa nhưng bạc phận:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”

+ Hoàn cảnh: của Thúy Kiều lúc này thật trớ trêu. Sau khi bán mình chuộc cha và em, Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh làm nhục rồi đẩy vào lầu xanh. Vì qua nhục nhã, ê chề, nàng có ý định tự tử. Nhưng Tú Bà sợ mất cả chì lần chài nên đã đưa nàng ra lầu Ngưng Bích nói là đợi người chuộc thân nhưng thực chất là để thực hiện những âm mưu mới. Lúc này nàng đang bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích chênh vênh trên sường núi, giữa nơi đất khách quê người.
+ Nói về hoàn cảnh ấy, Nguyễn Du đã mượn hai chữ “ khóa xuân”(khóa kín tuổi xuân). Thực ra “khóa xuân” là từ vốn dùng để nói về cuộc sống nề nếp, kín đáo của những người con gái nhà quyền quý. Với hoàn cảnh của Thúy Kiều, Nguyễn Du dùng từ ấy để miêu tả thật khiến người đọc không khỏi chua chat, xót xa.
– Và từ lầu Ngưng Bích nhìn ra, Kiều thấy ở phía xa kia là hình ảnh của một vầng trăng non mới mọc. Hình ảnh vầng trăng trong đoạn thơ này là một chi tiết nghệ thuật, gợi thời gian nghệ thuật. Đó là lúc chiều muộn, khi nhà nhà đã lên đèn, người người đang quay quần bên bữa cơm sum họp. Hình ảnh ấy dễ khiến người ta nhớ về gia đình, về quê hương. Và có thể Thúy Kiều cũng có chung tâm trạng ấy bởi giờ đây nàng đang phải bơ vơ nơi đất khách quê người.
– Và cũng từ cái nơi chênh vênh giữa sườn núi ấy, Kiều còn nhìn thấy ở phía trước là cả một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn.
+ Câu thơ “Bốn bề bát ngát xa trông” gồm sáu chữ mà chữ nào cũng gợi ra một không gian hoang vắng, rợn ngợp. Nhìn lên trên là vầng trăng đơn côi, nhìn xuống mặt đất thì bên là cồn cát nhấp nhô lượn sóng bên là bụi hồng cuốn xa hàng vạn dặm. Lầu Ngưng Bích trở thành một chấm nhỏ giữa thiên nhiên trơ trọi, giữa mênh mang trời nước. Không một bóng người, không một sự chia sẻ, chỉ có thiên nhiên câm lặng làm bạn. Kiều chỉ có một mình để tâm sự, để đối diện với chính mình.
+ Ở bốn câu thơ đầu này Nguyễn Du đã rất thành công với bút pháp tả cảnh ngụ tình. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên rộng lớn, hoang vắng, không có bóng dáng của con người trước lầu Ngưng Bích để từ đó làm nổi bật nỗi cô đơn đến cùng cực của Thúy Kiều. Miêu tả như thế không phải nhà thơ nào cũng làm được.
– Và trong hoàn cảnh như thế, Kiều lại cảm thấy “bẽ bàng” khi nghĩ đến thân phận của mình:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
+ “Bẽ bàng” ở đây có nghĩ là xấu hổ và tủi thẹn. Nàng cảm thấy bẽ bàng là bởi tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục chia lìa còn bản thân nàng thì danh dự, nhân phẩm đã bị người ta chà đạp.
+ Lúc này nàng chỉ biết làm bạn với mây, với đèn. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Tất cả như giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi cô đơn khiến Kiều càng bẽ bàng, chán ngán, buồn tủi .

3. Đánh giá nghệ thuật, nội dung của đoạn thơ

Như vậy, bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp hệ thống hình ảnh ước lệ, ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, Nguyễn Du đã khắc họa thành công một bức tranh thiên nhiên mênh mông, vắng lặng. Và trên nền của khung cảnh ấy là hình ảnh nàng Kiều lẻ loi, cô độc với bao nỗi niềm tâm sự đau thương. Từ những vần thơ ấy, người đọc nhận ra nỗi niềm thương cảm xót xa của tác giả dành cho nhân vật nói riêng và nói chung là dành cho tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng.

III. Kết bài

Có thể nói rằng “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích thành công nhất về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong “Truyện Kiều”. Đoạn trích này nhất là 6 câu thơ đầu đã khơi gợi trong ta không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng thơ của tác giả Nguyễn Du, khiến ta càng thêm thương cảm cho tình cảnh bất hạnh của nàng Kiều, cho nỗi đau của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và phải chăng chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử “Truyện Kiều” vẫn là tác phẩm bất hủ của văn học Việt Nam

Exit mobile version