Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu

Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu

Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu

Nếu như trong cuộc sống, C. Mác khuyên ta hãy biết hoài nghi tất cả thì khi đọc một tác phẩm văn học, ta có phải hoài nghi không? Khi mà những nhân vật, thôi câu chuyện của họ, ta gấp sách lại và an tâm rằng thế là mình đã biết hết; liệu thế có được chăng? Tất nhiên là không rồi, vì khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu.

Ngay từ xưa, Hê-ghen trong Triết học tinh thần đã yêu cầu việc xem xét tác phẩm trong hệ thống “tác giá – tác phẩm – người đọc” vì ông cho rằng sự tồn tại của tác phẩm chỉ tồn tại trong ba yếu tố quan hệ hữu cơ với nhau ấy thôi. Còn người Trung Quốc xưa, lại cho rằng tác phẩm tồn tại trong lòng của người tri kỉ chứ không trên trang giấy; vì thế việc viết văn là việc của tấm lòng. Lí luận hiện đại lại cho rằng, tác giả “mã hoá” văn bản và người đọc là người “giải mã” nên tác phẩm là sự “tập hợp các dấu vết mã hoá”. Vậy thì cuối cùng, vấn đề thực sự của lí luận tiếp nhận là gì, và tại sao tác phẩm chỉ sống khi dấu chấm hết văn bản xuất hiện?

Tác phẩm văn học là một văn bản ngôn từ. Nhưng đặc trưng của ngôn từ là tính mơ hồ đa nghĩa nên người ta gọi tác phẩm văn học là một “văn bản mở”. “Văn bản mở” nghĩa là tác phẩm gồm hai phần: “phần cứng” là những con chữ bề mặt văn bản đang nằm im, “phần mềm” là hệ thống tư tưởng, ý nghĩa được xuất hiện trong quá trình tiếp nhận. Vì thế, cái gọi là “tác phẩm văn học” chỉ thực sự tồn tại khi nó biến thành cái “phần mềm” kia, còn nếu không nó trở thành “quyển sách”. Mà rõ ràng, ý muốn của nhà văn là truyền đến bạn đọc những lẽ sống của đời chứ không phải để bán sách.

Chính vì thế, tác phẩm chỉ thực sự tồn tại khi người ta ý thức được về nó mà thôi. Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người. Cảm kích trước tấm lòng bạn đọc, tác phẩm tái sinh trong lòng họ, và ban cho họ những xúc cảm thẩm mĩ riêng biệt. Vì thế, mỗi tác phẩm là một tiếng mời gọi tha thiết tấm lòng bạn đọc đến với mình, tri âm với mình để mình có được một đời sống mới. Tác phẩm không phải một thứ giáo điều được định trước mà nó thẩm thấu vào tâm hồn bạn đọc bằng chính tình yêu thương mà độc giả dành cho nó. Sức sống của tác phẩm không nằm ở lối ra lệnh của nhà binh hay truyền giáo của tu sĩ mà nằm ở trường nhìn, trường cảm của từng cá nhân đọc khác nhau.

Ta cũng biết, tác phẩm là một “ảnh”, một “phiên bản” của hiện thực đời sống nên nó không bao giờ trùng khít với đời sống, nhất là các tư tưởng, các luật lệ ngoài đời. Vì thế để xác định các “luật” trong tác phẩm, giữa người đọc và tác giả có một “quy ước ngầm” với nhau về sự “như thật” của tác phẩm. Chính sự “quy ước” ấy là sự tương thông giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận mà khi chuyển hoá qua văn bản nó tạo ra sức sống cho tác phẩm. Ngẫm ra, tuỳ từng tư tưởng, kinh nghiệm, thẩm mĩ của mỗi độc giả mà sự “quy ước” ấy cao thấp khác nhau, và cũng vì thế tác phẩm có muôn ngàn cuộc sống khác nhau. Bởi vậy, tác phẩm vừa là nó, vừa chẳng là nó. Sự thú vị trong đa dạng tiếp nhận cũng chẳng kém sự thú vị trong đa dạng sáng tạo. Vì thế sức sáng tạo của nhà văn, qua bạn đọc cứ nhân lên đến vạn lần. Và thế là nghệ thuật có sự sống vĩnh hằng vì nghệ thuật có hai con đường: sáng tạo và đồng sáng tạo.

