Bàn về mối quan hệ giữa nhà văn với bạn đọc, bạn đọc với tác phẩm Chế Lan Viên viết.
“Mình là ta đấy, thôi ta vẫn gửi cho mình,
Sâu thẳm mình ư lại là ta đấy,
Ta gửi cho mình nhen thành lửa cháy,
Gửi viên đá con, mình lại dựng lên thành”.
Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh chị hãy làm rõ mối quan hệ giữa tác giả và độc giả trong quan niệm trên của Chế Lan Viên.
Bài làm.
Từ xưa đến nay mỗi khi bàn về một tác phẩm có giá trị, vai trò của người cầm bút luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên đi song song với công kiến tạo của tác giả, tác phẩm có trường tồn được hay không thì lại phụ thuộc rất lớn vào công sức của độc giả. Bởi thế mà giữa nhà văn và bạn đọc luôn tồn tại một mối quan hệ sâu sắc và bền chặt, sự tương quan thú vị ấy đã được Chế Lan Viên từng khái quát như sau:
“Mình là ta đây thôi ta vẫn gửi cho mình,
Sâu thẳm mình ư lại là ta đấy,
Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy,
Với viên đá con, mình lại dựng lên thành”.
Ý kiến trên của Chế Lan Viên bàn luận sâu sắc về mối quan hệ tương tác, qua lại giữa độc giả và tác giả thông qua tác phẩm văn học, vậy ta nên hiểu ý kiến trên như thế nào? Trước tiên cần phải hiểu rằng cặp đại từ nhân xưng “mình”, “ta” chỉ trực tiếp cho chính người đọc và tác giả. “tro” ở đây được hiểu là những tư tưởng tình cảm nhen nhóm ẩn hiện sâu dưới lớp ngôn từ của tác phẩm, còn “lửa cháy” là sự bùng nổ dữ dội của ý tưởng khi được độc giả khám phá. Tương tự như vậy “viên đá con” ngụ ý chỉ những tư tưởng mang tính chủ quan, riêng biệt, nhỏ bé của cá nhân người sáng tạo ra tác phẩm, “còn dựng lên thành” là cách độc giả đồng sáng tạo tác phẩm, khái quát vấn đề trong tác phẩm lên một tầm cao mới, lớn lao hơn thông qua cái tư duy phát triển tác phẩm của độc giả. Như vậy thông qua ý kiến trên, Chế Lan Viên muốn gửi gắm thông điệp giữa độc giả và tác giả luôn có một sợi dây liên kết vô hình tác động qua lại lẫn nhau, đó là mối quan hệ gắn bó đồng sáng tạo, thấu hiểu và hướng tới nhau, là sự hòa quyện về tư duy, cảm xúc, người đều có thể thổi bùng tư tưởng thầm kín của tác phẩm mà tác giả đề cập tới làm sống dậy những điều nhà văn muốn nói, làm rõ những gì còn nhòe mờ. Quan trọng nữa là chính người đọc đôi khi còn nâng tầm giá trị cho tác phẩm bằng việc phát hiện ra những cái mới, cái lạ, cái lớn lao phi thường mà kể cả tác giả cũng chưa từng chạm tới. Quả là một ý kiến sâu sắc về văn học.
