ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH
I/ TÌM HIỂU CHUNG
1/ Tác giả Ga – bri – en Gac – xi – a Mác – két
– Nhà văn Ga – bri – en Gac – xi – a Mác – két sinh năm 1928 mất năm 2014
– Là nhà văn Cô – lôm – bi – a đồng thời là một nhà báo, nhà chính trị.
– Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo xoay quanh một chủ đề chính đó là sự cô đơn, mặt trái của tình đoàn kết, lòng yêu thương con người.
– Ông có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với các tác phẩm tiêu biểu: Trăm năm cô đơn, Mùa thu của vị trưởng lão, Tình yêu thời thổ tả,…
– Cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn viết năm 1967 được Pháp công nhận là một trong những cuốn sách nước ngoài hay nhất trong năm, được giới phê bình văn học ở Mỹ xếp là một trong những cuốn sách hay nhất trong những năm 60 của thế kỉ XX
– Ông được nhận giải thưởng Nô – ben về văn học nghệ thuật năm 1982.
2/ Tác phẩm
a/ Hoàn cảnh ra đời
Tháng 8 / 1986, nguyên thủ 6 nước Ấn Độ, Mê – hi – cô, Hi – lạp, Thụy Điển, Ác – hen – ti – na , Tan – da – ni – a họp lần thứ hai tại Mê – hi – cô, đã ra bản tuyên bố kêu gọi chấm dứt chạt đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh và hòa bình thế giới. Nhà văn Mac – két được mời tham dự cuộc gặp gỡ này. Tại đây, ông đã đọc bản tham luận của mình.
b/ Xuất xứ :
Được trích trong bản tham luận “Thanh gươm Đa – mô – clet ”
c/ Chủ đề nhật dụng: Bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh.
d/ Phương thức biểu đạt chính : Nghị luận
e/ Bố cục: 4 phần
– Phần 1: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa sự sống của con người trên trái đất và hủy diệt hệ mặt trời ( Từ đầu => vận mệnh thế giới).
– Phần 2: Chạy đua vũ trang đi ngược lại lí trí của con người, làm mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn (niềm an ủi duy nhất => cho toàn thế giới).
– Phần 3: Cuộc chạy đua vũ trang đi ngược lại lí trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hóa (Một nhà tiểu thuyết => điểm xuất phát của nó).
– Phần 4: Lời kêu gọi đấu tranh loại bỏ vũ khí hạt nhân, bảo vệ hòa bình thế giới (chúng ta đến đây => Xóa bỏ khỏi vũ trụ này).
g/ Đặc sắc nội dung, nghệ thuật
- Nội dung
– Đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại.
– Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa toàn thể loài người và sự sống trên trái đất.
- Nghệ thuật
– Luận điểm đúng đắn; luận cứ phong phú, xác thực, cụ thể, lập luận chặt chẽ, đầy sức thuyết phục. Sử dụng nhiều phương pháp lập luận.
– Lời văn nhiệt tình, tâm huyết, cách nói giàu hình ảnh so sánh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ.
II/ ĐỌC – HIỂU CHI TIẾT
1/ Chiến tranh hạt nhân là mối nguy hại khủng khiếp đe dọa đến loài người và mọi sinh vật sinh sống trên Trái đất
– Với thời gian hết sức cụ thể, số liệu cụ thể (hơn 50000 đầu đạn hạt nhân) cùng một phép tính hết sức đơn giản ⇒ mỗi người trên Trái đất đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ, nết tất cả nổ tung sẽ làm biến hết thảy 12 lần sự sống trên hành tinh này.
⇒ Tính chất khốc liệt và sự khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân
– Mác – két đã đưa ra những tính toán lí thuyết: với kho vũ khí đó nó có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời cộng với bốn hành tinh nữa ⇒ phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời
⇒ Vào đề trực tiếp với chứng cớ cụ thể, xác thực ⇒ gây chú ý và giúp mỗi người nhận ra hiểm họa khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân
2/ Chạy đua vũ trang giữa các nước làm mất khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn, chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của loài người và quy luật tự nhiên
Chạy đua vũ trang giữa các nước làm mất khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn.
– Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng với số liệu cụ thể:
+ Số tiền 100 tỉ đô la bỏ ra cho 100 máy bay Mĩ và gần 7000 tên lửa có thể cải thiện cuộc sống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới
+ Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người và cứu hơn 14 triệu trẻ em châu Phi…
+ Chỉ 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa mù chữ cho toàn thế giới…
⇒ Số liệu cụ thể trên các lĩnh vực xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục, những mặt thiết yếu trong đời sống….⇒ làm nổi bật sự tốn kém ghê gớm và tính chất phi lí của cuộc chạy đua vũ trang
⇒ Lập luận xác đáng, dẫn chứng cụ thể, giàu sức thuyết phục
3/ Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của loài người và quy luật tự nhiên
– Chiến tranh hạt nhân không nhừn tiêu diệt toàn bộ loài người mà còn phá hủy mọi sự sống trên Trái đất ⇒ đi ngược lại quy luật tiến hóa, quy luật tự nhiên
– Tác giả đã đưa ra những chứng cứ khoa học địa chất:
+ trải qua 380 triệu năm thì con bướm mới biết bay
+ 180 triệu năm bông hồng mới nở
+ Trải qua 4 kỉ địa chất con người mới hát hay hơn chim và mới chết vì yêu…
⇒ nhưng chỉ cần “bấm nút” tất cả quá trình vĩ đại đó sẽ quay trở về điểm xuất phát của nó
⇒ Chiến tranh hạt nhân đẩy lùi quá trình tiến hóa, tiêu hủy mọi thành quả của quá trình tiến hóa
4/ Nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, hướng đến một thế giới hòa bình, văn minh
– Mác két kêu gọi mọi người chống lại cuộc chạy đua vũ trang, kêu gọi mọi người “hãy tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng…”
– Ông đề nghị mở một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân, để nhân loại tương lai biết rằng có sự sống đã từng tồn tại
⇒ Cách diễn đạt đặc sắc, độc đáo, những thông điệp Mác – két đưa ra là những thông điệp có ý nghĩa cấp thiết và thực sự quan trọng.
III/ TỔNG KẾT
IV/ LUYỆN TẬP
ĐỀ 1. Cho đoạn văn: “Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó, đem tiếng nói của chúng ta tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí vì một cuộc sống hòa bình, công bằng. Nhưng dù cho tại họa có xảy ra thì sự có mặt của chúng ta ở đây cũng không phải là vô ích”
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
Câu hỏi
a.“Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó” ,“việc đó” mà tác giả đề cập đến trong đoạn trích trên là việc gì? “Việc đó” đem lại hậu quả gì cho nhân loại?
b. Vì sao tác giả khẳng định: “dù cho tại họa có xảy ra thì sự có mặt của chúng ta ở đây cũng không phải là vô ích”?
c. Vấn đề G.Mác -két đưa ra trong “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay. Viết đoạn văn ngắn trình bày ý kiến của em.
* Gợi ý:
– “việc đó” là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa sự sống trên toàn trái đất.
– Hậu quả: Hiểm hoạ chung của nhân loại, huỷ duyệt sự sống trên trái đất.
Tác giả khẳng định: “dù cho tại họa có xảy ra thì sự có mặt của chúng ta ở đây cũng không phải là vô ích” vì: – Bài viết trên đã chỉ ra hậu quả khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân; kêu gọi mọi người cùng lên án.
– Việc mọi người họp bàn, lên tiếng đưa ra lời kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân sẽ góp phần tích cực để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, mang lại hòa bình, môi trường sống an toàn cho thế giới.
