I. Mở bài
Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc rèn luyện lời ăn tiếng nói đối với học sinh hiện nay
II. Thân bài
a. Giải thích vấn đề
– Lời ăn tiếng nói là cách nói năng trong giao tiếp hàng ngày của mỗi người. Nó bao gồm lời nói, thái độ, ngữ điệu, gọi là văn hóa giao tiếp.
– Lời ăn tiếng nói thể hiện tư chất và phẩm cách của một con người. Hiện nay trong giới trẻ, nhất là học sinh lời ăn tiếng nói đang là một vấn đề cần được quan tâm.
b. Bàn luận vấn đề
– Biểu hiện của lời ăn, tiếng nói của một học sinh văn minh: Nói năng lịch sự, lễ phép với thầy cô giáo; trình bày vấn đề minh bạch, rõ ràng, có đầu có cuối, …
– Những thói hư, tật xấu của học sinh trong lời ăn, tiếng nói hiện nay: nói năng còn thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng người khác.
→ Hậu quả: Những vụ xô xát hay còn gọi là bạo lực học đường diễn ra, môi trường học đường không được trong sáng,…
– Rèn luyện lời ăn tiếng nói nhã nhặn, lịch sự là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
+ Lời ăn tiếng nói của mỗi người phản ánh trình độ hiểu biết và đạo đức của mỗi người
+ Lời ăn tiếng nói của nhiều người ảnh hưởng đến xã hội và tạo thành văn hóa ứng xử của gia đình, quốc gia, dân tộc
+ Biết tôn trọng mọi xung quanh
+ Luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,…
– Phê phán những lời nói thiếu văn hóa, thiếu văn minh,
c. Liên hệ bản thân
III. Kết bài
– Khái quát tầm quan trọng của vấn đề nghị luận.
Bài văn tham khảo 1
Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là lứa tuổi hiếu động và đang trong quá trình hình thành nhân cách. Do đó việc rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt nhất như lời ăn tiếng nói hàng ngày là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp cho các em dần hình thành được thói quen trong việc ăn nói, thể hiện được tư cách của một học sinh văn minh, thanh lịch. Vậy đâu là lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch?
Tôi còn nhớ nhà khoa học Xốt Xuya đã từng nói “Ngôn ngữ nói với chúng ta rằng nên chọn thứ này chứ không phải thứ kia” Ngôn ngữ vốn là tài sản vô giá và hoàn toàn sẵn có ở mỗi người. Nó tồn tại chính là một công cụ giao tiếp hiệu quả nhất hiện nay. Người ta có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hoàn toàn tự nhiên, sẵn có mà không cần phải xin phép ai. Cũng chính nhờ ngôn ngữ mà con người thấu hiểu được nhau, biết được mình muốn gì và cần gì. Cũng chính ngôn ngữ trở thành một trong những thước đo quan trọng đánh giá phẩm chất, tư cách của một con người.
Chính vì ngôn ngữ là hoàn toàn sẵn có nên mới nảy sinh ra vấn đề là làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp có hiệu quả nhất? làm thế nào để phát huy được thế mạnh của ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, nhất là với học sinh sinh viên hiện nay.
Một học sinh văn minh, thanh lịch là học sinh được đánh giá có vẻ bề ngoài sạch sẽ, gọn gàng, có phẩm chất tư cách đạo đức tốt và đặc biệt có giao tiếp ngôn ngữ văn minh, phù hợp với phẩm chất, đạo đức của xã hội. Những học sinh đó luôn ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi khi nhìn thấy thầy cô, cán bộ và người lớn tuổi trong nhà trường hoặc trong bất cứ đâu. Học sinh cũng biết đưa ra những lời nói hòa nhã với bạn bè cùng trang lứa, không văng tục chửi bậy. Và không chỉ có như vậy một học sinh văn minh, thanh lịch còn biết lựa chọn những ngôn ngữ giao tiếp làm sao cho thật tinh tế, phù hợp với mọi hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Với bố mẹ thì như thế này, với thầy cô thì như thế khác, với bạn bè cùng trang lứa thì cũng khác nhau. Điều đó sẽ giúp học sinh đó luôn ghi điểm trong mắt bạn bè, luôn được mọi người yêu mến.
Song bên cạnh những học sinh văn minh, thanh lịch luôn biết ăn nói, cư xử hòa nhã, lễ phép, gây thiện cảm ở người đối diện thì cũng có những học sinh vô văn hóa, ăn nói tục tĩu, yếu kém trầm trọng về ngôn ngữ giao tiếp. Học sinh xưng mày tao bừa bãi với bạn bè, nhìn thấy thầy cô thì không thèm chào hoặc lời chào cũng thiếu sự lễ phép, chân thành. Chưa kể sẵn sàng văng tục, chửi bậy ở bất cứ đâu, không nề hà môi trường giao tiếp đó có những ai, hoàn cảnh giao tiếp như thế nào, chửi bậy ngay cả trước mặt giáo viên… Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Trước hết là ở tâm lý lứa tuổi. Như trên đã nói lứa tuổi học sinh đang trong quá trình định hình nhân cách, hành vi nên các em chưa có nhận thức đúng đắn về ngôn ngữ của mình. Các em sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, thích thì nói, nói mà không suy nghĩ đến hậu quả. Chưa kể lứa tuổi của các em là tuổi muốn thể hiện mình, muốn khẳng định cái tôi của mình. Vì thế các em sẵn sàng nói những ngôn ngữ không phù hợp với mình, biết là không hay nhưng vẫn nói ra để khẳng định cá tính của mình trước mặt bạn bè. Thậm chí một số em còn sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp, gây khó hiểu ở nhiều người. Sau cùng là do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục và uốn nắn các em. Bố mẹ chưa dành thời gian sửa lỗi trong giao tiếp cho các em… chưa nghiêm khắc khi các em văng tục, chửi bậy, nói những lời vô văn hóa trước mặt người lớn tuổi.
