Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Dàn ý:
I.Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
Có những tác phẩm đọc xong gấp sách lại là ta quên ngay cho đến khi xem lại mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng chảy qua tâm hồn ta để lại trong ta những ấn tượng trạm khắc trogn tâm khảm. Và “Ánh trăng ” của Nguyễn Duy cũng là một tác phẩm như thế. Trong bài thơ ấy, ấn tượng với người đọc nhất có lẽ là những khổ thơ cuối.
II.Thân bài
1.Khái quát về tác phẩm
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy được sang tác năm 1978 – 3 năm sau ngày đất nước giành được độc lập. Khi đó nhà thơ đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi nhiều người lính trở về sau khi kết thúc những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy ý nghĩa. Bài thơ là một lời nhắc nhở của tác giả với người đọc về đạo lí sống “Uống nước nhớ nguồn”, về lẽ sống thủy chung tình nghĩa.
2.Cảm nhận đoạn thơ
2.1. Nhắc lại nội dung ở hai khổ thơ đầu
Ở hai khổ thơ đầu, bằng biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh, nhân hóa và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong quá khứ. Trong quá khứ, trăng ko chỉ là thiên nhiên hồn hậu,trữ tình mà còn là người bạn của tuổi thơ, là tri kỉ của người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Vầng trăng ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của nhân vật trữ tình mà chính anh cũng nghĩ rằng không bao giờ quên được.
2.2. Khổ 3: Người lính đã quên đi tất cả.
– Ấy thế mà khi cuộc chiến vừa kết thúc, áo chưa hết mùi khói đạn thậm chí vết thương cũng chưa lành thì những người lính năm xưa đã vội quên đi tất cả:
”Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
+ Câu thơ đột ngột quay trở về thực tại, dứt khỏi khoảng không kí ức của nhân vật trữ tình. Ở cái thực tại không xa ấy, nhân vật trữ tình bắt đầu quen với những thuận lợi vật chất, những “ánh điện cửa gương” bóng loáng nhân tạo.
+ Hình ảnh ẩn dụ đối lập giữa “vầng trăng tình nghĩa” mộc mạc, hiền hòa với “ánh điện cửa gương” tuy có sáng hơn ánh trăng thật, nhưng thứ ánh sáng nhân tạo đó không thể nào bằng được cái ánh sáng nghĩa tình mà trăng đem lại.
+ Biện pháp liệt kê “ánh điện, cửa gương” như cũng đồng thời liệt kê ra cái tiện nghi đủ đầy vật chất xuất hiện trong đời sống người lính, bên cạnh những bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày. Và mới thật bạc bẽo làm sao, cái đủ đầy vật chất, cái ngổn ngang bận bịu của sự đời đã lấn át đi nhu cầu đủ đầy về mặt tinh thần, về tình cảm son sắt từng một thời được coi như máu thịt của người lính.
+ Vầng trăng bây giờ đối với anh lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó. Cái bóng của sự xa hoa đã che lấp đi “vầng trăng tình nghĩa”, vòng xoay của thời gian đã thay đổi cả bản chất, tâm hồn con người. Để rồi giờ đây, khi mà anh lính năm xưa bị che mắt bởi những phồn vinh thành thị, người đã không thể thấy được sự hiện diện của trăng, dù trăng vẫn đều đặn “đi qua ngõ”. Trăng vẫn tồn tại, vẫn thủy chung, tròn đầy, sáng vằng vặc, không thay đổi nhưng thật đau xót làm sao, lòng người đã lại đổi thay_ không còn đủ sáng để hòa nhịp tâm hồn cùng trăng, không còn đủ yêu thương để gắn bó với những ân tình quá khứ.
+ Đối với người lính lúc này, trăng chẳng khác gì “người dưng qua đường”, hờ hững, lạnh nhạt, không đáng để bận tâm. Trăng được nhân hóa, đi qua ngõ mà như người dưng. Một hình ảnh đối lập tinh tế mang nặng màu chua xót: “vầng trăng thành tri kỉ” – “như người dưng qua đường”. Một sự đổi thay quá là phù phàng của con người. Tình cảm là thứ dễ bị chia lìa đến thế sao, lòng người dễ dàng phôi pha chỉ bởi những phù phiếm vật chất đến thế sao?
+ Thông qua khổ thơ này, Nguyễn Du muốn khẳng định một hiện thực xã hội có tính chất quy luật: Khi người ta được sống trong đủ đầy thì người ta thương quên đi những năm tháng quá khứ khó khăn gian khổ.
