“Thơ là thu của đất trời, thu là thơ của lòng người”. Mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân muôn đời. Đó là một mùa thu vàng rực rỡ, tràn trề sức sống trong Mùa thu vàng của danh hoạ Lêvitan, là bức tranh thu nơi đồng bằng Bắc Bộ hiu hắt trong thơ Nguyễn Khuyến (chùm ba bài thơ thu), là những bước chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam vào những ngày thu trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi, là cái thu lạnh lẽo, “rét mướt” trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu… Cũng góp một gam màu dệt nên bức tranh thu tuyệt sắc ấy, Hữu Thỉnh mang đến cho ta một Sang thu mới mẻ, nhẹ nhàng mà sâu lắng, khai thác được những cung bậc tế vi của thời khắc giao mùa sang thu :
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dùng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám máy mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Từ nhan đề của bài thơ, tác giả đã xác định cho người đọc một tâm thế để cảm nhận : thời điểm giao mùa “sang thu”. Đó không phải là những ngày chính thu, khi trời cao xanh ngắt những tầng mây lơ lửng, không phải là cuối thu khi chớm lạnh, “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” (Xuân Diệu – Đây mùa thu tới). Sang thu là mới chớm thu, khi những dấu hiệu báo mùa về mới chỉ ở trạng thái “chớm”, nhẹ nhàng.
Bài thơ ngắn, thể thơ bốn chữ với nhịp thơ nhanh, ngôn ngữ thơ dung dị càng tô đậm hơn cảm xúc của nhà thơ được kí thác trong từng câu chữ. Dường như đó là những cung bậc cảm xúc tự lên tiếng, tự tìm cho nó cách thể hiện tốt nhất.
Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu là hương ổi :
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se…
Không đi theo lối mòn của những công thức ước lệ quen thuộc trong thơ ca trung đại là mùa thu gắn với lá ngô đồng (Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ tận tri thu); hay với rừng phong (Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san), Hữu Thỉnh nắm bắt khoảnh khắc giao mùa ở một tín hiệu mới mẻ : hương ổi. Nó gần gũi lắm với làng quê Việt Nam. Sau khi chắt nắng từ những ngày hè nóng cháy, những ngày thu sang, ổi bắt đầu chín và toả hương. Khắp đường làng, ngõ xóm tràn ngập hương ổi thom. Ở đây, Hữu Thỉnh để người đọc tự cảm nhận mà không hề đưa ra một định ngữ đi kèm để định tính cho nó. Nhưng dường như chính điều đó lại làm cho cảnh sắc có chiều sâu và bức tranh giao mùa hiện lên mênh mang hơn.
Từ “bỗng” đầu câu thơ như đặt cả một sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Có cảm tướng như thi nhân đã vô tình với thiên nhiên, để rồi hương ổi nhẹ nhàng lan toả trong gió đã lên tiếng gọi, thức động tâm hồn nghệ sĩ đón nhận và rung cảm trước bước đi của mùa. Từ “phả” được sử dụng thật đắc địa. Hương ổi được nhân hoá, biết tự mình mang hương sắc hoà nhập vào thiên nhiên, đánh dấu bản ngã của mình, “Phả vào trong gió se” hương thơm nồng nàn, để báo hiệu một mùa mới đã sang. Gió ở đây cũng thật độc đáo : gió se. Không phải là gió lạnh. “Gió se gợi một cảm giác hơn là một động thái” (Chu Văn Sơn). Nó nằm trong trường những từ ngữ chỉ cảm giác của cả bài thơ, mang đến âm hưởng sâu lắng.
Từ khứu giác, cảm giác của nhà thơ nhanh chóng chuyển sang thị giác để ngắm nhìn những làn sương mỏng manh “chùng chình qua ngõ”. Chỉ một từ “chùng chình” đủ để làm cho hình ảnh sương trở nên sinh động, có hồn. Nó cho ta cảm nhận được cả không gian tràn ngập sương mờ ẩm ướt của buổi giao mùa thu sang. Làn sương mỏng manh, như còn lưu luyến, vương vấn gì hay đang muốn nhắc nhớ mọi người thời điểm giao mùa đã tới.