Nhưng “quy ước” sự sống kia lại có vấn đề: liệu cái rung động đời này có làm xúc động thời khác không. Ta vẫn biết trường tư tưởng, trường thẩm mĩ của mỗi thời mỗi khác nên sự cảm hiểu của một cá nhân, một cộng đồng có thể thay đổi liên tục là bình thường. Cứ lấy Đôn Ki-hô-tê làm ví dụ. Người Tây Ban Nha gọi chàng là kẻ điên rồ, người Pháp gọi là chú hề đáng thương, các môn đệ của chủ nghĩa lãng mạn gọi Đôn Ki-hô-tê là người anh hùng còn sót lại, còn chủ nghĩa hiện thực lại coi là biểu tượng của sự suy vi một thời phong kiến đã qua. Vậy rõ ràng, những mới trường văn hoá khác nhau tạo ra những “phạm trù hiểu” không cùng hướng. Vậy thì sự “đúng – sai” trong “quy ước” có làm tổn hại sự sống tác phẩm không? Lí luận xưa “đổ lỗi” cho người đọc vì họ coi văn bản là “mẫu mực”, nhưng lí luận hiện đại không cho như vậy vì họ coi tác phẩm có rất nhiều “khoảng trống” cần được bù lấp bởi cảm quan riêng của độc giả. Ta coi tác phẩm như cái đài nhiều dải tần, ai thích nghe sóng nào thì nghe, nhưng phải bắt đúng dải sóng nếu không chỉ có tạp âm thôi. Vì thế, sự “đúng – sai” trong tác phẩm là quy luật nội tại tất yếu của văn học, nó chỉ thúc đẩy sự sống của tác phẩm trường tồn mà thôi. Vậy thì lịch sử văn học, xét đến cùng, là lịch sử sáng tạo và tiếp nhận văn học.

Nói đến lí luận tiếp nhận ứng vào thực tế văn chương ở Việt Nam, tôi nhớ đến bài thơ Văn cảnh trong Ngục trung nhật kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta đã tốn hàng bao nhiêu giấy mực để bàn cãi về một chữ “lưỡng” trong bài thơ. Đây là từ chìa khoá để khai mở bài thơ. Xuân Diệu coi “lưỡng” ở đây là hai sự vô tình khép kín một đời hoa, còn Trần Đình Sử coi “lưỡng” là phó từ, còn chủ ngữ hàm ẩn”quyết định nghĩa” bài thơ là người tù Hồ Chí Minh tự trách mình vô tình. Thú vị nhất là Nguyễn Khắc Phi khi đưa ra quan niệm “lưỡng vô tình” là sự trôi chảy liên tục, bất biến của thời gian đã làm cho người tù bất bình. Giáo sư đã dùng văn học so sánh để chứng minh đầy thuyết phục nhưng cũng chẳng bác bỏ được hai luận điểm trên. Thế mới biết, cái sức sống thanh xuân của Bác truyền cả vào bài thơ, làm cho người ta nghĩ suy không dứt lẽ đời, về việc hành xử với cái đẹp. Khi bài thơ kết thúc, có lẽ Người cũng không thể ngờ sức sống của nó còn mãnh liệt hơn hoa hồng, “hương thơ” nhờ lòng độc giả mà bay khắp nhân gian. Còn riêng tôi, tôi vẫn cho rằng giáo sư Nguyễn Khắc Phi đúng, nhưng tầm kiến thức hạn hẹp chẳng thể chứng minh nổi theo cách của mình.

Lí luận văn học đi từ tác giả (phê bình tiểu sử) đến tác phẩm (thi pháp học, giải cấu trúc) rồi đến độc giả (phê bình “cái đọc”). Rõ ràng đó là một con đường nhận thức dài của nhân loại. Nhưng có một điều không đổi thay là tấm lòng bạn đọc dành cho tác phẩm mãi mãi vĩnh hằng. Dù ngày nay có tiểu thuyết “đa cốt truyện” nhưng những kiệt tác xưa cứ mãi mãi tồn tại vì đã nhập hồn, hoá thân vào độc giả mất rồi.

Exit mobile version