I/ Mở bài
Nguyễn Thành Long một cây bút văn xuôi đặc sắc với sở trường về truyện ngắn và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở khai thác tình huống dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình. Tiêu biểu cho nét phong cách độc đáo ấy ở nhà văn là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” . Tác phẩm được viết vào năm 1970, là kết quả chuyến đi thực tế của tác giả đến với Lào Cai , vùng đất non xanh của Tổ quốc. Làm nên thành công của tác phẩm có thể nói chính là nhờ chất thơ bàng bạc, xuyên suốt phủ lên bức tranh thiên nhiên và con người nơi Sa Pa lặng lẽ.
II/ Thân bài
1.Khái quát
Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt, thể hiện qua ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để chỉ tác phẩm có thiên hướng biểu hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc trước những vẻ đẹp cuộc sống, thiên nhiên, con người và có ý nghĩa khơi gợi cảm xúc trữ tình ở người đọc thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, giọng văn nhẹ nhàng êm ái…Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa chất thơ được biểu hiện phong phú, bàng bạc trong cả truyện nhưng chủ yếu toát lên từ thiên nhiên đẹp đầy thơ mộng của Sa Pa, thấm đượm trong vẻ đẹp cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên, từ tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ về con người, nghệ thuật, cuộc sống của người họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ…
- Biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn « Lặng lẽ Sa Pa »
a/ Chất thơ trong vẻ đẹp thiên nhiên
Thật vậy, trước hết, chất thơ trong tác phẩm biểu hiện ở vẻ đẹp của thiên nhiên, cụ thể là núi rừng Sa Pa. Trong truyện, theo chuyến xe đưa ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ lên Sa Pa, tác giả dẫn người đọc đến với những không gian núi rừng Tây Bắc với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Cảnh Sa Pa đẹp một cách kì lạ, quyến rũ khiến con người ta ngỡ ngàng khi lần đầu tiên bắt gặp. Chất thơ toát lên từ cảnh sắc Sa Pa thơ mộng như một bức tranh. Đó là nơi núi cao, thác đổ trắng xoá, với mây, nắng, sương đều rất la. Sự bắt đầu của Sa Pa là “những răng đào” ven đường hay “những đàn bò lang cổ có đeo chuông” là đặc trưng hữu hình của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nơi đây. Hình ảnh rừng cây đầu mùa bao bọc lấy nhau “Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng, những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”. Nhất là vẻ đẹp của nắng khiến cảnh sắc thêm lộng lẫy. “Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây”; “nắng đã mạ bạc cả con mèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Người ta cảm thấy như bị cuốn theo nhịp chạy của mây hay đầy xúc cảm trong sự cuốn hút của nắng. Sa Pa không hoang vu, lạnh lẽo mà mang nét đẹp thơ mộng, huyền ảo và rất đỗi hữu tình.
Cuối truyện, khi ông họa sĩ và cô kĩ sư tạm biệt Sa Pa, khung cảnh núi rừng lại được miêu tả một lần nữa:“Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Tác giả không miêu tả nhiều nhưng chỉ với những nét chấm phá, qua lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, ngôn ngữ như có đường nét, hình khối, sắc màu, cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình. Khung cảnh nên thơ này có tác dụng làm phông nền cho câu chuyện đầy chất thơ, là chất xúc tác đồng thời là điểm tựa cho chất thơ trong truyện được thăng hoa.
b/ Chất thơ trong vẻ đẹp của con người
- Anh thanh niên
Chất thơ không chỉ biểu hiện qua thiên nhiên mà chất thơ còn biểu hiện qua con người. Trước hết nó biểu hiện qua nhân vật chính là anh thanh niên. Chất thơ toát lên từ những suy nghĩ, cảm xúc, việc làm, cách sống của anh. Đó là con người yêu nghề, có ý thức sâu sắc về công việc mình làm và hiểu rõ ý nghĩa của công việc với cuộc sống con người, có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn và gian khổ của hoàn cảnh sống để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh là một chàng trai với tâm hồn cởi mở, chân thành, có nếp sống ngăn nắp, khoa học và thơ mộng (“một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”), không cảm thấy cô đơn vì có niềm vui trồng hoa, đọc sách; yêu nghề, tận tụy, có trách nhiệm và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”; chân thành, cởi mở, chu đáo và biết quan tâm người khác (tặng củ tâm thất để vợ bác lái xe chữa bệnh, vui sướng khi có khách đến thăm, tiếp đãi khách nồng nhiệt, lưu luyến, tặng quà khi chia tay); thành thật, khiêm tốn (tự nhận thấy đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé so với những người khác, từ chối khi được vẽ chân dung và giới thiệu những người xứng đáng hơn mình). Có thể nói, hiện lên với những vẻ đẹp dung dị, đời thường mà cao quý, anh thanh niên hình ảnh tiêu biểu của những con người “lặng lẽ” giữa “Sa Pa”, là chân dung của con người lao động mới trong thời đại mới đang góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tâm hồn, cách sống, từng câu chuyện về công việc của anh như những bài thơ mang vẻ đẹp nhân văn thấm đẫm. Chất thơ trong truyện bung tỏa từ chính hình tượng nhân vật này.
