Đề bài : Sau khi học xong bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy, em có suy nghĩ như thế nào về đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” , thủy chung cùng quá khứ của dân tộc?
Bài làm
Đọc bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy, có lẽ không ai không thấm thía về đạo lí “ uống nước nhớ nguồn”, thủy chung cùng quá khứ của dân tộc. Được viết ba năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( 1978), bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ, một lời tâm tình kể theo trình tự thời gian: Bắt đầu từ hồi ức về “ hồi nhỏ” trên quê hương đến lúc trưởng thành , con người sống “ở rừng” luôn gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, đặc biệt với vầng trăng (vầng trăng tình nghĩa). Nhưng rồi hoàn cảnh sống thay đổi “từ hồi về thành phố”, sống với những tiện nghi hiện đại: ánh điện, cửa, gương… con người đã vô tình lãng quên trăng ( coi trăng “ như người dưng qua đường”. Một tình huống bất ngờ xảy ra: Thành phố mất điện. Mở tung cửa sổ, nhân vật trữ tình đột ngột gặp lại vầng trăng tròn. Vầng trăng bất ngờ mà tự nhiên như đã gợi ra bao kỉ niệm nghĩa tình…Như vậy, với tư cách là một người lính trở về sau chiến tranh, Nguyễn Duy mượn hình thức của một câu chuyện riêng để cất lên lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên đất nước, bình dị, hiền hậu. Có thể nói ân nghĩa thủy chung là lối sống tình cảm, trước sau như một ( con người không thay đổi tình cảm của mình theo thời gian), con người không vô tâm, vô tình, lãng quên quá khứ. Đây là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta có từ xa xưa mà chúng ta phải kế thừa và phát huy. Truyền thống này đã được đúc kết trong nhiều tục ngữ như: “uống nước nhớ nguồn” , “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,…Lẽ sống này giúp con người sống tốt hơn, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thế giới thiên nhiên trở nên đẹp hơn. Đó là cơ sở để xây dựng một xã hội nhân văn mà chúng ta đang hướng tới. Bên cạnh đó, nhìn lại lịch sử của dân tộc mình, ta không thể phủ nhận rằng để có được cuộc sống như ngày hôm nay, ông cha ta đã phải hi sinh quá nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của mình. Bởi dựng nước đã vất vả, giữ nước còn gian lao gấp vạn lần. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ của dân tộc. Xung quanh chúng ta , vẫn còn những người đã hi sinh xương máu, người thân của mình để bảo vệ núi sông VN độc lập. Họ là những người thương binh, những bà mẹ VN anh hùng…Không chỉ nhà nước có chính sách ưu đãi với họ, mà chúng ta hãy cùng nhau làm tất cả những gì có thể để họ cảm thấy được động viên, quan tâm ( dù mọi sự quan tâm ấy vẫn là chưa xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của họ) . Gần đây nhà nước có cho xây tượng đài mẹ VN anh hùng với chi phí hàng trăm tỉ đồng. Nhưng điều quan trọng là tượng đài các mẹ luôn sống mãi trong trái tim mỗi chúng ta và hãy bằng những hành động thiết thực hơn nữa đối với các mẹ. Một căn nhà cũ của mẹ được đội thanh niên tình nguyện sửa lại, một tấm áo tình nghĩa được mang đến tận tay…Tất cả thật giản dị mà ý nghĩa biết bao. Nó có thể làm cho niềm vui nở trên những khuôn mặt già nua, khắc khổ của các mẹ, những người mẹ của đời thường mà thật vĩ đại! Các bạn ạ, là học sinh, hằng ngày được cắp sách tới trường, được học hỏi biết bao nhiêu điều hay, bao cái đẹp, chúng ta cần biết phát huy các truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc mình, trong đó có truyền thống “uống nước nhớ nguồn” . Đừng bao giờ lãng quên quá khứ các bạn nhé! Phải biết rằng từ đâu mà chúng ta có hôm nay?
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận về chiều sâu suy ngẫm trong bài thơ “Ánh trăng”
- Phân tích ba khổ thơ cuối bài “Ánh trăng”
- Cảm nhận khổ 3,4,5 bài “Ánh trăng”
- Phân tích hai khổ đầu bài “Ánh trăng”
Thảo luận về bài viết này