Đề bài: Một kết thúc bất ngờ luôn chưa đựng những điều kịch tính, gây ấn tượng và liên tưởng sâu xa, tạo âm vang lớn.
Bài làm
“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”
Có những tác phẩm ra đời chỉ để lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như những dòng sông chảy nặng phù sa in dấu chạm khắc trong tâm khảm. Những tác phẩm ấy đã trở thành: “những bài ca đi cùng năm tháng” và nó để lại trong tâm hồn bạn đọc nhiều ấn tượng không bao giờ quên. Vì vậy khi đánh giá về những đứa con tinh thần của văn học, Bùi Việt Thắng đã cho rằng: “Kết thúc bất ngờ luôn chứa đựng nhiều điều kịch tính, gây ấn tượng và liên tưởng sâu xa, tạo âm vang lớn”. Và một lần nữa, nhận định ấy đã được sống lại trong kết thúc của truyện ngắn Lão Hạc.
Kết thúc bất ngờ là gì? Là một kết thúc mà không ai ngờ đến. Kết thúc ấy tạo ra sự hấp dẫn, kịch tính. Nó tạo nên ấn tượng và liên tưởng sâu xa: bắt nguồn cho quá trình đồng sáng tác ở các độc giả, khơi dậy ở bạn đọc nhiều liên tưởng về ý nghĩa truyện và tư tưởng của nhà văn. Đồng thời, kết thúc truyện cũng bộc lộ tài năng của tác giả trong việc dẫn dắt truyện, cách chọn điểm dừng và dừng đúng lúc, tạo cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể xem kết thúc là cái đích nội dung của truyện, thể hiện nghệ thuật khép truyện của nhà văn. “Sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối”. và kết thúc của truyện ngắn Lão Hạc rất bất ngờ, bất ngờ với người đọc, với ông giáo, với Binh Tư.
Kết thúc truyện ngắn Lão Hạc của Nam cao là một kết thúc bất ngờ chứa đựng sự kịch tính. Hành động của lão làm cho ông Giáo cũng như Binh Tư không khỏi há hốc miệng. Điều đó đi ngược với suy nghĩ của Binh Tư và ông giáo, tạo nên một mâu thuẫn khó giải bày. Bên ngoài thì như là lão xin bã về đánh con chó cứ lờn vờn ở vườn lão. Nhưng ai mà biết được rằng là lão đang che đậy cho một sự thật ẩn chứa bên trong. Đến cả ông giáo-người được cho là hiểu lão Hạc nhất cũng cùng với Binh Tư cho rằng: cho đến lúc bần cùng thì lão cùng có thể làm liều như ai hết! Kết thúc truyện tạo nên sự kịch tính, mâu thuẫn: lão không tha hóa như người đời đánh giá, lão chọn chết là để giữ trọn tính người. Cho đến cuối truyện, người đọc mới nhận ra rằng câu chuyện nỳ như một cuộc chuẩn bị từ trước để chết của một con người. Lão ta cứ vậy, cứ âm thầm, lặng lẽ sắp xếp, lo liệu những việc cuối đời của một kiếp con người. Lão bán cậu Vàng đi để thêm chút ít tiền tích cóp cho con, nhưng lại đâu ngờ đến sự mất mát của cậu Vàng lại khiến lão đau đớn đến vậy. Sau những lời than vãn đắng cay về việc bán cậu Vàng, lão rề rà, nhỏ nhẹ mà tha thiết nhờ ông giáo giúp cho hai việc. Lão nhờ ông giáo giữ hộ ba sào vườn, chừng nào con trai lão về thì giao lại để anh ta có đất ở, có vốn mà sinh nhai. Rồi lão lại gửi ba mươi đồng bạc (hai mươi lăm đồng tích cóp tằn tiện hơn một năm trời và năm đồng vừa bán chó) để nhỡ khi lão chết, nhờ hàng xóm chi tiêu việc ma chay. Sau đó lão ra về, dùng bã chó xin của Binh Tư để kết thúc cuộc đời mà không ai hay biết. Người đời nhìn vào chắc hẳn sẽ bĩu môi mà cho rằng lão chỉ là một lão già lần thần, gàn dỡ. Để rồi đến cuối mới bất ngờ nhận ra vẻ đẹp một phần nguyên sơ, thánh thiện của lão. Cách dẫn dắt truyện của Nam Cao tạo nên một quá trình lô-gíc trong nhận thức của con người. Từ ngộ nhận đi đến vỡ lẽ, không chỉ với những nhân vật xung quanh lão Hạc mà chính người đọc cũng vậy. Đây quả thật là một kết thúc quá đỗi bất ngờ và kịch tính. Kết thúc bất ngờ này như một lời khẳng định: có những bí ẩn, bí mật sâu bên trong người nông dân không dễ gì nhận ra.
