UBND QUẬN LONG BIÊN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ II MÔN NGỮ VĂN 9
Năm học: 2022-2023 – Ngày kiểm tra: 20/4/2023
Thời gian làm bài: 90 phút
Học sinh làm bài vào giấy kiểm tra.
Phần I (6.0 điểm)
“Sang thu” của Hữu Thỉnh đã bộc lộ những cảm xúc tinh tế về khúc giao mùa từ hạ sang thu theo một cách rất riêng.
1. Trình bày hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
2. Cả bài thơ “Sang thu” chỉ có một dấu chấm ở kết bài. Hãy ghi lại tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng có đặc điểm đó và nêu rõ tên tác giả.
3. Chỉ ra hai từ đồng nghĩa được tác giả sử dụng trong bài thơ. Cách sử dụng hai từ đồng nghĩa ấy có điểm gì giống nhau?
4. Khổ đầu bài thơ, Hữu Thỉnh viết:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
Bằng một đoạn văn tổng hợp – phân tích – tổng hợp khoảng 12 cậu, em hãy làm rõ cảm nhận tinh tế của tác giả trước những tín hiệu thu về qua khổ thơ trên, trong đoạn có sử dụng câu bị động và phép lặp (gạch dưới, chú thích rõ câu bị động và từ ngữ dùng làm phép lặp).
Phần II (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận và hấp dẫn lạ lùng. Vạn vật trên rừng dưới biển đều thế và xã hội con người cũng thế. Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao. Ngoại hình khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Người thích vẽ vời, người ưa ca hát, nhảy múa, có bạn chỉ khi ra sân tập thể thao mới thực sự là mình,… Về tính cách thì sối nổi, nhí nhảnh hay kín đáo, trầm tư có đủ hết… Người ta thường nói học trò “nghịch như quỷ”, ai ngờ “quỷ” cũng là cả một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là … không ai giống ai cả”. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trọng trong mỗi con người.”
(Theo Lạc Thanh, SGK Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam) 1. Xác định công dụng của dấu ngoặc kép trong phần ngữ liệu được in đậm. 2. Em hiểu như thế nào về câu nói được tác giả trích dẫn trong đoạn văn: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là…không giống ai cả.”?
3. Bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi, em hãy nêu suy nghĩ về những chỗ “không giống ai” đáng quý trọng trong mỗi con người.
-Hết-
Ghi chú: Điểm phần I: 1 (0,5 điểm); 2 (0,5 điểm); 3 (1,5 điểm); 4 (3,5 điểm) Điểm phần II: 1 (1,0 điểm); 2 (1,0 điểm); 3 (2,0 điểm)
Giáo viên không giải thích gì thêm.
Thảo luận về bài viết này