Vậy tại sao nói đây là ý kiến sâu sắc về văn học? Có thực là người viết và người đọc có mối quan hệ chặt chẽ như vậy hay không? Chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời ngay bây giờ. Thực tế đã chứng minh, kỳ thực thì bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào khi cắt đặt bút viết cũng đều hướng tới bạn đọc, cụ thể ngay cả khi viết cho mình. Thêm vào đó, trong quá trình người đọc nghiên cứu tác phẩm văn học chắc chắn họ sẽ thấu hiểu tâm tư, tình cảm của tác giả. Bởi lẽ càng tìm hiểu sâu, càng thâm nhập vào thế giới nội tâm kín đáo của tác giả, độc giả mới mong hiểu được cặn kẽ mọi vấn đề. Và khi đã hiểu hết mọi ngóc ngách trong tác phẩm, vì lẽ dĩ nhiên chẳng khó để độc giả thổi bùng ngọn lửa tư tưởng của tác giả, hơn nữa khối óc của hàng trăm, hàng nghìn độc giả chắc chắn toàn diện hơn khối óc của cá nhân tác giả. Bởi vậy những ý kiến đóng góp, nhận xét thậm chí là phê bình của độc giả sẽ càng khiến tác phẩm thêm nổi bật sáng giá ở nhiều góc cạnh, cũng giống như một viên ngọc thô tuy giá trị nhưng chưa tinh xảo, trải qua sự soi chiếu, mài giũa, khen chê, bình phẩm mới tìm được chỗ đứng cho mình.
Như vậy đúng như quan niệm của Chế Lan Viên, độc giả và tác giả có mối quan hệ đặc biệt, vừa gắn bó hòa quyện, vừa là động lực thách thức nhau đào sâu tác phẩm vừa như là chiếm hữu cùng nhau nâng tầm tác phẩm.
Bởi tất cả những lẽ trên mà có lẽ ở đây, tất cả những tác phẩm chân chính đều dễ dàng tìm thấy điều này. “Sóng” của Xuân Quỳnh là một thực tế điển hình, “Sóng” đề cập đến tình yêu đôi lứa, chính xác hơn là nói về nỗi niềm thiết tha, cháy bỏng của người phụ nữ trong tình yêu. Cùng viết về tình yêu rạo rực của tuổi trẻ, về nỗi nhớ đau đáu khôn nguôi, trong cao dao, dân ca đã có rất nhiều. Bởi vậy nếu chọn cách thể hiện tương tự, Xuân Quỳnh sẽ thất bại trong việc lấy được điểm nhìn thu hút của độc giả. Và nhà thơ cần một sự lựa chọn độc đáo hơn, một hình tượng mới mẻ hoàn toàn. Vậy là hình tượng con sóng với sự đồng điệu thú vị như tâm hồn của tuổi trẻ đã ra đời, có thể nói với “Sóng” của Xuân Quỳnh đã lấy độc giả, lấy những đòi hỏi được đọc những gì mới lạ của độc giả làm sống động để sáng tạo. Vậy là người viết không nhiều thì ít cũng đã đặt thị hiếu của người đọc lên đầu ngòi bút sáng tác, có thể coi đây là sự liên kết đầu tiên của người đọc với người viết “Sóng”.
Thứ hai đến với “sóng”, người đọc sẽ đắm chìm vào cái rạo rực, nhớ thương của người con gái đang yêu, qua đó thấu hiểu phần nào những tâm tư tình cảm trong con người nhà thơ, hoặc phát hiện ra tư tưởng, tình cảm của nhà thơ đồng cảm với cảm xúc của riêng nhà thơ, ví như trong “Sóng” có đoạn Xuân Quỳnh viết:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ,
Giữa biển lớn tình yêu,
Để ngàn năm còn vỗ”.
Những câu thơ thể hiện nỗi niềm muốn được vượt thoát khỏi mọi ràng buộc để hòa quyện và bất tử với tình yêu của người con gái, mong muốn như những con sóng kia vô tư, vô lo, thỏa sức yêu, yêu, yêu mãi, yêu mãi tới ngàn năm. Những câu thơ ứa ra từ ngòi bút của Xuân Quỳnh cho thấy người con gái với Xuân Quỳnh tình yêu trên hết là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao và để được viên mãn trong tình yêu người ta cần vượt qua thách thức, phá tan mọi ràng buộc sự hữu hạn của đời người. Tất cả những tâm tư, tình cảm đó của nhà thơ khi đọc xong, người đọc đều hiểu, đều dễ dàng nhận thấy và đồng cảm. Mỗi độc giả yêu thích “sóng” có lẽ đều là một tri ân của Xuân Quỳnh, mối tương quan và gắn bó giữa người cầm bút và người đọc “Sóng”, càng không cần bàn cãi.
