Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Nghị luận xã hội: “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…”

Nghị luận xã hội: "Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời..."

Nghị luận xã hội: "Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời..."

Đề:

Trên đường đời một lần tôi vấp ngã

Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi xuýt xoa. Quên cảm ơn. Là lúc

Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi.

(Lê Minh Quốc, Từng ngày ba mẹ thở theo con, NXB Kim Đồng, 2022)

Từ ý thơ trên và từ những trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời….

1. Giải thích:

Việc không nói lời cảm ơn kịp thời khi nhận được sự giúp đỡ của người khác lúc ta gặp gian nan, trở ngại trên hành trình cuộc sống sẽ khiến ta day dứt, băn khoăn mãi. Từ đó có thể thấy việc những suy nghĩ tốt đẹp (VD: suy nghĩ về việc cảm ơn, xin lỗi, khen ngợi, thổ lộ những yêu thương,…) không được cất lên thành lời có thể sẽ gây ra nhiều hối tiếc.

2. Bàn luận:

+ Vì nhiều nguyên nhân (e ngại, sợ hãi, vội vã, quên lãng, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lời nói,…), con người thường không kịp thời nói ra những suy nghĩ tốt đẹp. Điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: người khác sẽ không hiểu đúng về ta, cảm xúc chưa được tỏ bày, bản thân khó thể bộc lộ, người và người khó thể kết nối. Từ đó dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, những day dứt, ân hận, mãi về sau. Biểu hiện: Nếu không kịp nói ra lời cảm ơn, ta sẽ bị coi là người vô ơn. Nếu không kịp nói ra lời xin lỗi, ta sẽ khiến mối quan hệ bị tổn thương. Nếu không thể nói ra lời khen ngợi, ta sẽ khiến đối phương không biết ta đánh giá cao về họ. Nếu không thể nói ra những lời thương yêu, ta khó tạo dựng những mối quan hệ bền chặt, gắn bó

+ Những suy nghĩ tốt đẹp không chỉ cần được cất lên thành lời mà còn cần được cất lên đúng cách, đúng thời điểm thì mới mang đến những kết quả tích cực. Bên cạnh việc thể hiện bằng lời nói tốt đẹp, những suy nghĩ tốt đẹp cũng cần được thể hiện bằng những hành động tốt đẹp.

+ Phê phán những người không có những suy nghĩ tốt đẹp, những người chưa dám tỏ bày những suy nghĩ tốt đẹp, những người tỏ bày suy nghĩ bằng những lời tốt đẹp nhưng đó lại không phải suy nghĩ chân thành của họ.

3. Bài học nhận thức và hành động

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nói ra những suy nghĩ tốt đẹp; có hành động cụ thể tích lũy giá trị bản thân nhằm mục đích trở thành người có những suy nghĩ đúng đắn và phản xạ nhanh nhạy, kịp thời để giãi bày lòng mình chứ không để cơ hội trôi đi.

Bài văn tham khảo

Người xưa có câu: “Lời nói, gói vàng” để răn dạy chúng ta về giá trị của lời hay, ý đẹp trong cuộc sống. Lời nói, dẫu đơn sơ nhưng lại được ví như liều thuốc “chữa lành” cho trái tim, quý giá tựa bạc vàng. Vậy nên, còn gì bất hạnh hơn “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời”? Nói đến “những suy nghĩ tốt đẹp” là nói đến những suy nghĩ tích cực, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm giữa người với người. Những suy nghĩ ấy cho thấy cách ta tư duy và nhìn nhận về chính bản thân mình, về con người và vạn vật xung quanh. Việc “cất lên thành lời” chính là bộc lộ suy nghĩ một cách trực tiếp bằng lời nói hay hành động để mọi người có thể cảm nhận, thấu hiểu được. Những suy nghĩ vô hình, chỉ tồn tại trong tâm trí mỗi người nhưng khi không được bộc lộ thẳng thắn, nó sẽ khiến đời sống con người mất đi vô vàn yêu thương. Mỗi cá nhân là một bản thể vô cùng phức tạp, “tiểu vũ trụ” của chúng ta luôn xoay vần quanh rất nhiều ý nghĩ khác nhau. Cuộc sống xung quanh tác động tới ta, khiến ta không ngừng cảm nhận và suy nghĩ. Trong đó, ta nên chọn thể hiện những suy nghĩ sẽ đem lại cho bản thân và những người xung quanh nguồn năng lượng tươi mới. Đó chính là cách ta thể hiện bản thân, bộc lộ sự thấu hiểu và sẻ chia với mọi người, khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa. Nếu những suy nghĩ tốt đẹp ấy bị chôn giấu, không được cất lên thành lời vì bất cứ lí do gì thì chúng ta sẽ mất đi một phương tiện hữu hiệu để thể hiện tình yêu thương. Bản thân mỗi người cũng không có cơ hội để thể hiện bản thân, bày tỏ những chính kiến và nguyện vọng của mình. Người với người dần trở nên xa cách, ái ngại khi giúp đỡ hoặc chia sẻ với nhau. Từ đó, những điều tốt đẹp cũng không có cơ hội được lan tỏa trong cộng đồng, những khát vọng cao cả bỗng hóa tan như bong bóng xà phòng, những số phận khó khăn mãi không được biết đến,… Khi chúng ta chọn “mất kết nối” thì thế giới ta đang sống ắt sẽ trì trệ, vô cảm. Ta không thấu hiểu chính mình và những người xung quanh nên cũng mất đi động lực để phấn đấu học tập, lao động. Đó thực sự là một viễn cảnh vô cùng tăm tối! Câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một ví dụ tiêu biểu cho những suy nghĩ cao đẹp cần được cất lên thành lời. Tình yêu nước, yêu đồng bào của Người đã được thể hiện bằng những lời phát biểu trong “Tuyên ngôn Độc lập”, truyền cảm hứng cho biết bao con người, thôi thúc người dân xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay trong đời sống vẫn có một số người lại chọn thể hiện những suy nghĩ tiêu cực, thường tập trung vào những khuyết điểm của người khác để thể hiện sự chê bai, dè bỉu. Cũng có những người lại chọn chôn giấu những tâm tư của bản thân, đóng kín lòng mình, không để mọi người xung quanh có cơ hội thấu hiểu. Đó là một thực trạng đáng buồn. Như vậy, việc những suy nghĩ tích cực thành những lời nói đẹp, hành động thiết thực có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống mỗi cá nhân và xã hội. Mỗi người hãy học cách mở lòng mình, không ngần ngại trao đi những yêu thương để từng phút, từng giây đều trở nên đáng quý.

Exit mobile version