Học sinh viết thành đoạn văn thể hiện vấn đề nêu trong bài viết có tính cấp thiết đối với đời sống xã hội và con người hiện nay nó cũng là vấn đề đã có ý nghĩa lâu dài chứ không phải chỉ là nhất thời, đó là nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu và mọi người cần đấu tranh cho một thế giới hòa bình. Cụ thể đảm bảo một số ý chính sau :
– Trong những năm qua thế giới có những đáng kể để làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chẳng hạn :
– Các hiệp ước cấm thử, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã được nhiều nước kí kết, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mĩ và Liên Xô (nay là nước Nga). Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã không còn hoặc lùi xa.
– Kho vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại và ngày càng được cải tiến.
– Chiến tranh và xung đột vẫn liên tục nổ ra nhiều nơi trên thế giới .Vì vậy thông
điệp của G.Mác -két vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục thức tỉnh và kêu gọi mọi người đấu tranh cho một thế giới hòa bình.
ĐỀ 2. Đọc đoạn trích sau:
“Năm 1981.UNICEF đã định ra một chương trình để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới. Chương trình này dự kiến cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống. Nhưng tất cả đã tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được vì tốn kém 100 tỉ đô la. Tuy nhiên số tiền này cũng chỉ gần bằng những chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu”.
Câu hỏi
Trong văn bản, tác giả đã đưa ra những con số cụ thể trong một phép so sánh, ấn tượng. Phép so sánh ấy là gì? Qua phép so sánh ấy em cảm nhận được điều gì?
* Gợi ý:
– Phép so sánh: Tuy nhiên số tiền này cũng chỉ gần bằng những chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu.
– Tác dụng: Sự tốn kém của việc chạy đua chiến tranh hạt nhân.
ĐỀ 3. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới.
“Tôi rất khiêm tốn nhưng cũng rất kiên quyết đề nghị mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm họa hạt nhân. Để cho nhân loại tương lai biết rằng sự sống đã từng tồn tại ở đây, bị chi phối bởi đau khổ và bất công nhưng cũng đã từng biết đến tình yêu và biết hình dung ra hạnh phúc. Để cho nhân loại tương lai hiểu điều đó và làm sao cho ở mọi thời đại, người ta đều biết đến tên thủ phạm đã gây ra những lo sợ, đau khổ cho chúng ta, đã giả điếc làm ngơ trước nhũng lời khẩn cầu hòa bình,
những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để mọi người biết rằng bằng những phát minh dã man nào, nhân danh những ti tiện nào, cuộc sống đó đã bị xóa bỏ khỏi vũ trụ này ”.
(“Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” – G.G. Mác- két).
Câu hỏi
G.G. Mác- két đã lên án điều gì trong văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”?
Gạch chân dưới các trạng ngữ trong đoạn văn trên.Việc tách các trạng ngữ thành câu riêng trong đoạn văn có tác dụng gì?
Lấy chủ đề “Khát vọng hòa bình”, em hãy triển khai thành một đoạn văn diễn dịch dài khoảng 10 đến 12 câu.
* GỢI Ý:
Mác – két lên án việc các nước chạy đua vũ trang và sản xuất vũ khí hạt nhân.
Gạch chân dưới các trạng ngữ : Để cho nhân loại tương lai biết rằng sự sống đã từng tồn tại ở đây, bị chi phối bởi đau khổ và bất công nhưng cũng đã từng biết đến tình yêu và biết hình dung ra hạnh phúc. Để cho nhân loại tương lai hiểu điều đó và làm sao cho ở mọi thời đại, người ta đều biết đến tên thủ phạm đã gây ra những lo sợ, đau khổ cho chúng ta, đã giả điếc làm ngơ trước nhũng lời khẩn cầu hòa bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để mọi người biết rằng bằng những phát minh dã man nào, nhân danh những ti tiện nào, cuộc sống đó đã bị xóa bỏ khỏi vũ trụ này.