Viết sóng nhiều đoạn Xuân Quỳnh chỉ gợi nỗi nhớ tình yêu, tâm trạng nhân vật không hiện lên trực tiếp đòi hỏi không ai khác mà chính người đọc phải tự mày mò và “nhen”, để “tro” bùng thành “lửa cháy”, sáng rõ và mang tầm triết cao. Giả sử như.
“Dẫu xuôi về phương Bắc,
Dẫu ngược về phương Nam,
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh một phương”.
Câu thơ đầu đơn thuần chỉ là nỗi nhớ khắc khoải về anh mà qua cách vận dụng đầy sáng tạo cặp từ đối ngược “xuôi bắc”, “ngược Nam” ý thơ còn nhấn mạnh cuộc đời vốn dĩ có quá nhiều trái ngang, nhiều chuyện chẳng hề tuân theo lẽ thường nhưng chỉ cần có anh là đủ. Ngoài anh ra mọi thứ vốn dĩ đã không còn quá quan trọng, hiểu được điều này độc giả buộc phải thâm nhập vào chiều sâu của tác phẩm, buộc phải dùng cả trái tim và khối óc để giải mã giải mã được điều này, cũng tức nghĩa là độc giả của “sóng” thực sự đã “nhen” thành công ngọn lửa ẩn sâu trong lớp ngôn từ của Xuân Quỳnh. Vậy lại một lần nữa, cái khăng khít trong mối quan hệ của độc giả và tác giả được đính chính.
Ngoài “sóng” ra “Tây Tiến” của Quang Dũng cũng là một tác phẩm bộc lộ rất nhiều khía cạnh của mối quan hệ giữa độc giả và tác giả. Đầu tiên với “Tây Tiến”, Quang Dũng viết về nỗi nhớ của chính bản thân mình, vậy nên những dòng thơ trôi chảy trong Tây Tiến là những dòng cảm xúc thực của chính tác giả, người đọc, đọc tác phẩm cũng có nghĩa là đang chia sẻ với nỗi nhớ da diết của Quang Dũng, đọc càng nhiều sự quyện hòa giữa linh hồn độc giả với tâm tư tình cảm càng đạt đỉnh cao. Như thế lúc này hai mà như một, cẻ độc giả và tác giả đều thụ cảm trên cùng một mạch thơ đó chẳng phải là “sâu thẳm mình”, “lại là ta đó ư”, điều này được chứng minh rất rõ qua đoạn thơ.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùng”, “Rải rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Những câu thơ đã tái hiện hình ảnh những người lính Tây Tiến, trong khó khăn, vất vả đối mặt với thử thách tàn khốc của chiến tranh, có người trong số đó đã vĩnh viễn hi sinh khi ra đi đến cả mảnh chiếu trên thân cũng không có, nhưng đối với Quang Dũng lúc này họ như được khoác lên mình tấm chiến bào uy lực, lên đường trong khúc tráng ca của sông núi, về với đất mẹ bao la. Bút Quang Dũng tới đây như nghẹn lại, vừa rưng rưng, đau xót, thương tâm trước sự thật bi thảm của đồng đội, vừa tràn đầy bội phục, kính ngưỡng trước độ bình thản của những anh hùng Tây Tiến. Song song với dòng cảm xúc ấy độc giả của Tây Tiến cho dù chưa từng tận mắt chứng kiến như tác giả. Những ai đọc Tây Tiến mà không thổn thức trước tình cảm bi thương, khó khăn của người lính Tây Tiến, ai mà không tràn đầy lòng khâm phục, tôn vinh Họ. Vậy là qua tác phẩm độc giả làm sống dậy những điều mà tác giả muốn thấu hiểu và
đồng điệu với tâm hồn Quang Dũng, hiểu hết những góc cạch từ đau thương tới bội phục ẩn sâu dưới lớp ngôn từ trong Tây Tiến.
