Đề:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2)
Cảm nhận về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm Sang thu.
– Khái quát nội dung đoạn trích.
II. Thân bài
* Vị trí đoạn trích: Đoạn trích là hai khổ thơ cuối của tác phẩm tái hiện lại quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu và những suy ngẫm về đời ngời lúc chớm thu.
1. Phân tích hai khổ thơ:
a. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu (khổ đầu trong đoạn trích):
– Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:
+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.
+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.
+ Phép đối “dềnh dàng” >< “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.
– Được khắc họa rất ấn tượng:
+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.
+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.
➔ Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.
b. Những biến chuyển của thiên nhiên và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu (khổ thứ 2 trong đoạn trích):
– Những biến chuyển của thiên nhiên được tái hiện tài tình:
+ Phép đối: “vẫn còn” – “vơi dần”, “nắng” – “mưa” gợi sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên -> biểu hiện của sự giao mùa.
+ “Mưa”, “nắng”: là những hiện tượng thời tiết dễ quan sát, nắm bắt, làm cụ thể hóa khoảnh khắc chuyển mùa. Nắng vẫn còn nhưng không chói chang, gay gắt, cơn mưa rào đặc trưng của mùa hạ đã vơi dần -> dấu hiệu của mùa thu đậm nét hơn.
+ Những từ ngữ chỉ mức độ “vẫn còn” “vơi” “bớt” được sắp xếp giảm dần cho thấy mùa hạ đang nhạt dần, mùa thu ngày càng rõ nét hơn. Mùa thu đã hiện hình giữa đất trời.
– Suy ngẫm về đời người lúc chớm thu:
+ Tiếng sấm: Theo nghĩa thực, tiếng sấm là dấu hiệu của những cơn mưa rào mùa hạ. Sang thu, tiếng sấm nhỏ dần, không đủ sức làm lay động hàng cây đã bao mùa thay lá. Nghĩa ẩn dụ: chỉ những biến động thất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, cho những gian nan, thử thách mà con người gặp phải trong cuộc đời.
+ “hàng cây đứng tuổi”: phép nhân hóa gợi cái xế chiều của đời người, gợi hình ảnh những con người đã trưởng thành, trầm tình và vững vàng hơn.
➔ Con người khi đã trưởng thành sẽ hiểu biết hơn, bình tĩnh, ung dung hơn trc mọi đổi thay, biến động của cuộc đời.
2. Liên hệ với tác phẩm khác để thấy được những chuyển biến của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.
Các em có thể tùy chọn tác phẩm liên hệ.
Gợi ý: Tác phẩm Ánh trăng.
– Trong “Ánh trăng” con người có sự thay đổi biến chuyển về tâm lý theo thời gian. Trong khi thiên nhiên từ quá khứ tới hiện tại luôn thủy chung tình nghĩa thì con người lại đổi thay.
– Sự thay đổi của con người theo thời gian:
+ Trong quá khứ con người với ánh trăng gắn bó với nhau qua những kỉ niệm đẹp đẽ: tuổi thơ, chiến tranh ở rừng.
+ Ở hiện tại con người đã lãng quên, vô tâm với vầng trăng trong quá khứ.
+ Sau tình huống bất ngờ gặp lại, con người mới nhận ra tình nghĩa của trăng, giá trị của cuộc sống, của quá khứ.
=> Theo thời gian, con người lớn lên, trưởng thành đi kèm với đó là những mối bận tâm mới khiến người ta dần lãng quên những giá trị của kỉ niệm, quá khứ. Thế nhưng chỉ cần những tác động nhỏ con người có thể lắng lại để rồi nhận ra và trân trọng những giá trị đã từng lãng quên.
III. Tổng kết.
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh
- Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong “Sang thu” và “Mùa xuân nho nhỏ”
- Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh
- Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
- Cảm nhận về 2 đoạn trích “Sang thu” và “Bến quê”
- Đoạn văn theo cách tổng – phân hợp làm rõ bức tranh thiên nhiên lúc sang thu.
- Tình yêu và sự gắn bó thiên nhiên đã giúp Hữu Thỉnh viết nên những vần thơ “ Sang thu” thật sinh động và ý nghĩa
- Cảm nhận khổ đầu bài “Sang thu” và “Mùa xuân nho nhỏ”
Discussion about this post