Hình ảnh tà áo đài truyền thống
“Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?”
Nhà thơ Nguyên Sa đã từng thổi hình ảnh tà áo dài yểu điệu vào trong lời thơ của mình như thế. Và không chỉ Nguyên Sa, mà từ khi xuất hiện, hình ảnh tà áo truyền thống đã lặng lẽ ghi dấu trong từng trang viết, từng khúc nhạc, từng bức hoạ của những người nghệ sĩ đã trót lòng say đắm một nét hồn cốt dân tộc mình. Vậy thì cớ gì mà một tà áo lại gây thương nhớ, cớ gì mà mãi đến tận ngày nay, mặc cho thành thị xô bồ xối xả, nét truyền thống ấy vẫn còn hằn in trong lòng mỗi người con đất Việt?
Tà áo dài trong sáng, lãng mạn
Không gì gây dấu ấn hơn sắc trắng học trò, sắc trắng thiếu nữ đã trở thành biểu tượng vĩnh cửu của thi ca Việt Nam. Mở đầu bài thơ “Áo trắng”, Huy Cận đã viết:
“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.”
Nhà thơ cũng khép lại trang thơ của mình bằng hình ảnh ấy:
“Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.”
Hình ảnh tà áo dài trắng đã được thi nhân gửi vào trong đó mạch cảm xúc, trở thành hình tượng trung tâm gắn kết cả thi phẩm. Vẫn là giọng thơ trữ tình pha lẫn ảo não đặc trưng của Huy Cận, bài thơ thấm đẫm nỗi nhớ thương, hoài niệm về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thần tiên, nhưng nay, nét sáng trong của tuổi học trò, nét đằm thắm của tà áo truyền thống dường như đã khiến “Áo trắng” khác với những thi phẩm khác. Đó là một “Áo trắng” giản dị, dịu dàng và trong sáng, hôn nhiên vô cùng.
Tà áo dài trắng cũng lại một lần nữa xuất hiện trong “Áo lụa Hà Đông”, một thi phẩm của Nguyên Sa mà đã được Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc trở nên bất hủ.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”
Cũng như Huy Cận, “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa đẹp mềm mại và giản dị, vẫn mang nỗi niềm tiếc nuối man mác gửi vào tà áo sáng trong tuổi học trò. “Đó là hình ảnh thiếu nữ thanh lịch trong những khúc phim trắng đen về Hà Thành được chiếu trên màn hình của đài truyền hình Sài Gòn. Đó là kỉ niệm còn đọng lại trong những tấm ảnh của nhiều gia đình di cư. Áo lụa Hà Đông là nét quí phái của phụ nữ Hà Nội theo đoàn người di cư vào Nam và thường thấy trong những ngày lễ hội, trong dịp Tết với áo dài thướt tha, tóc búi tó, cổ đeo vòng kiềng, tay mang bóp.” (Bùi Văn Phú)
Tà áo dài nhân ái, đau thương
Nhưng cũng là tà áo ấy, cái tên ấy, những thước phim “Áo lụa Hà Đông” mà đạo diễn Lưu Huỳnh mang đến lại thấm đượm tội ác chiến tranh, lại mang đến nỗi xót thương vô tận qua màu áo trắng trong sáng mà nay thấm máu ấy. “Bố ơi! Hòa bình đẹp không bố?” – “Bố chưa nhìn thấy hòa bình bao giờ, nhưng chắc là đẹp lắm, đẹp như con vậy”. Ngày hoà bình trong mắt con trẻ thật giản dị, mà cũng bị thương vô cùng hoà bình trong trí óc những đúa trẻ chưa từng được có. Dần – nữ chính của bộ phim là nạn nhân điển hình của tội ác chiến tranh, bị vùi dập từ thân phận con sen, đến lưu lạc xứ người, rồi đói khổ trong chiến tranh… vẫn gồng mình lao về phía trước, đấu tranh.
“Bây giờ có phải làm đĩ để nuôi chúng ăn học nên người, em cũng không tiếc gì phần em” . Đó là tuyên ngôn của Dần trước những lời lăng mạ, quở trách của chồng vì hành động bán đứng danh dự ấy. Dần tủi nhục, chỉ có một tấm áo dài trắng cho hai đứa con gái thay nhau mặc đi học – cô nhất quyết không để con mình phải khổ. Nhưng chiến tranh không hề mang bộ mặt của kẻ biết cảm thông, hai đứa trẻ bị dội bom chết ngay khoảnh khắc đọc bài văn về chiếc áo dài truyền thống của gia đình.
Màu trắng của chiếc áo lụa mềm mại ấy không phải áo giáp có thể chống lại bom đạn, nhưng là lời nhắc về sự đoan trang, trong sạch trong bất cứ hoàn cảnh nào cho người mặc. Chiếc áo còn là hình tượng của sự hy sinh, của sự gồng gánh của người phụ nữ. Trải qua biết mấy tháng năm, tà áo vẫn giữ nguyên hình dáng: từ ngày anh chồng gù cất tiếng khóc chào đời, đến khi Dần trong ngày hẹn ước cũng trong tà áo ấy. Và nay, chiếc áo trắng vẫn vẹn nguyên qua trường kỳ gian khổ và là nguồn sáng le lói cho hạnh phúc của gia đình bé nhỏ cái ăn còn thiếu hụt.
Cứ thế, dòng chảy truyền thống lại tiếp tục cuồn cuồn trong từng mạch máu văn nghệ sĩ. Cứ thế, tà áo dài thấm nhuần vào những trang viết từ cổ chí kim. Cứ thế, người Việt sống mãi với hồn cốt văn hoá Việt.
Thảo luận về bài viết này