Chưa hết với Tây Tiến, người đọc thực thụ còn có thể đi vào chiều sâu và mạch cảm xúc của tác phẩm mà phát triển, tư duy, thỏa sức khám phá những điểm mới lạ mà kể cả Quang Dũng có khi cũng chưa từng nghĩ đến.
“Doanh trại bùng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo từ bao giờ,
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Vì không trực tiếp tạo ra các phẩm, nên tư duy của người đọc không bị o ép về giới hạn sáng tạo, sáng tạo ở đây được hiểu là phát triển, mở rộng và phát triển ý thơ dựa trên mặt ngôn từ của tác giả. Thế nhưng trong đoạn thơ trên “đuốc hoa” vừa có thể là đuốc lửa sáng như hoa, vừa có thể hiểu là doanh trại có cả đuốc lẫn hoa lung linh mỹ lệ hay như chi tiết “nàng e ấp”, mối độc giả hoàn toàn có thể hiểu theo một nghĩa khác nhau, nàng là những cô gái miền núi, cũng có thể là Đoàn văn công phục vụ cách mạng, thậm chí có độc giả còn nghĩ đó phải chăng là hình ảnh hài hước khi những người lính Tây Tiến giả gái góp vui cho đêm hội. Như vậy từ cùng một câu thơ, hình ảnh thơ mỗi người đọc đều hiểu theo một cách rất khác nhau song đều được quy ra từ bài thơ của toàn bài, nên điều rất hợp lý thú vị lúc viết Tây Tiến chưa chắc Quang Dũng nghĩ chu toàn được hết mọi khía cạnh như vậy. Độc giả của Tây Tiến đã làm mới, làm hay, làm phong phú tinh thần của bài thơ một cách rất tài tình, có thể hiểu được độc giả đã cùng Quang Dũng sáng tạo giá trị nội dung và nghệ thuật cho tác phẩm.
Như vậy qua hai tác phẩm Sóng và Tây Tiến có thể thấy quan niệm của Chế Lan Viên rất phù hợp và sâu sắc với thời đại, chỉ rõ được mối tương quan giữa người đọc tác phẩm và người viết tác phẩm. Nếu người sáng tác ra tác phẩm sinh mệnh thì người đọc là người tiếp thêm sinh khí để tác phẩm sống được trong nhân gian, không có tác giả người đọc biết tìm những vui, những buồn, những bồi hồi, những rung động kia ở đâu. Không có độc giả ai là người đồng cảm với tác giả, cùng tác giả nối dài cuộc sống cho những câu thơ, những bài văn, ai sẽ là người giúp cho tác giả nhìn nhận tác phẩm một cách đa chiều đây. Không, không! điều đó không thể xảy ra vì vốn dĩ họ không thể tách rời nhau.
Tóm lại chúng ta hoàn toàn đồng ý với Chế Lan Viên, nhưng cũng cần nói thêm rằng để mối quan hệ nói trên thực sự bền chặt, mỗi tác giả trước khi đặt bút viết cần phải biết hướng ngòi bút, nghĩ tới đối tượng của tác phẩm, để nội dung tác phẩm thực sự làm hài lòng, làm say lòng và tạo cảm ứng chiều sâu kích thích tính đồng sáng tạo của độc giả. Tương tự như vậy chính bản thân độc giả cũng cần rèn luyện tính kiên trì, tư duy với tác phẩm chỉ có vậy mới mong hiểu, lĩnh hội hết được cái tâm tư, tình cảm mà tác phẩm muốn bộc lộ. Chỉ có vậy mới không phụ lòng người cầm bút, thơ ca, văn học của nhân loại có thực sự là đỉnh cao của nghệ thuật hay không? phụ thuộc vào chính “ta” với “mình”, tác giả và độc giả của hôm nay và mai sau./.
Thảo luận về bài viết này