Anh cầm bút, tôi cũng cầm bút. Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ. Anh viết truyện, tôi cũng viết truyện. Vậy làm sao để phân biệt rõ ràng cái ranh giới giữa “anh” và “tôi” ?
Đặt chân vào làng nghệ thuật bằng nghiên mực, cái mà mỗi người nghệ sĩ trăn trở nhất là làm sao khắc lên cây bút của mình một dấu ấn riêng. Cùng là những mạch dòng cảm xúc tuôn chảy trên trang giấy, độc giả sẽ thật khó để khắc cốt ghi tâm trên tuổi của một tác giả nếu như những con chữ ấy không có dấu hiệu nào thể hiện đặc điểm của người nghệ sĩ. Sự đồng điệu về tâm hồn có thể được chấp nhận nhưng sự đồng điệu trong lối văn chương có lẽ sẽ trở nên thật tầm thường.
Như Nam Cao đã từng khẳng định:” Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.” Mỗi người nghệ sĩ trên hành trình tự khẳng định chính mình luôn luôn phải biết đổi mới, đào sâu, đi vào khai thác những khía cạnh mà những cây bút trước đó chưa khoan đục tới. Xách chiếc giỏ đựng đồ nghề, người nghệ sĩ rong ruổi trên khắp các cánh đồng văn thơ kiếm tìm cho mình một mảnh đất để mà tự do vun xới, chăm sóc. Cuộc đời giống như một địa hạt màu mỡ, bao la phong phú những bạc vàng. Triệu triệu nhà văn, nhà thơ đưa vạt áo của mình ra hứng lấy , từ đó quay về căn cứ của mình, ngày đêm mài dũa, gọt đẽo, tỉ mỉ chờ ngày trưng bày lên kệ.
Sự thôi thúc yêu cầu nảy sinh những mạch mầm mới là một điều không thể bởi làm nghệ thuật lúc nào cũng cần phải có thời gian. Và hơn hết là để tạc tên mình trên tượng đài văn học cũng không phải chuyện một sớm một chiều.Có những người nghệ sĩ lang bạt hết nửa kiếp mực nghiên mới có thể khẳng định được mình, vượt qua giông tố của sự trùng lặp hiện sinh, của trăm ngàn cái cũ, cái chắp vá.
Hơn bao giờ hết, cái tôi cá nhân trong từng câu chữ, trang văn được đẩy lên đỉnh cao của giới nghệ thuật. Không tự dưng mà người ta nhớ đến Nguyễn Tuân với màu sắc của sự ngông nghênh, tài hoa và uyên bác. Cũng chẳng tự dưng mà tên tuổi của Nam Cao gắn liền với những mảnh đời bất hạnh hay một Nguyễn Du đủ sức lu mờ đi bản vị cũ.
Giữa lớp lớp người cùng cầm bút, triệu triệu người theo đuổi văn thơ, anh sẽ chẳng là gì nếu anh để mình hoà vào dòng người ấy. Bút lực của người nghệ sĩ phải đủ mạnh, đủ ấn tượng để từng câu chữ được phóng thích ra phập thẳng tới trái tim của độc giả. Người đọc không thể tìm thấy hình ảnh của Chí Phèo trong trang viết của Kim Lân hay mùi hương của vị cốm Hà Thành dưới ngòi bút của Thạch Lam không thể được tìm thấy trong nơi rừng thiêng Tây Bắc của Nguyễn Tuân.
Tài năng và cái tâm làm nghệ thuật của người nghệ sĩ được thể hiện tất cả trong cái cách họ sinh ra những đứa con tinh thần của mình. Mỗi đứa là một cá thể riêng biệt, một hình hài, tính cách khác nhau. Ấy chính là lối nghệ thuật chân chính, lối nghệ thuật mà ở đó người nghệ sĩ phải trở thành những nhà khai thác chứ không phải những người thợ thủ công.
Thảo luận về bài viết này