Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Nghị luận xã hội bàn về “Lòng hiếu thảo”

Nghị luận xã hội bàn về "Lòng hiếu thảo"

Nghị luận xã hội bàn về "Lòng hiếu thảo"

I – Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lòng hiếu thảo.

II – Thân bài

a. Giải thích vấn đề.

– Lòng hiếu thảo là lòng kính yêu, tôn trọng cha mẹ. Đây là một đức tính rất được coi trọng trong văn hóa Đông Á cũng như văn hóa Việt Nam.

– Ai cũng cần phải có lòng hiếu thảo bởi cha mẹ là người sinh ra ta. Nếu với cha mẹ mà không thể hiếu thảo, đó hẳn không phải là người tốt.

b. Phân tích, bàn luận vấn đề

– Biểu hiện của lòng hiếu thảo:

+ Biết nghe lời hay, lẽ phải cha mẹ dạy dỗ.

+ Có ý thức học hành, không để cha mẹ phải phiền lòng.

+ Khi cha mẹ ốm đau, về già phải biết phụng dưỡng, chăm sóc cho cha mẹ.

+ Đoàn kết với anh chị em trong nhà “anh em hòa thuận, hai thân vui vầy”.

– Vì sao phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:

+ Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã mang lại cuộc sống này cho chúng ta

+ Sống hiếu thảo với ông bà cho mẹ là thể hiện người sống có trách nhiệm.

+ Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến và quý trọng

+ Lòng hiếu thảo là phương tiện gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện tình yêu thương gia đình.

– Trong xã hội hiện đại, lòng hiếu thảo cũng đang bị xuống cấp. Phê phán những đứa con hư, bất hiếu với cha mẹ.

III – Kết bài

Khẳng định lại vai trò, tầm quan trọng của lòng hiếu thảo và rút ra bài học cho bản thân.

Bài văn tham khảo 1

Lòng hiếu thảo là thái độ, tình cảm, là cách ứng xử, đối đãi của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Một người con hiếu thảo luôn biết nghe lời, làm cha mẹ vui lòng và biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm. Một người cháu hiếu thảo luôn biết hỏi thăm sức khỏe ông bà, phụng dưỡng khi về già. Đôi khi lòng hiếu thảo chỉ đơn giản là sự hỏi han, một cử chỉ ân cần, một hành động yêu thương, đó cũng là hiếu thảo. Lòng hiếu thảo chẳng thể đong đếm được bởi cách cảm nhận của mỗi người là khác nhau, cách thể hiện cũng khác nhau, tuy nhiên chỉ cần đó là lòng hiếu thảo của con cháu thì bất kỳ ông bà hay cha mẹ nào cũng đều cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có một cha mẹ trên đời, vì thế phải trở thành một người con hiếu thảo để báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, đừng để mình trở thành một người con bất hiếu khiến cha mẹ buồn lòng. Lòng hiếu thảo không chỉ giúp chúng ta đáp đền công lao sinh thành mà còn nuôi dưỡng trong chúng ta những tình cảm tốt đẹp. Khi biết yêu thương ông bà, cha mẹ chúng ta mới có thể yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh mình. Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo, một người giàu lòng nhân ái để không công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Bài văn tham khảo 2

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Chính vì thế, chúng ta cần sống với lòng hiếu thảo, biết ơn những người thân yêu của mình. Hiếu thảo là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già. Hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của con người Việt Nam ta mà ai cũng cần có. Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sẻ, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc. Bên canh đó, hiếu thảo với cha mẹ khiến chúng ta trưởng thành hơn, lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng lòng biết ơn. Bởi thế, mỗi chúng ta cần phải đền đáp lại những công ơn to lớn ấy từ những việc làm nhỏ nhất như: ra sức học tập, rèn luyện tốt, hiếu thảo, sống sao cho có ích với bản thân, gia đình và xã hội… Tuy nhiên, trong xã hội có nhiều người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn với ông bà, cha mẹ; bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. Những người này thật đáng chê trách. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, là nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam và qua đó, giúp ta thấm thía rằng: “Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Exit mobile version