Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ

Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ

Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ

Mỗi tác phẩm nghệ thuật khi được viết lên đều là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ sáng tạo bằng tình yêu, bằng những rung cảm với cuộc đời còn tác phẩm thì lại là một lăng kính để người đọc thêm hiểu về người cầm bút. Vì vậy mà có ý kiến cho rằng: “Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ.”

Nhận định trên vô cùng đúng đắn, sâu sắc. “ Giá trị của nhà thơ” ở đây chính là những dấu ấn mà nhà thơ để lại, những đóng góp của nhà thơ đối với nền thi ca, văn học và bạn đọc. Nhận định cho rằng cuộc đời, giá trị nhà thơ “không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ.” tức là ta có thể thấy được cuộc đời, dấu ấn, phong cách, đóng góp của mỗi nhà thơ ngay từ trong sáng tác, đứa con tinh thần của họ. Như vậy có thể thấy nhận định trên nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và tác phẩm. Qua mỗi tác phẩm, ta nhìn thấy bóng dáng, cuộc đời, tiểu sử, số phận của mỗi nhà thơ. Tác phẩm chính là thước đo giá trị, dấu ấn, tài năng và những đóng góp của nhà thơ.

Vậy vì sao “ Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ.”? Thơ là tiếng nói của tình cảm. Nhà thơ qua thi phẩm của mình bộc lộ những cảm xúc giấu kín. Thông qua đó, ta có thể hiểu được những tâm tư, những sự việc nhà thơ từng trải để có thể thấy được cả cuộc đời, số phận nhà thơ từ đó. Cội nguồn cảm hứng sáng tạo của thơ ca là những sự kiện trong chính cuộc đời của nhà thơ. Có những nhà thơ lấy mình là đối tượng để phản ánh trong sáng tác, Trong sáng tác văn học, tính chủ thể là tất yếu, bởi người nghệ sĩ không thể sáng tác khi tâm hồn nguội lạnh, dửng dưng. Tính chủ thể thể hiện ở tư tưởng, quan niệm, tâm hồn, tình cảm thị hiếu, vốn sống, kinh nghiệm, tài nghệ của cá nhân tác giả. Qua sáng tác, người nghệ sĩ như hé mở cánh của tâm hồn riêng của mình cho người đọc. Hình tượng trong thơ không ai khác chính là nhà thơ. Hai chữ “nhà thơ” có lúc là tư cách của người trong cuộc, có khi viết về sự kiện khác của cuộc sống hoặc viết về những người khác thì bản thân nhà thơ vẫn có sự hóa thân sâu sắc. Chính vì vậy mà dường như tác phẩm phản ánh phần nào bóng dáng cuộc đời, tiểu sử, số phận của nhà thơ. “Giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ.” Bởi lẽ nhà thơ là chủ nhân, là cha đẻ của những tác phẩm tinh thần đó nên tác phẩm bao giờ cũng có ý nghĩa quyết đinh sự tồn tại, tên tuổi của tác giả. Chỉ có con đường đến với tác phẩm thì người đọc mới đánh giá được tài năng, giá trị của nhà văn . Những điều mà người nghệ sĩ phản ánh trong sáng tác của mình đều là những điều họ từng suy nghĩ, trải nghiệm, trăng trở, day dứt. “ Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn”. Cho nên với bất cứ thể loại nào, trong đó có thơ ca, người ta đều coi trọng tính chân thực của xúc cảm và tài năng biểu hiện.

