I. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT KIỂU BÀI NGHỊ LUẬN MỘT Ý KIẾN:
– Đề bài thường đưa ra một nhận định, phê bình, ý kiến đánh giá về một đoạn thơ, một đoạn văn xuôi, một chi tiết đắt giá, hình tượng nhân vật…
– Ý kiến này có thể mang tính tổng hợp, cũng có thể nhận định về một vấn đề cụ thể. Và học sinh phải dùng kiến thức của cả bài hoặc một phần trong bài để chứng minh.
Ví dụ: Về hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
II. CÁCH LÀM DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN MỘT Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC
– Từ sự hiểu biết về tác phẩm mà nhận định hướng đến, học sinh dùng thao tác phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ… để làm bài.
– Đây là dạng đề khó, đòi hỏi lập luận chặt chẽ, logic, có tính lý luận cao. Vì vậy, các em cần nắm vững kiến thức và tập viết nhiều về dạng đề này.
CÔNG THỨC VIẾT DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN MỘT Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC
Mở bài
– Dẫn dắt nêu vấn đề
– Trích dẫn nguyên văn ý kiến vào
Thân bài
1. Khái quát vài nét về tác giả, tác phẩm
a. Tác giả: chọn vài ý hay nhất về phong cách tác giả |
b. Tác phẩm:
– Hoàn cảnh sáng tác
– Xuất xứ tác phẩm
– Chủ đề bài thơ/ Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện
Lưu ý: có thể đưa phần này lên mở bài
2. Giải thích ý kiến:
– Nếu có ý kiến có hai về thì giải thích lần lượt từng vế
– Nếu ý kiến không chia về thì tìm từ khoá để giải thích từ khoá
– Sau cùng: “Trích lại ý kiến”. Ý kiến này nhấn mạnh vào…
3. Phân tích, chứng minh ý kiến
– Xác lập luận điểm cho ý kiến dựa trên từ khoá hoặc vế
– Vận dụng nhiều thao tác lập luận: so sánh, phân tích, chứng minh, bác bỏ… để làm rõ ý kiến ở cả hai mặt nội
dung và nghệ thuật
– Chọn lựa dẫn chứng tiêu biểu, hợp lý để làm nổi bật ý kiến.
– Cuối mỗi luận điểm nên chốt lại một câu bắt với ý kiến đang nghị luận (triển khai theo kiểu đoạn văn quy nạp)
– Phần này chiếm nhiều điểm nhất và yêu cầu hàm lượng kiến thức nhiều nhất. học sinh cần viết kĩ, viết sâu. Tránh trường hợp phân tích xuông, không làm rõ được ý kiến.
4. Bình luận, đánh giá ý kiến:
– Khẳng định ý kiến đúng hay sai. Vì sao?
– Nêu tác dụng của ý kiến:
+ Giúp người đọc có thể tiếp cận tác phẩm sâu hơn, đúng hướng hơn.
+ Tạo ra những góc nhìn đa chiều về…
Kết bài
– Trích dẫn lại ý kiến lần nữa
– Đánh giá chung về vấn đề
III. MỘT SỐ DẠNG ĐỀ Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC CẦN LƯU Ý
ĐỀ 1:
Về hình tượng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ và cả những trầm tích văn hóa, lịch sử.
Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 2:
Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật và một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 3:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành (Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2011)
Về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: “Những chàng trai ấy đã đi qua thời hoa lửa bằng tâm hồn lãng mạn hào hoa, bằng lý tưởng cao đẹp không gì sánh nổi. Không ít người trong số họ đã hi sinh nhưng những chiến sĩ trẻ tuổi ấy vẫn sống muôn đời với núi sông.”
Bằng cảm nhận về đoạn thơ, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
ĐỀ 4:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình. Rừng thu trăng rọi hoà bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung. (Việt Bắc – Tố Hữu, Theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr. 111)
Về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: “Đoạn thơ tạo dựng một bộ tứ bình tuyệt mĩ về cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa. Mỗi mùa là một vẻ đẹp riêng trong sự hài hòa giữa hoa và người.” Bằng cảm nhận về đoạn thơ, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
ĐỀ 5:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Về đoạn thơ trên trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: Đó vừa là bản hùng ca ra trận vừa là khúc khải hoàn ca chiến thắng. Bằng cảm nhận về đoạn thơ, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 6:
Bàn về kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (SGK Ngữ văn 12, tập 2), có ý kiến cho rằng: Hành động cắt dây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị không thể dự đoán trước. Nhưng Đó cũng là một kết thúc tự nhiên, tất yếu.
Bằng hiểu biết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, qua việc phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 7:
Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 8:
Về nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng:. “Ông lái đò là vừa là một người anh hùng trên sông nước, vừa là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một người lao động bình thường”. Từ những cảm nhận về người lái đò, Anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
ĐỀ 9:
Về hình tượng Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của
Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng: “Đó là nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lý tưởng hóa đậm chất sử thi huyền thoại và cảm hứng lãng mạn”.
Với những cảm nhận về nhân vật Tnú, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
LUYỆN TẬP
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
(Việt Bắc – Tố Hữu, Theo Ngữ văn 12, tập một NXB Giáo dục, 2011, tr. 111)
Về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: “Đoạn thơ tạo dựng một bộ tứ bình tuyệt mĩ về cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa. Mỗi mùa là một vẻ đẹp riêng trong sự hài hòa giữa hoa và người.” Bằng cảm nhận về đoạn thơ, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
MỞ BÀI
Dẫn dắt, giới thiệu nhận định đề cho
THÂN BÀI
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Giải thích:
+ Tứ bình tuyệt mĩ: bốn mùa tươi đẹp
+ Nhận định nhấn vào vẻ đẹp đặc sắc đầy thơ mộng nhất rất riêng biệt của thiên nhiên Việt Bắc trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông; đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Bắc.
3. Phân tích, chứng minh ý kiến:
– Cứ một cặp lục bát thì câu lục tả vẻ đẹp của thiên nhiên, câu bát tả vẻ đẹp của con người Việt Bắc quấn quyện với nhau.
+ Mùa đông: thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống; con người toả sáng trong công việc cần cù đi nương làm rẫy.
+ Mùa xuân: thiên nhiên tinh khôi đẹp nao lòng trong sắc trắng hoa mơ; con người khéo léo, tài hoa, cần mẫn trong công việc đan nón.
+ Mùa hè: thiên nhiên lênh láng sắc vàng tươi đẹp, rộn ràng khúc nhạc rừng; con người vui vẻ yêu đời trong công việc lấy măng.
+ Mùa thu: thiên nhiên thanh bình yên ả trong ánh trăng thu; con người với tiếng hát ân tình thuỷ chung sâu nặng.
KẾT BÀI
Khẳng định lại vấn đề: Đây là một trong những đoạn thơ tài hoa, thể hiện rõ sự kết hợp giữa chất cổ điển và hiện đại
Thảo luận về bài viết này