– Việc tách các trạng ngữ thành câu riêng để nhấn mạnh mục đích của đề xuất mở nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại sau thảm họa hạt nhân; Tăng sức lên án, tố cáo chạy đua vũ trang, sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Viết đoạn văn đảm bảo nội dung sau :
– Giải thích: Hòa bình là sự bình an vui vẻ, không có chiến tranh, xung đột hay đổ máu. Khát vọng hòa bình là mong muốn vươn tới cuộc sống vui vẻ, an lành, được tôn trọng bình đẳng, tự do và hạnh phúc.
– Bàn luận:
+ Khát vọng hòa bình là biểu tượng của sự bình yên, là khát vọng chung của mỗi người và của toàn nhân loại.
+ Hòa bình giúp mỗi người biết yêu thương nhau, giúp mỗi dân tộc có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bền lâu.
+ Hòa bình tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tránh gây mâu thuẫn căng thẳng; là điều kiện để hợp tác và phát triển…
+ Trái với khát vọng hòa bình là những toan tính ích kỉ hẹp hòi, những hành động chạy đua vũ trang, gây đổ máu và chiến tranh, chúng ta cần quyết liệt lên án những hành vi đó.
+ Dân tộc ta đã phải trải qua bao nhiêu đau thương mất mát trong chiến tranh chống
giặc ngoại xâm để bảo vệ hòa bình nên hiểu rất rõ giá trị, tầm quan trọng của khát
vọng hòa bình.
– Phê phán: Phê phán những hành vi gây chiến tranh, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của mỗi người mỗi dân tộc.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Cần biết trân trọng, giữ gìn và thể hiện khát vọng hòa bình ở mọi lúc, mọi nơi; biết sống thân thiện, chan hòa nhân ái với những người xung quanh.
+ Là học sinh, cần ra sức học tập, nâng cao hiểu biết, giải quyết xung đột bằng sự lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại chân tình thẳng thắn.. tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh vì hòa bình và công lý
ĐỀ 4: Một văn bản trong chương trình Ngữ văn 9 có viết:
“Trong thời đại hoàng kim này của khoa học , trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp , chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó”. (Ngữ văn 9 – tập 1)
Câu hỏi
Câu văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
2.“Một biện pháp” mà tác giả đề cập đến trong câu văn trên là việc gì?
Tại sao tác giả lại cho rằng: “trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp”ấy? Em hiểu thế nào về thái độ của tác giả về sự việc trên?
Đất nước chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt và đau thương. Ngày nay, chiến tranh đã đi qua, thế hệ thanh niên đang được sống trong hòa bình. Bằng hiểu biết về văn bản trên và kiến thức xã hội, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình.
GỢI Ý:
1. Câu văn trên trích từ văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” Tác giả là G. Mác-két.
2.“Một biện pháp” mà tác giả đề cập đến trong câu văn trên là chiến tranh hạt nhân.
3.Tác giả lại cho rằng: “trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện phá” ấy vì biện pháp hạt nhân mà con người phát minh ra là hiểm họa khôn lường và nó ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống hòa bình của toàn thế giới.
Tác giả thế hiện thái độ phản đối gay gắt đối với vấn đề này.
+ Giải thích khái niệm “hòa bình”: là sự bình đẳng, tự do, không có bạo động, không có chiến tranh và những xung đột về quân sự.
+ Ý nghĩa của cuộc sống hòa bình:
Để dành được hòa bình, thế hệ cha anh đi trước – các anh hùng thương binh liệt sĩ đã chiến đấu hết mình, hi sinh xương máu.
Trạng thái đối lập của hòa bình là chiến tranh. Sống trong chiến tranh, con người sẽ đối diện với những thảm họa về mất mát, đau thương.
Sống trong hòa bình, con người sẽ được tận hưởng không khí của độc lập, tự do, yên bình và hạnh phúc.
+ Lật lại vấn đề:
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số tín đồ, đảng phái luôn sử dụng những chiêu trò công kích, kích thích, chống phá, gây ra bạo lực vũ trang,…
+ Bài học nhận thức và hành động:
Nâng cao nhận thức về ý nghĩa của hòa bình.