Trong thi ca từ xa xưa, ta đã bắt gặp rất nhiều hóa thân của người nghệ sĩ trong tác phẩm của họ. Trong “Độc Tiểu Thanh kí”, ta bắt gặp một đại thi hào Nguyễn Du từ việc khóc thương nàng Tiểu Thanh để tự khóc cho chính mình. Hồ Xuân Hương trải qua bao lận đận, trắc trở tình duyên đã viết lên bài thơ “Bánh trôi nước” để than thân thay cho người phụ nữ trong xã hội cũ. Và Xuân Diệu sống vội, sống nhanh trước cuộc đời ngắn ngủi trong thi phẩm “Vội vàng”. Từ trung đại đến thơ Mới và cả thơ ca cách mạng sau này, dường như trong mỗi thi phẩm ta đều bắt gặp dáng hình người nghệ sĩ. Họ làm thơ từ cuộc đời họ và để lại những giá trị sâu sắc. Một thi phẩm hay phải là bộ mặt và trái tim của người cầm bút. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử là một bài thơ như thế.
Trong mỗi câu mỗi chữ của “Đây thôn Vĩ Dạ” chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấy ẩn hiện cuộc đời của tác giả. Bài thơ được trích trong tập “Đau thương”, đây là kiệt tác của Hàn Mặc Tử và là một trong những tác phẩm đặc sắc của thơ hiện đại Việt Nam. Khi lâm bệnh, Hàn Mặc Tử phải sống cách li. Mặc dù mọi người, nhất là bạn bè, những người thân của ông không bao giờ có ý định bỏ rơi ông nhưng chính Hàn Mặc Tử tự cách ly, tuyệt giao để không đem đến đau khổ, bệnh tật cho mọi người. Trong nỗi cô đơn, mỗi lần tiễn biệt một người đến thăm ra về, Hàn Mặc Tử luôn cảm thấy bơ vơ như tiễn một người từ cõi này về cõi khác:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Trong lúc lâm bệnh, nhận được tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc, thi sĩ đã vô cùng xúc động và làm nên tác phẩm này. Cả bài thơ có ba khổ thơ, tương ứng với mỗi khổ là một chặng thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai. Trước hết, khổ thơ đầu miêu tả bức tranh thôn Vĩ tươi đẹp, thanh bình trong kí ức nhà thơ. Bức tranh ấy là ẩn dụ cho quá khứ tuổi trẻ của nhà thơ, một thời hồn nhiên, sôi nổi, tràn đầy sức sống, khát vọng:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Câu đầu của khổ thơ thứ nhất “dịu ngọt” như một lời chào mời vừa vui mừng hội ngộ, vừa nhẹ nhàng trách người thương xiết bao thương nhớ, đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”. Có mấy xa xôi, cảnh cũ người xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm. Bao kỉ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ. Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp nơi thôn Vĩ. Nhìn từ xa, thi nhân say mê ngắm nhìn những ngọn cau, tàu cau ngời lên dưới màu nắng mới, “nắng mới lên” rực rỡ. Hàng cau cao vút là hình ảnh của thôn Vĩ Dạ từ bao đời nay, hàng cau như chào mời, như vẫy gọi. “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” , câu thơ thốt lên như một tiếng trầm trồ. Màu xanh mơ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng trắng “mướt quá” một màu xanh ngọc bích. Hai chữ “vườn ai” gợi ra nhiều ngạc nhiên mà man mác bâng khuâng. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là câu thơ miêu tả người thiếu nữ. “Mặt chữ điền” đầy đặn, vuông vắn, phúc hậu. “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ thần tình đã tô đậm một nét đẹp của cô gái Huế duyên dáng, dịu dang, kín đáo, tình tứ, đáng yêu. Hàn Mặc Tử đã hơn một lần nói về trúc và người thiếu nữ: Khóm trúc như tỏa bóng xanh mát che chở cho một mối tình đẹp đang nảy nở:

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây

Cảnh và người thôn Vĩ Dạ thật hồn hậu, thân thuộc, đáng yêu. Hàn Mặc Tử đã dành cho Vĩ Dạ những vần thơ đẹp nhất với tất cả tấm lòng tha thiết, mến thương. Xa cách Huế và Vĩ Dạ bao năm tháng rồi ấy thế mà cảnh sắc và con người nơi đây vẫn được nhà thơ ôm ấp trong lòng, càng trở nên lung linh, biểu lộ niềm ước mong tha thiết được trở lại cố đô thăm cảnh cũ người xưa. Bức tranh
tâm cảnh đã được thể hiện một cách tài hoa bức tranh thôn Vĩ hữu tình nên thơ.

Từ quá khứ trở về thực tại, khổ thơ thứ hai; nhà thơ miêu tả cảnh tượng hiện tại chia li, đau buồn, ẩn dụ cho thực tại đầy đau khô, đắng cay của nhà thơ:

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Một không gian nghệ thuật thoáng đãng, xa xăm, mơ hồ được mở ra. Nhà thơ miêu tả gió, mây, dòng sông và hoa qua nghệ thuật đối tạo nên phiên cảnh hài hòa, cân xứng và sống động. Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần mà xa vời cách trở. Dòng nước sông trăng êm đềm trôi lững lờ, trong tâm tưởng thi nhân trở nên buồn thiu, nhiều bâng khuâng, man mác. Ngoài cảnh mênh mang chia lìa như nỗi lòng, như tâm tình thi nhân vậy. Hàn Mặc Tử đã góp cho nền thơ ca Việt Nam hiện đại một vầng thơ trăng độc đáo. Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay “thuyền ai” vừa thân quen vừa xa lạ. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp thơ mộng của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn. Ở đây bức tranh tâm cảnh tràn ngập ánh trăng, thấm thía một nỗi buồn cô đơn li biệt của khách đa tình.

