Diễn tả trực tiếp những ấn tượng và cảm xúc về tác phẩm
Đây là lối diễn tả thẳng những ý nghĩ, những ấn tượng, tình cảm và điều tưởng tượng thú vị nhất của mình khi đọc tác phẩm văn học. Lối bình này đơn giản nhất vì không chú ý phân tích bình luận gì, chỉ diễn tả những cảm nghĩ chủ quan của mình trước một đoạn văn, đoạn thơ hay. Sức thuyết phục không nằm ở lý lẽ phân tích bàn luận sắc sảo, mà ở chỗ cảm nghĩ có chân thật, chính xác và sâu sắc.
Ví dụ: “Không bao giờ nói hết được ý nghĩa và vẻ đẹp của Truyện Kiều. Điều ta có thể nhận thấy ngay trong kiệt tác của Nguyễn Du là cái đau đớn đọa đày ở đàn bà qua hình tượng nàng Kiều. Kiều là hình bóng đau khổ của người nữ, cái khổ mà Nguyễn Du gọi là ‘cái hồng nhan “. (Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu bình về Truyện Kiều).
Diễn ý phân tích ra thành hình ảnh
Diễn ý phân tích thành hình ảnh là phân tích, diễn đạt lại ý của tác giả theo cách hiểu của người viết để làm rõ, làm nổi bật một đặc sắc của tác phẩm. Lối bình này đi đôi với khả năng dựng hình ảnh, vừa gợi lại bức tranh của người sáng tác, vừa làm sáng tỏ lý lẽ của người phân tích tác phẩm.
Ví dụ: Bình về bài “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nhớ nhà”
Hai chữ “chưa ngủ” như một cái bản lề giữa những câu thơ. Chưa ngủ vì “cảnh khuya như vẽ” hay vì “lo nỗi nước nhà”. Cái bản lề khép mở hai tâm trạng: Say thiên nhiên và lo việc nước; khép mở hai thế giới: Động tiên và chiến khu, lãng mạn và hiện thực.
Phân tích dựa vào quy luật tâm lý
Phân tích quy luật tâm lý của con người trong cuộc sống bình thường để soi sáng quy luật của tình cảm, cảm xúc trong văn thơ. Lối bình này đòi hỏi phải có vốn sống phong phú, am hiểu nhiều về quy luật tâm lý trong cuộc sống. Bình văn chương gắn với đời sống sẽ giúp bài viết gần gũi,
Ví dụ:
Để giải thích niềm vui lớn của Tố Hữu trong câu thơ:
“Khao khát trăm năm mãi đợi chờ
Hôm nay. Vui đến ngỡ trong mơ”
Hoài Thanh viết: “Tuần tự và đột biến, tất nhiên mà vẫn cứ ngạc nhiên, cuộc sống xưa nay là thế… Một cây hoa ta trồng, ta biết nó sẽ nở hoa, nhưng đến ngày hoa nở, ta không khỏi có chút ngạc nhiên… Một bông hoa nở… còn thế, nữa là chuyện chiến thắng hôm nay”.
Phân tích dựa vào một tiêu chuẩn giá trị của nghệ thuật
Nghĩa là dựa vào một tiêu chuẩn chung của giá trị nghệ thuật để dẫn đến chỗ đánh giá một chi tiết hay của tác phẩm. Lối bình này đòi hỏi phải thông hiểu lí thuyết căn bản của nhiều lĩnh vực nghê thuật và khoa học để vận dụng một cách sáng tạo.
Ví dụ:
Để khẳng định giá trị nghệ thuật cao của nhân vật văn sĩ Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao, có người đưa ra tiêu chuẩn chung của những nhân vật có phẩm chất nghệ thuật độc đáo: “Những nhân vật như thể thường giống nhau ở đặc điểm này: có những chi tiết có vẻ rất ngẫu nhiên, thậm chí vô nghĩa nữa, vậy mà không thể hình dung ra nhân vật ấy đúng như bản chất của nó nếu như gạt bỏ những chi tiết ấy. Nghĩa là rất ngẫu nhiên mà lại rất tất yếu. Có vẻ vô nghĩa ấy nhưng không có không được”.
Discussion about this post