Đề bài:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
(Trích Một khúc ca, Tố Hữu)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu thơ trong đoạn trích: Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
Bước 1 – Tìm hiểu đề
Giả định: Nếu là con chim, chiếc lá
Lẽ tất yếu: Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
So sánh như vay mà không có trả
Khi được sống trong đời, người có tâm đức sẽ nghĩ về trách nhiệm đáp đền vì được làm người, được sống trong gia đình, trong quê hương, đất nước này.
Nếu chim phải hót, lá phải xanh thì làm người phải là người sống tốt đẹp. Sống xứng đáng được làm người. Xanh là lẽ sống của chiếc lá, hót là lẽ sống của con chim. Sống đẹp là lẽ sống của con người.
Bước 2: Viết câu/nhóm câu mở đoạn
Ví dụ:
Dẫn dắt:
Trong hành trình sống, mỗi chúng ta từng trăn trở làm sao để cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng không phải ai cũng vượt qua được sự ích kỷ của bản thân để hiểu sâu sắc: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”
Trực tiếp:
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?” là một triết lý sống đẹp, sống có ý nghĩa.
Bước 3. Cách triển khai ý ở thân đoạn
– Đi thẳng vào vấn đề
Giải thích ngắn gọn các từ/ cụm từ khóa, giải thích cả câu: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Bàn luận:
– Đặt ra câu hỏi tại sao? Sau đó: giải đáp, bình luận, chứng minh (ý lớn, ý nhỏ theo sắp xếp rành mạch)
Bước 4: Cách viết kết đoạn
– Rút ra bài học, liên hệ với bản thân, với thế hệ trẻ
– Liên hệ với những vấn đề tương tự, hoặc mở rộng vấn đề
– Có thể kết lại bằng một câu danh ngôn hay câu nói nổi tiếng.
Bài văn mẫu
Con người muốn trở nên tốt đẹp cần phải rèn luyện rất nhiều phẩm chất, một trong số đó chính là học cách cho đi, yêu thương đồng loại để nhận về những điều tốt đẹp bởi lẽ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Cho đi là yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn. Còn thứ ta nhận lại là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác.
Cuộc sống của con người sẽ trở nên lạnh nhạt, vô cảm nếu mỗi người chỉ biết sống cho mình, không biết thương yêu, san sẻ, giúp đỡ đồng loại. Nếu mỗi cá nhân chỉ biết đến bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội, lâu dần ta sẽ chết mòn, tâm hồn ủ dột. Tình yêu thương, sự cho đi và nhận lại giúp con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, từ đó khối sức mạnh sẽ lớn hơn. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại một cách xứng đáng: đó là sự thành thản, thoải mái khi nhìn người khác tốt đẹp hơn, được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn,…
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, những người này nếu không sửa đổi sẽ tự tách mình khỏi xã hội và trở nên thất bại hơn.
Mỗi chúng ta được lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống với tấm lòng chân thành, tình yêu thương, cho đi yêu thương để nhận về những điều tốt đẹp nhất.
Thảo luận về bài viết này