Một cảnh sắc tương lai mịt mù mờ ảo hiện ra trước mắt tượng trưng cho tương lai phía trước đầy sóng gió, bế tắc của cuộc đời thi sĩ:

Mơ khách, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà

Ta đã biết Hàn Mặc Tử có một mối tình đơn phương đẹp với một thiếu nữ Huế mang tên một loài hoa đẹp. Phải chăng ở đây nhà thơ nói về mối tình này? Các điệp ngữ “Mơ khách, khách đường xa…ai biết, … ai có…” luyến láy tạo nên nhạc điệu sâu lắng, dịu buồn, mệnh mang. Sự cách biệt và nỗi buồn xa vắng chia li như kéo dài trong không gian và thời gian vô tận. Người đọc thêm cảm thương cho nhà thơ tài hoa, đa tình và bạc mệnh, từng say đắm với một mối tình đơn phương nhưng suốt đời phải sống trong cô đơn và bệnh tật. Đại từ phiếm chỉ “ai” xuất hiện bốn lần, lần nào cũng mơ hồ ám ảnh “vườn ai mướt quá xanh như ngọc?”, “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?”, “ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm, bâng khuâng. Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi vơi trước một mối tình đơn phương, mộng ảo, một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhòa và mờ ảo cùng sương khói!

Đọc bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ta không chỉ thấy hiện lên cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử mà còn thấy những giá trị sâu sắc mà ông để lại trong tác phẩm. Đối với độc giả, Hàn Mặc Tử đã đem đến một cảm tình ở bạn đọc về tình yêu đối với vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, cụ thể là vẻ đẹp thiên nhiên thôn Vĩ sớm mai đầy thơ mộng, huyền ảo. Từ những dòng thơ sâu lắng, trữ tình, bạn đọc có thể cảm thông, đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng, cảnh ngộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta một bài thơ tình thật hay và cảm động. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ…bao hình ảnh và cảm xúc đẹp mà buồn hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích. Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai đậu bến sông trăng và cái màu trắng của áo em như dẫn ta đi về miền sương khói Vĩ Dạ một thời xa vắng, tìm lại bóng giai nhân, thương nhớ nhà thơ tài hoa, đa tình mà bạc mệnh. Bức tranh tâm cảnh trong “Đây thôn Vĩ Dạ” làm vương vấn mãi lòng ta như trong những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn:

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực mà nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

Không chỉ có giá trị đối với bạn đọc mà “Đây thôn Vĩ Dạ” còn để lại những dấu ấn riêng đối với văn học nước nhà. Từ tác phẩm này, Hàn Mặc Tử đã để lại đóng góp, dấu ấn lớn cho những sáng tạo, phong cách của riêng ông. Cách bộc lộ cảm xúc của nhà thơ rất phức tạp, đầy điên loạn, không hề thống nhất. Điều này thể hiện rõ qua sự thay đổi tâm trạng ở các khổ thơ. Các yếu tố không gian, thời gian bị đảo lộn, không theo quy luật khách quan từ xa đến gần, từ gần đến xa, không theo dòng chảy thời gian mà theo dòng chảy tâm trạng. Các hình ảnh thơ được sử dụng có sự đan xen, rành mạch của những gì thân thuộc, thanh khiết, thiêng liêng nhất, cả những gì ghê rợn, ma quái, cuồng loạn nhất. Tuy nhiên đằng sau thế giới hình ảnh phức tạp ấy vẫn hiện rõ một con người chứa chan lòng yêu sống. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng phong cách thơ tượng trưng siêu thực. Phong cách thơ này mặc dù chưa phát triển thành trào lưu văn học nhưng không thiếu thi sĩ thơ Mới đã có ý thức thực hành và sáng tạo, trong đó có Hàn Mặc Tử. Nhạc điệu thơ Hàn Mặc Tử là nhạc điệu của tâm hồn có nhiều trạng thái khác biệt. Hàn Mặc Tử hay sử dụng các từ láy, hay chú công trong thanh điệu để diễn tả những khúc nhạc buồn miên man hoặc trầm lắng du dương.

Nhận định là một quan niệm xác đáng khi khẳng định tác phẩm chính là một xuất phát điểm khoa học và khách quan để thấu hiểu cuộc đời và đánh giá giá trị của người làm thơ. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực thơ ca mà còn đúng với các sáng tác văn học nói chung. Nhà thơ, người nghệ sĩ muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, in đậm dấu ấn cá nhân. Ý kiến cũng là một định hướng đầy ý nghĩa cho việc tiếp nhận thơ và đồng cảm tri âm với nhà thơ. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử là một mình chứng tiêu biểu. Qua bài thơ, người đọc không chỉ thấy được cuộc đời, số phận nhà thơ mà còn thấy cả giá trị, những đóng góp sáng tạo mà nhà thơ mang lại.

Có thể nói, nhận định “ Cuộc đời nhà thơ, giá trị nhà thơ không nên tìm đâu xa mà ngay trong chính tác phẩm của họ.” là vô cùng đúng đắn, sâu sắc. Ý kiến đã mang lại nhận thức, bài học cho cả người sáng tác và người tiếp nhận thơ ca nói riêng và văn học nói chung trong việc sáng tạo và tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật.

Exit mobile version