Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”

Đề bài : Phân tích nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất của đời văn Nguyễn Tuân. Huấn Cao không chỉ như một kẻ tài hoa tài tử thường gặp trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Tuân, Huấn Cao là một đấng tài hoa nhưng cũng là một đấng anh hùng. Trong con người này người ta thấy sự kết hợp ở mức lí tưởng của một hào kiệt và một nghệ sĩ.

1/ Vẻ đẹp tài hoa

– Để hiểu được tài vẻ đẹp tài hoa của Huấn Cao cần hiểu được bộ môn nghệ thuật thư pháp: Thư pháp là bộ môn nghệ thuật viết chữ và chơi chữ truyền thống của cha ông. Đây là một môn nghệ thuật rất độc đáo. Chữ trong những tác phẩm thư pháp không phải là sản phẩm khéo tay, quen việc, thạo nghề của một người thợ. Mà một lần đặt bút đối với nhà thư pháp là một lần sáng tạo. Một nét bút là sự tập trung, kết tụ tinh hoa và tâm huyết của người nghệ sĩ. Một nét chữ đều là sự hiện hình của những khát khao thầm kín mà mãnh liệt chất chứa trong tâm khảm, trong nhân cách của người viết. Chính vì vậy, người viết chữ đẹp thì nhiều nhưng để đạt đến trình độ thư pháp thì rất hiếm hoi. Trong Chữ người tử tù, Huấn Cao là người có tài viết chữ thư pháp.

– Tài viết chữ thư pháp của Huấn Cao được Nguyễn Tuân giới thiệu gián tiếp qua lời nhận xét của thầy thơ lại và quản ngục: Hay là cái người tỉnh Sơn ta vẫn thường khen có tài viết chữ nhanh và đẹp đó không. Chữ của Huấn Cao không chỉ “đẹp lắm”, “vuông lắm” mà mỗi con chữ nó còn nói lên khát vọng, hoài bão tung hoành của một đời con người. Ở đây, Nguyễn Tuân không tả vẻ đẹp những con chữ tài hoa mà chú tâm vào cái đẹp cái nghĩa khí tỏa ra từ nét chữ. Chính vì vậy mà có được chữ ông Huấn Cao mà treo là một vật báu trên đời.

⇒ Cũng như nhiều nhân vật trong Vang bóng một thời, nhân vật Huấn Cao mang được vẻ đẹp truyền thống từ những thú chơi tao nhã của cha ông. Qua đây, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu quê hương đất nước sâu sắc.

2/ Vẻ đẹp khí phách

– Khi bước chân vào trại giam tỉnh Sơn: Nhân vật xuất hiện trước mắt người đọc trong tư thế của người tử tù đến nhà giam của tỉnh Sơn chờ ngày thụ án. Huấn Cao đi đầu và theo sau là năm đồng chí của ông. Trên vai họ là một cái gông bằng lim vậy mà từ trong con người Huấn Cao vẫn toát ra một thái độ điềm tĩnh, thản nhiên đến khinh bạc. Ông quay lại bảo các bạn tù dỗ rệp ở gông bằng một thái độ lạnh lùng: Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi, và Huấn Cao khom người xuống chúc mũi gông xuống thềm đá đánh thuỳnh một cái và một trận mưa rệp văng ra. Chỉ bằng một vài lời thoại ngắn Huấn Cao đã gây được cảm tình cho người đọc. Tên lính thị oai buông lời dọa nạt nhưng dường như lời dọa nạt ấy không lọt vào tai Huấn Cao. Cửa nhà lao mở, Huấn Cao cùng các bạn đồng chí điềm nhiên bước vào. Tất cả những hành vi cử chỉ ban đầu ấy của Huấn Cao đã khiến cho độc giả và ngay cả viên quản ngục phải thán phục kiêng nể. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân lại để Huấn Cao xuất hiện lần đầu trong thiên truyện bằng chi tiết “dỗ gông”. Ấy là hành động biểu thị tự do. Huấn Cao đã cho thấy việc gì ông muốn là làm, và hoàn toàn có thể làm được. Bất chấp nó khó khăn đến đâu và có được phép hay không để rồi Huấn Cao cứ sừng sững hiên ngang đi cho hết sinh mệnh của mình trong thế giới của câu chuyện.

– Trong những ngày ở trại giam tỉnh Sơn: Huấn Cao thản nhiên nhận rượu, thịt, sự biệt đãi của quản ngục coi đó là cái việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh. Khi quản ngục bước chân vào buồng giam hỏi Huấn Cao: Thưa ngài! Ngài cần gì nữa. Huấn Cao đã thản nhiên, khinh bạc trả lời: Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Thái độ, hành động, lời nói của Huấn Cao đã toát lên khí phách của một con người, không bao giờ chịu vào luồn, ra cúi. Bởi với ông đến cái cảnh chết chém ông cũng chẳng sợ nữa là cái trò bày đặt của bọn tiểu nhân.