- Các nhân vật khác
Chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa còn được thể hiện nổi bật qua vẻ đẹp của các nhân vật khác với những câu chuyện bình dị mà cảm động của họ. Tất cả đều hiện lên với những vẻ đẹp riêng. Ông họa sĩ già với khát vọng chân chính về nghệ thuật , con người từng trải, tâm huyết với nghệ thuật, khát khao đi tìm đối tượng của nghệ thuật, có tâm hồn nghệ sĩ giàu xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn con người và nghệ thuật. Cô kĩ sư trẻ mang nhiệt huyết của tuổi trẻ, có niềm khát khao cống hiến, sẵn sàng rời thành phố đến với miền đất xa xôi khi vừa mới ra trường ; cuộc gặp gỡ với người thanh niên đã khơi dậy trong cô những tình cảm lớn lao, cao đẹp, hiểu thêm về cuộc sống tuyệt đẹp của người thanh niên, có những nhận thức sâu sắc về lẽ sống và vững tin vào con đường mình đã lựa chọn. Bác lái xe với hơn 30 năm miệt mài. Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa tận tụy với công việc, hàng ngày ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy phấn của ông, tự tay thụ phấn cho hoa su hào…Anh cán bộ nghiên cứu sét hi sinh hạnh phúc bản thân vì đam mê khoa học. Anh đồng nghiệp trên đỉnh Phan-xi-păng lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng…, Tất cả những nhân vật của Lặng lẽ Sa Pa đều hiện lên với vẻ đẹp rạng ngời trong tâm hồn và cách sống. Không chỉ say mê, hết lòng trong công việc, họ còn biết hi sinh hạnh phúc riêng tư cho lí tưởng xây dựng, làm giàu đất nước. Dù thật lặng lẽ, bình dị (phần lớn các nhân vật đều không có tên – đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả) nhưng nhân cách, tâm hồn của họ vẫn tỏa vẻ đẹp nhân văn lấp lánh.
c/ Một câu chuyện nhẹ nhàng, đậm chất thơ
Không chỉ trên phương diện nội dung, chất thơ trong “Lặng lẽ Sa Pa” còn được thể hiện sinh động trên nhiều khía cạnh của phương diện hình thức. Ấn tượng chung của độc giả đối với tác phẩm là câu chuyện nhẹ nhàng với cốt truyện đơn giản, tình tiết không phức tạp, diễn biến truyện không quá gây cấn. Tuy có đôi lúc sôi nổi nhưng chủ yếu truyện vẫn mang giọng điệu chậm rãi, khoan thai. Đặc biệt, truyện có lớp ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm và hình ảnh với những biểu hiện như: Sử dụng nhiều từ ngữ chỉ màu sắc (thác trắng xóa, mây hắt từng chiếc quạt trắng, thấp thoáng trong màu xanh bao la, một vệt hình ba góc màu vàng, những ngón tay bằng bạc, nhô cái đầu màu hoa cà màu xanh của rừng, anh chỉ đỏ mặt, đứng trông mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…);Sử dụng nhiều từ láy (lặng lẽ, lả tả, thấp thoáng, dễ dàng, nhẹ nhàng, bối rối, nhỏ nhẻ, sạch sẽ, toe toe, khe khẽ, hí hoáy, loay hoay, choáng choàng, vắng vẻ, vòi vọi, băn khoăn, rực rỡ,…); sử dụng nhiều so sánh tu từ (nó như con gián gặm nhấm người ta, nó như bị chặt ra từng khúc, các anh chị cứ như con bướm,…). Có thể nói, lớp ngôn ngữ truyện giàu chất thơ là một trong những phương diện quan trọng làm nên chất thơ xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm.
- Đánh giá
“Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn giàu chất thơ. Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, còn có những chi tiết rất thơ, có ngôn ngữ văn xuôi trau chuốt, nhịp điệu nhẹ nhàng… khơi gợi nhiều xúc cảm cho người đọc. Có thể nói chất thơ là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và thành công của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đặc biệt là trong đoạn trích, giúp cho chủ đề truyện được rõ nét và sâu sắc (trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước) làm nên đặc sắc văn phong và khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Long.
III/ Kết bài
Với nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế, tạo nên những câu văn giàu hình ảnh, nhạc tính, cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi, tạo ra những tình tiết giàu mang những chiều sâu chưa nói hết, có thể nói, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” mang dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó với đất nước, với mọi người. Chất thơ trong truyện còn góp phần tạo nên dấu ấn phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Long – nhẹ nhàng, sâu lắng và thấm đẫm chất tình.
Thảo luận về bài viết này