Kết thúc truyện không chỉ bất ngờ, kịch tính mà còn khiến người đọc ấn tượng và có sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có âm vang lớn. Kết thúc truyện gây ấn tượng về cách miêu tả cái chết của lão Hạc. Sau khi ăn bã chó, lão Hạc vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nãy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên lão. Lão phải vật vả hơn hai giờ đồng hồ. Đây quả thật là một cái chết đầy ấn tượng. Nhưng để có được sự ấn tượng ấy thì phải kể đến tài năng của Nam Cao. Bằng ngòi bút viết lách và nhiều từ láy gợi hình, Nam Cao như họa trước mắt người đọc cảnh cái chết đầy đau đớn của lão Hạc. Thực sự mà nói thì lão có thể lựa chọn nhiều cách chết êm dịu hơn nhưng lão vẫn quyết định ăn bã chó để chết. Lí do nào khiến lão làm vậy? Vì lão luôn cho rằng lão lừa cậu Vàng tức là đã từ bỏ tư cách làm người lương thiện. Lão chọn cái chết đầy dữ dội như vậy một phần là vì thanh minh, chuộc lỗi với cậu Vàng. Phần còn lại là vì lão nghĩ nếu tiếp tục sống thì lão sẽ phải bán dần mọi thứ để có cái ăn. Và nếu làm vậy thì lão lại phải lỗi làm cha. Suy cho cùng, lão cho rằng chết đi sẽ tốt hơn là tiếp tục cuộc sống như vậy.
Cái chết đầy ấn tượng của lão Hạc gợi lên nhiều liên tưởng về vẻ đẹp của người nông dân. Đó là sống thì phải lỗi làm cha, muốn trọn đạo làm cha thì phải chết. Nếu sống là tha hóa nhân cách, muốn bảo toàn nhân cách thì phải chết. Cái chết của lão Hạc giúp Nam Cao kí thác được rất nhiều điều về con người. Điều đó được bộc lộ qua dòng độc thoại nội tâm của ông giáo (của Nam Cao). Gợi lên nhiều liên tưởng sâu xa cho bạn đọc. “Cuộc đời chưa hẳn là đáng buồn”: thể hiện niềm tin của Nam Cao về vẻ đẹp tâm hồn của con người. Dù xã hội có đầy rầy những bất công, bao nhiêu con người bị tha hóa, thí dụ như Binh Tư, bà cụ Tứ trong “một bữa no” hay Chí Phèo,…thì Nam Cao vẫn còn có lão Hạc. “Cuộc đời vẫn đáng buồn nhưng đáng buồn theo một nghĩa khác”: nỗi đau xót của Nam Cao trước bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ. Những con người nghèo khổ, thấp cổ bé họng, bị xã hội thực dân phong kiến mục nát chèn ép đến bước đường cùng, phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.
Kết thúc “lão Hạc” đã tạo cho tác phẩm một âm vang lớn để đời. Kết thúc ấy như một lời dằn mặt đanh thép đến xã hội phong kiến bất công, tàn bạo. Nó còn là tiếng nói đồng cảm với những người dân nghèo khổ trong xã hội xưa. Kết thúc ấy còn thể hiện triết lí tình thương của Nam Cao: nhìn người đừng chỉ dùng đôi mắt đơn thuần. Nhìn người phải bằng đôi mắt tình thương thì mới phát hiện và thấu hiểu được những bí mật ẩn sâu trong tâm hồn của họ. Đây chính là tư tưởng, là chân lý sáng tác của Nam Cao.
Kết truyện thể hiện tài năng của Nam Cao. Bằng cách sử dụng ngôn từ súc tích, giàu chất tạo hình và nghệ thuật xây dựng cốt truyện, miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật,…Nam Cao đã thể hiện được chiều sâu của tác phẩm và gợi lên nhiều liên tưởng sâu xa. Vừa có sức mạnh tố cáo mãnh liệt, vừa giúp người đọc đồng sáng tác.
Nhận định mà Bùi Việt Thắng đưa ra là đúng đắn. Mặc dù “lão Hạc” dã ra đời gần tám mươi năm nhưng cho đến ngày nay, cái chết ấy vẫn còn ám ảnh người đọc-một cái chết đầy bi thương và đau đớn. Cái chết ấy làm người đọc như nhỏ từng giọt lệ thương xót cho số phận hẩm hiu của người nông dân. Cái chết của lão Hạc lưu truyền như một lời tố cáo đanh thép đến xã hội cũ, đồng thời cũng là lời oán than cho số phận của người nông dân.
Thảo luận về bài viết này