Vậy có cách nào để trở thành một học sinh văn minh, thanh lịch, có lời ăn tiếng nói phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội? Hoàn toàn có thể, các cụ có nói rằng “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” mỗi người và mỗi học sinh luôn luôn phải xác định việc học ăn nói cần thiết giống như bất kỳ việc học nào khác. Trước khi phát ngôn nên suy nghĩ thật kỹ, chỉ nói những điều mình chắc chắn, chỉ nói những lời hay ý đẹp, không văng tục chửi bậy để thành quen mồm. Không chỉ hướng tới việc nói đúng những điều cần nói, lên nói, học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, trúng vấn đề, tránh tình trạng ông nói gà bà nói vịt. Nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp, gây khó chịu ở người khác, khó hiểu nội dung cuộc nói chuyện.
Lời ăn tiếng nói của học sinh văn minh thanh lịch thể hiện phẩm chất, tư cách, giá trị của các em. Giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình. Vì thế mỗi học sinh chúng ta nên học ăn nói gói mở, phát ngôn đúng hoàn cảnh để lời nói thật sự mang đến giá trị.
Bài văn tham khảo 2
Người Việt Nam có nhiều điểm khá độc đáo trong tâm lý. Một trong những điều đó là rất chú trọng lời ăn, tiếng nói. Nhiều khi điều này được đặt lên hàng đầu, trờ thành quyết định cho thành công của nhiều công việc, nhất là ở phút đầu tiên, khi con người cần gây ấn tượng đối với người khác..
Một ai đó có thể xuất hiện bằng một hình thực bên ngoài khá sang trọng, bắt mắt, kèm những chi tiết liên quan đến nhân thân: Học vị, nghề nghiệp, chỗ đứng xã hội, kinh tế vững vàng v.v… Nhưng nếu cất lời mà không dễ nghe thì mọi thứ nói trên sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, người chẳng có được ưu thế về mọi mặt như vừa nhắc tới mà nói năng dễ nghe thì sẽ nhanh chóng khiến đối tượng tiếp xúc có thiện cảm, làm cho người ta có thể quên mọi nhược điểm khác.
Không phải vô cớ, các cụ ta dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không mất tiền mua, tức là rất sẵn, có rất nhiều, chẳng khó gì để có được. Vậy thì sao không lựa chọn những lời lẽ đẹp đề làm “vừa lòng nhau”? Người xưa cũng từng khuyên rằng: “Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”. Ăn mà không nhai, sẽ có hại, không tiêu hóa được thành các chất nuôi cơ thể. Giống như vậy, nói phải nghĩ. Nếu nói mà không suy nghĩ sẽ nói những điều dại dột, khiến người nghe phật ý, khó chịu, ghét khinh mình. Nói năng mà từ tốn, dễ nghe thì dù có bị làm phiền, người ta cũng dễ đáp ứng lời yêu cầu, sự nhờ vả của mình. Chẳng hạn như người ta đang xem ti vi, mình gõ cửa muốn hỏi thăm đường đi, hay nhà ai đó, ắt là họ bị làm phiền. Nhưng mình có lời xin lỗi, rồi nói “Làm ơn, cho hỏi…”, sau đó lại cảm ơn, thể hiện thái độ khiêm nhường, từ tốn của người nhờ và thì người ta vui vẻ, sẵn sàng trả lời, có khi còn đưa sang tận nhà người mình định hỏi. Mình chỉ cần nhờ một, có khi người ta đáp ứng hai. Ai đó mất rất nhiều công sức, thậm chí tổn kém tiền bạc giúp mình việc gì mà mình biết nói và thể hiện lòng biết ơn, coi trọng, đề cao giá trị việc họ giúp mình thì họ sẽ hả lòng, không đòi hỏi trả ơn, còn nói: Không có gì, việc nhỏ thôi mà”. Nhưng ngược lại, việc họ giúp chỉ nhỏ mà mình bộc lộ sự coi thường, phủi công, vô ơn thi họ sẽ phật ý, bực mình, bỗng thấy việc giúp mình là to tát, phí công. Được lời tất sẽ cởi tấm lòng là như thế. Con người cần nhất là sự tôn trọng đề cao, biết đến cộng sức, tấm lòng, chứ không hẳn là phải đền đáp bằng tiền bạc, vật chất. “Vàng thì thử lửa thử than / Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời“. Người Việt mình lại tinh tế ở chỗ: đủ phân biệt những lời chân thành, xuất phát từ trái tim nồng hậu, tấm lòng thiện chí với những lòi “có cánh”, giả dối, phát ra chỉ cốt để nịnh, lấy lòng, mong vụ lợi, thỏa mãn ý đồ ích kỉ. Lòng người Việt ta luôn rộng mở, sẵn sàng “cởi” với bất cứ ai có thiện chí, biết tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần. Khi “được lời”, điều đó lại càng được bộc lộ, phát huy.
Lời nói chẳng mát tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Xưa nay, con người thành công một phần do có năng lực, còn phần nhiều do biết ăn nói phải lời. Lời ăn tiếng nói thể hiện rõ nhất phẩm chất đọa đức và bản lĩnh sống của con người. bởi thế, hãy tận dụng sức mạnh của nó để tìm kiếm thành công và hạnh phúc trong cuộc sống này.
Thảo luận về bài viết này