Dường như những sự vật đó đã gọi mùa về, để rồi nhà thơ phải thốt lên :
Hình như thu đã về.
Một cảm giác mơ hồ trong hai chữ “hình như”, một sự gượng nhẹ, sợ điều gì đó mỏng manh sẽ vỡ oà. Lắng lại sau giây phút ngỡ ngàng, nhà thơ tiếp tục khám phá những biểu hiện của mùa thu :
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Từ những đặc trưng riêng của mùa thu, nghiêng về cảm giác, đến đây đã chuyển sang những đổi thay của thiên nhiên dưới tác động của ngày mùa sang. Dòng sông, cánh chim hay đám mây không tô điểm cho cảnh thu bởi những gam màu đặc trưng mà đánh dấu ngày thu đang đến qua những “đặc trưng thu” của mình. Không còn những ngày hè mưa đổ, sông đục ngầu, cuộn sóng dữ dội mà đã “dềnh dàng”, bình lặng, trôi êm đềm theo làn gió mùa thu trong lành, hiu hắt, nhẹ nhàng. Trái ngược với sự bình thản của dòng sông là sự “vội vã” của bầy chim. Mùa thu sang báo hiệu những ngày đông giá sắp sửa, chúng phải nhanh chóng di trú về phương nam tránh rét. Trong cái “vội vã” của bầy chim như chứa chở cả cái nắng nóng của mùa hè phương Bắc vào miền ấm áp. “Đám mây mùa hạ” kia như cũng hoà cùng sự đổi thay của đất trời để “Vắt nửa mình sang thu”. Biện pháp nhân hoá độc đáo mang đến cho người đọc những dự cảm lí thú. Một sự liên tưởng mới mẻ của một trí tưởng tượng độc đáo : đám mây như chiếc cầu nối hai mùa, còn dang dở mùa hạ và bắt đầu chuyển mình sang thu. Hành động “Vắt nửa mình sang thu” của đám mây có giống tâm trạng “chùng chình” của làn sương, có khác hành động “vội vã” của bầy chim hay sự “dềnh dàng” của dòng sông ? Tất cả chúng dường như đều có điểm chung là trạng thái giao mùa. Thế mới biết nhà thơ phải có tài quan sát và tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước tha thiết mới có thể cảm nhận được những biến chuyển tế vi trong từng sự vật như vậy. Nhà thơ thấu cảm sự vật, miêu tả chính xác trạng thái và thổi hồn vào tạo vật, mang đến cho chúng những cảm giác rất người.
Những biểu hiện của mùa thu tiếp tục được khắc hoạ rõ ràng hơn ở khổ thơ cuối:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Thu đến, vạn vật vẫn còn những đặc trưng của mùa hạ nhưng mức độ đã giảm dần .“Vẫn còn bao nhiêu nắng” – cái nắng nhẹ nhàng, dịu dàng của mùa thu. Câu thơ giản dị như lời nói thường dung dị, tự nhiên, như bước chuyển mùa âm thầm, lặng lẽ… Những cơn mưa bất chợt đã “vơi dần” theo ngày hạ đang trôi qua. Hàng cây đã quá quen với mưa dông, bão nổi, được nhà thơ gọi một cách hình ảnh là “hàng cây đứng tuổi”. Đến đày, người đọc như có những cảm nhận mới về câu thơ. Không chỉ còn là tả thực về thiên nhiên, tạo vật mà còn bao hàm ý nghĩa nhân sinh sâu xa. Nắng, mưa, sấm, chớp… hay là những sóng gió của cuộc đời và “hàng cây đứng tuổi” hay là con người từng trải qua bao biến động, ba đào, không còn “bất ngờ” trước những vang động của đời ? Chính nguồn mạch liên tưởng ấy mang lại cho thiên nhiên vẻ đẹp sâu lắng của cõi nhân sinh.
Điểm đặc sắc của Sang thu là sự nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những cảm nhận độc đáo của tâm hồn thi sĩ về thiên nhiên đan cài với những triết lí sâu sắc về cuộc đời đã mang đến cho bài thơ một sức lôi cuốn mạnh mẽ và sức sống bển lâu trong lòng độc giả.
Discussion about this post