– Đối với việc cho chữ: Huấn Cao cũng toát lên khí phách của một người anh hùng, một người nghệ sĩ. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Ông nói: Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Với ông tiền bạc không thể khiến ông cho chữ, uy quyền không ép được ông viết chữ bao giờ. Cả đời ông, ông mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Như vậy, với Huấn Cao chỉ cho chữ những người thuộc về tri âm, tri kỉ đời mình. Chính vì vậy, quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Và luôn đau đáu lo sợ ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ,  thì ân hận suốt đời mất.

⇒ Dưới trang văn của Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên là một con người anh hùng mang khí phách của Cao Bá Quát.

3/ Vẻ đẹp thiên lương

Nếu chỉ có tài hoa và khí phách không thôi thì vẻ đẹp của Huấn Cao e rằng không hoàn mĩ. Ở Huấn Cao còn có một tấm lòng. Một tấm lòng thuần khiết nằm ngay trong cái vẻ kiêu bạc gai góc. Điều này thể hiện:

– Đối với việc cho chữ quản ngục:

+ Khi nghe tâm sự và nguyện vọng xin chữ của quản ngục, Huấn Cao đã vô cùng xúc động. Ông đã ân hận chân thành: Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ lời nói đó đã hé mở cho ta thấy cái lẽ sống của Huấn Cao. Sống là phải xứng đáng với những tấm lòng. Nếu vì một lí do nào đó mà phải phụ tấm lòng ai đó, thì ông coi đó là một tội lỗi không thể tha thứ được của mình. Vì vậy, không đắn đo suy tính, Huấn Cao nhận lời ngay: Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Thế là một con người kiêu bạc ngạo mạn khinh thường cường quyền và vàng ngọc đã khuất phục trước một tấm lòng.

+ Như vậy, việc Huấn Cao cho chữ quản ngục không phải là việc làm của một con người muốn phô diễn tài năng cuối cùng của mình trước khi lìa trần, cũng không phải việc làm trả ơn cho quản ngục vì đã biệt đãi mình trong những ngày cuối đời mà đây là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, của người tri âm dành cho người tri kỉ.

– Thiên lương của Huấn Cao thực sự được tỏa sáng ở cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ diễn ra trong sự tương phản một bên là nhà lao ẩm thấp, tăm tối, bẩn thỉu: một buồng tối chật hẹp, ẩm thấp, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián với một bên là tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, căng phẳng và với ánh sáng của một bó đuốc tẩm dầu đang cháy rực. Dưới ánh sáng của bó đuốc, Huấn Cao dồn hết tâm linh, sinh lực vào từng nét chữ. Ông không mảy may lưu ý gì đến cái xấu xa, cái hôi hám, bẩn thỉu đang tồn tại mà hoàn toàn bị thu hút vào tấm lụa bạch nguyên vẹn. Ở đây không còn là Huấn Cao tử tù nữa, chỉ còn một Huấn Cao tự do. Huấn Cao đã đem đến nơi này một thế giới khác, thế giới văn hóa, thế giới của cái đẹp. Vẻ đẹp nhân cách đó đã làm cho viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.

– Sau khi cho chữ, Huấn Cao đã khuyên quản ngục: Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững. Lời khuyên của Huấn Cao thể hiện rõ: con người chỉ xứng đáng được với cái đẹp khi giữ cho mình được thiên lương trong sáng; cái đẹp có thể sinh ra từ trong môi trường của cái ác, cái xấu nhưng cái đẹp không thể sống chung với cái ác, cái xấu. Khi nghe những lời khuyên của Huấn Cao, quản ngục cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh. Rồi đây khi Huấn Cao ra đi, quản ngục sẽ từ bỏ cái nghề cai ngục để thiên lương trong sáng, xứng đáng với cái đẹp. Như vậy cái đẹp đã cảm hoá được con người.

⇒ Nhân vật Huấn Cao được Nguyễn Tuân viết bằng bút pháp lãng mạn, theo kiểu lí tưởng hóa, một chân dung hoàn hảo đã hiện lên trước mắt người đọc cả về tài năng và phẩm chất. Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Huấn Cao bằng cả tài năng và tâm huyết của mình. Qua nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ quan niệm của mình về cái đẹp; thể hiện tư tưởng của nhà văn giai đoạn trước Cách mạng (tìm vẻ đẹp ở con người đặc biệt, xuất chúng, phi thường).

Exit mobile version