Cần tránh xa những thế lực gây ảnh hưởng đến nền hòa bình, đồng thời giữ gìn, bảo vệ hòa bình.
ĐỀ 5 : Em hãy đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8 – 8 – 1986, hơn 50 000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét(1), về lý thuyết có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời. Không có một ngành khoa học hay công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như ngành công nghiệp hạt nhân kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm, không có một đứa con nào của tài năng con người lại có một tầm quan trọng quyết định đến như vậy đối với vận mệnh thế giới.(…)
(Theo Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.17)
Câu 1. Theo tác giả, ngành công nghiệp nào có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh thế giới?
Câu 2. Hình ảnh thanh gươm Đa-mô-clét có ý nghĩa gì?
Câu 3. Em có nhận xét gì về cách viết của tác giả trong đoạn văn trên?
Câu 4. Lấy chủ đề “KHÁT VỌNG HÒA BÌNH”, em hãy triển khai thành một đoạn văn diễn dịch dài khoảng 10 đến 12 câu.
GỢI Ý :
1- Ngành công nghiệp có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh thế giới là ngành công nghiệp hạt nhân.
2- Hình ảnh thanh gươm Đa-mô-clét có ý nghĩa chỉ mối nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa trực tiếp sự sống của con người. (Hs có thể có cách diễn đạt khác, hiểu đúng ý vẫn cho điểm)
3.Nhận xét gì về cách viết của tác giả:
+Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng xác thực.
+Thái độ và giọng điệu của tác giả mạnh mẽ dứt khoát, nhấn mạnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang hiện hữu.
+Sử dụng hình ảnh so sánh, kết hợp với điển tích để nêu bật tính chất nguy hiểm của vấn đề được đề cập.
+Cách sử dụng câu hỏi tu từ kết hợp với mốc thời gian và số liệu tính toán phân tích cụ thể để bộc lộ sự trăn trở, lo ngại về mối nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân đối với sự sống trên trái đất.
4.Về kĩ năng:
– Biết viết đoạn văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý lối sống theo đúng hình thức diễn dịch (câu chủ đề đặt ở đầu đoạn văn, các câu còn lại có chức năng làm sáng tỏ cho chủ đề đó). Độ dài khoảng 10 đến 12 câu.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả.
. Về nội dung:
– Giải thích: Hòa bình là sự bình an vui vẻ, không có chiến tranh, xung đột hay đổ máu. Khát vọng hòa bình là mong muốn vươn tới cuộc sống vui vẻ, an lành, được tôn trọng bình đẳng, tự do và hạnh phúc, phát triển.
– Bàn luận:
+ Khát vọng hòa bình là biểu tượng của sự bình yên, là khát vọng chính đáng chung của mỗi người và của toàn nhân loại.
+ Hòa bình giúp mỗi người biết yêu thương nhau, giúp mỗi dân tộc có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bền lâu.
+ Hòa bình tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tránh gây mâu thuẫn căng thẳng; là điều kiện để hợp tác và phát triển…
+ Trái với khát vọng hòa bình là những toan tính ích kỉ hẹp hòi, những hành động chạy đua vũ trang, gây đổ máu và chiến tranh, chúng ta cần quyết liệt lên án những hành vi đó.
+ Dân tộc ta đã phải trải qua bao nhiêu đau thương mất mát trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ hòa bình nên hiểu rất rõ giá trị, tầm quan trọng của khát vọng hòa bình.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Cần biết trân trọng, giữ gìn và thể hiện khát vọng hòa bình ở mọi lúc, mọi nơi; sống thân thiện, chan hòa nhân ái với những người xung quanh.
+ Tố cáo những hành vi gây chiến tranh, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của mỗi người mỗi dân tộc.
+Là học sinh, cần ra sức học tập, nâng cao hiểu biết, giải quyết xung đột bằng sự lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại chân tình thẳng thắn.. tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh vì hòa bình và công lý…
Thảo luận về bài viết này