Cứ khoảng ba tháng một lần, trường của em lại tổ chức hội chợ để quảng bá, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống cho học sinh trong trường. Dù đã quen với lịch như thế nhưng cứ mỗi lần đến dịp là em lại thấy lòng mình chộn rộn, náo nức đến lạ. Như thường lệ, vào mỗi buổi sáng thứ hai, trường em thường tổ chức chào cờ dưới sân trường. Nhưng sáng thứ hai vừa rồi thì có gì đó khác hẳn, khi em tới trường thì thấy khung cảnh của buổi chào cờ thật đặc biệt với các băng rôn được các thầy cô treo lên ngay giữa sân trường với nội dung “Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học”. Đây quả là một buổi chuyên đề ngoại khóa thú vị khiến em vô cùng háo hức.
Trước mắt em, sân trường được trang hoàng bắt mắt với một tấm áp phích rất to được đặt ngay chính giữa sân trường cùng dòng chữ “Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học”.Bên cạnh tấm bảng này là những nhạc cụ dân tộc được sấp xếp ngay ngắn như đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn tranh, đàn bầu và sáo trúc. Ở giữa sân là những dãy ghế được sắp xếp ngay ngắn dành cho thầy cô và các vị khách mời, còn phía bên tay trái và phải dành cho học sinh khối lớp sáu và khối chín. Một khung cảnh hết sức trang hoàng nhưng cũng thật gần gũi khiến em vừa hồi hộp, vừa thích thú vô cùng.
Đúng bảy giờ mười lăm,tiếng trống vang lên báo hiệu buổi chào cờ sắp bắt đầu. Em cùng các bạn và thầy cô bỏ mũ nón, áo khoác, chỉnh lại đồng phục, khăn quàng ngay ngắn để làm lễ chào cờ. Tất cả mọi người đều hướng về lá cờ tổ quốc đang tung bay phấp
phới để thực hiện nghi lễ chào cờ. Không gian như im lặng tuyệt đối, chỉ có tiếng trống đội vang lên hào hùng, như ngợi ca sự hi sinh cao cả của các vị anh hùng. Sau nghi lễ chào cờ, thầy tổng phụ trách lên phát biểu giới thiệu tới tất cả các học sinh và thầy cô về một buổi sinh hoạt có chuyên đề “Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học”. Em cũng như các bạn đều rất phấn khích với chủ đề này vì chúng em được hòa mình vào những giai điệu du dương, êm đềm từ các nhạc cụ truyền thống mà những nhạc cụ hiện đại không thể nào sánh được.
Mở đầu chương trình là một giai điệu rộn ràng của điệu lý quê hương, những âm thanh réo rắt mà da diết của những bài hát dân ca Nam Bộ được các nghệ sĩ đàn tranh, đàn bầu, sáo, trúc biểu diễn làm khơi dậy niềm yêu thích và tự hào về một nét đẹp văn hóa dân tộc trong mỗi học sinh. Chúng em như được hòa mình vào giai điệu của những bài hát và nghêu ngao hát theo thích thú. Bỗng cô phụ trách đặt câu hỏi cho các học sinh là ai có thể biết tên bài hát và thuộc lòng bài hát này. Sân trường lúc này bỗng trở nên náo nhiệt, phấn khích bởi hàng trăm cánh tay giơ lên để xung phong lên trả lời. Cô phụ trách khá bất ngờ vì có quá nhiều học sinh giơ tay đến nỗi cô phải chọn ngẫu nhiên. Cô chọn bạn ngồi phía xa nhất để trả lời cho câu hỏi. Thật bất ngờ, bạn trả lời đúng và tự tin biểu diễn bài hát này trước toàn trường. Ngồi phía dưới, em cũng hát theo bạn. Bài hát dù em đã được học từ hồi cấp một nhưng ít khi có dịp em được hát, tự em cũng thất thật ngạc nhiên vì mình lại thuộc bài đến vậy.
Tiếp đến là tiết mục thầy cô giới thiệu về nhạc cụ bằng cách cho các bạn lên để cầm, nắm và sờ vào các nhạc cụ này. Điều này đã kích thích sự tò mò, hiếu kì của các bạn. Một số thì đàn thử, một số khác thì được nhìn thật kĩ chiếc đàn dân tộc mà trước đây các bạn ít có dịp thấy ngoài thực tế. Ấn tượng nhất là có một bạn học sinh lớp 6 cầm chiếc sáo và thổi thành bài dân ca “Lý cây bông” trước sự ngưỡng mộ của thầy cô, các bạn. Em là người được học nhạc từ bé, biết đàn piano nhưng em cảm thấy lúng túng khi ngồi vào đàn tranh, đàn bầu. Chúng thật là lạ lẫm và khó điều khiển theo ý của mình. Bỗng có một thầy đứng kế bên nói với em rằng:” Con có thể học được nếu con yêu thích nó”. Tiết mục cuối cùng là thầy cô hướng dẫn cho học sinh những nốt căn bản để có thể sử dụng những nhạc cụ này. Các bạn tuy lúng túng, vụng về nhưng trên những khuôn mặt của những học sinh đều hiện ra những sự thích thú khi được học. Buổi trải nghiệm tuy ngắn ngủi nhưng đã dạy cho em thổi được những nốt cơ bản trên cây sáo, làm chủ được cây sáo và biến cây sáo thành nhạc cụ dễ điều khiển.
Cố Giáo sư Nhạc sĩ Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu tâm huyết đã từng khẳng định: “Âm nhạc dân tộc phải được tác động vào tâm hồn học sinh để các em hiểu một cách nghiêm túc, rồi từ hiểu mới dẫn đến thích, từ thích dẫn đến đam mê âm nhạc dân tộc như một truyền thống quý báu và tốt đẹp.” Dù nốt nhạc của em dạo lên còn vụng về, sai cao độ… nhưng em có một niềm tin nghệ thuật âm nhạc dân tộc nước nhà sẽ được tiếp nối và phát huy từ chính thế hệ trẻ này.
Thảo luận về bài viết này