2.3. Khổ 4: Tình huống bất ngờ xảy ra đưa nhân vật trữ tình trở về với quá khứ
Thế rồi một tình huống bất ngờ xảy ra đã đưa nhân vật trở vê với quá khứ. Đó là tình huống thành phố đột ngột mất điện:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
+ Mất điện. Cả căn phòng “tối om”. Không còn chút ánh sáng nào cạnh bên, nhân vật trữ tình bèn theo phản xạ tự nhiên mà “bật tung cửa sổ”, và cái mà người lính nhìn thấy, cảm nhận thấy đầu tiên không phải là ngọn gió mát rượi hay ngọn đèn đường rọi vào phòng mà là vầng trăng_ vầng trăng tròn như những nghĩa tình thủy chung không phai nhòa theo thời gian_ xuất hiện một cách “đột ngột”.
+ Các từ ngữ “thình lình, vội, bật tung, đột ngột” gợi tả cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ của con người. Ánh trăng tròn hiện lên sừng sững giữa bầu trời đen đặc kia đâu phải chỉ lúc “đèn điện tắt” mới có? Trăng vẫn luôn ở đó, vẫn luôn mang tấm lòng trọn vẹn thủy chung với người, nhưng chính sự vô tâm lạnh lùng đã ngăn cản nhân vật trữ tình để ý đến trăng, nhìn thấy trăng.
+ “Bật tung cửa sổ” là một hình ảnh gợi nhiều liên tưởng trong lòng bạn đọc.Cái cửa sổ ấy có lẽ không chỉ đơn thuần là cửa sổ bình thường, mà là cái cửa sổ của lạnh nhạt che khuất tâm hồn người lính, là rào cản đưa lòng người rời xa tình cảm quá khứ, là bức tường vốn đang từng ngày đưa tâm hồn con người vào bóng tối của sự hững hờ, bạc bẽo, tách dần khỏi ánh sáng nghĩa tình của vầng trăng yêu thương. Đến khi người lính vội vàng “bật tung cửa sổ”, không còn gì ngăn cách, không còn một ranh giới rào cản nào nữa, người chiến sĩ xưa mới nhận ra trăng, một cách thình lình và đột ngột, như không hề ngờ tới, không hề nghĩ tới.
+ Trăng vẫn tròn như những nghĩa tình vẫn đầy ắp không sứt mẻ, vẫn hiện diện bên cạnh nhân vật trữ tình như thuở ấu thơ, như thời chiến đấu; nhưng người đã không còn nhớ gì cả để rồi khi gặp mặt, người lính cảm thấy ngỡ ngàng tột độ.
2.4.Khổ 5- Cảm xúc khi gặp lại vầng trăng
Và khi người lính gặp lại vầng trăng năm xưa thì mọi quá khứ lại ùa về như một thước phim quay chậm:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
+ Vần thơ có cái gì đó khiến lòng người cảm động. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ “bật tung” ra, trào dâng đến nỗi như “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
+ Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng_ biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.
+ Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính.
+ Với chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc. Đọc bốn câu thơ, ta thấy thương thay cho trăng và tiếc thay cho người chiến sĩ.
3,Đánh giá:
Như vậy, bằng biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp ngữ và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, ba khổ thơ trên đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong hiện tại. Khi cuộc sống đủ đầy, người lính đã quên đi tất cả kể cả vầng trăng mà anh đã từng nghĩ rằng mình sẽ không thể nào quên được. Đọc những lời thơ ấy, người đọc nhận ra ở nhà thơ Nguyễn Duy là một nỗi niềm trăn trở, là cảm xúc khó tả nghẹn ngào, là sự trân trọng đặc biệt dành cho những năm tháng quá khứ gian lao mà có những lúc chính nhà thơ cũng đã từng quên đi.
III/ Kết bài
Có thể nói rằng “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một bài thơ độc đáo. Bài thơ ấy và nhất là đoạn thơ trên đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà thơ, càng thêm yêu mến, trân trọng những năm tháng tuổi thơ của mình, trân trọng gia đình và quê hương đất nước. Từ sự đa nghĩa của hình ảnh vaanfd trăng trong bài thơ, Nguyễn Duy đã đem đến cho ngườ đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về tình yêu thien nhiên, về đạo lí sống uống nước nhớ nguồn, về lẽ sống thủy chung tình nghĩa. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.
🔻 Xem thêm: