I/ Mở bài
Tú Xương là nhà thơ độc đáo của nền văn học trung đại cuối thế kỉ XIX. Tuy cuộc đời ngắn ngủi, nhiều gian truân nhưng ông đã để lại một sự nghiệp thơ ca bất tử. Sáng tác của ông có hai mảng lớn song hành với nhau : trào phúng và trữ tình. Ở mảng thơ trữ tình, ông có hẳn một đề tài viết về người vợ của mình với tấm lòng yêu thương, trân trọng, biết ơn, trong đó có bài thơ “Thương vợ”. Đây là bài thơ hay và cảm động nhất viết về vợ của ông Tú:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững có như không.
II/ Thân bài
1/ Khái quát
Có thể xem “Thương vợ” là lời tri ân sâu sắc của ông Tú dành gửi tới vợ. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục bốn phần: đề, thực, luận, kết. Bài thơ vẽ nên bức chân dung bà Tú chịu thương chịu khó, tần tảo, đảm đang, thương chồng thương con và giàu đức hi sinh; đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương trân trọng vợ và nhân cách cao cả của ông Tú.
2/ Phân tích
a/ Hai câu đề
Ngay đầu bài thơ, hình ảnh bà Tú đã hiện ra :
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Câu đầu nói về thời gian và không gian làm việc của bà Tú. Bà phải làm việc vất vả “quanh năm”, suốt bốn mùa không ngơi nghỉ, cứ hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác, không kể nắng mưa. Bà làm việc vất vả quanh năm suốt tháng như thế ở “mom sông”, nơi có mỏm đất nhô ra ven bờ sông chênh vênh, nguy hiểm. Bà phải cật lực buôn bán ở một nơi nguy hiểm như thế để đảm bảo kinh tế gia đình, “nuôi đủ” chồng và con. Câu hai cho thấy gánh nặng gia đình trên vai bà Tú. Đặc biệt, cách nói về gánh nặng gia đình mà bà Tú phải đảm nhiệm thật độc đáo : “năm con với một chồng”. Dường như, ông Tú đang tự đặt mình lên bàn cân và thấy một mình ông “nặng” bằng năm đứa con. Bà Tú phải nuôi ông bằng nuôi thêm năm đứa con nữa. Cách nói ấy gợi ra nụ cười mỉa mai chính mình của ông Tú: hóa ra, mình cũng chỉ là một thứ con cần phải nuôi. Nhận ra mình là một gánh nặng trên đôi vai gầy của vợ cho thấy ông Tú hết sức biết ơn người vợ tần tảo của mình. Hai câu thơ đầu, bằng việc khắc họa thời gian, không gian làm việc của bà Tú và cách đếm con đếm chồng tếu táo của ông Tú, tác giả đã vẽ ra bức chân dung bà Tú tần tảo, đảm đang, chịu thương chịu khó và cho thấy tấm lòng tri ân vợ của nhà thơ.
b/ Hai câu thực
Hai câu tiếp theo tiếp tục khắc họa hình ảnh bà Tú :
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Hai câu thơ có cấu tạo đặc biệt: đảo vị ngữ lên đầu câu, nhấn mạnh hai từ láy gợi hình. Bà Tú phải “lặn lội” sớm hôm, chạy vạy ngược xuôi “khi quãng vắng”. Công việc khiến bà Tú phải thức dậy đi làm từ khi mọi người vẫn đang còn ngủ và trở về nhà khi mọi người đều đã sum họp bên gia đình, khi bên ngoài đường đều là những “quãng vắng” có phần nguy hiểm với một người phụ nữ. Câu thơ đầu sử dụng hình ảnh ẩn dụ quen thuộc của ca dao Việt Nam là “con cò”. Trong ca dao, hình ảnh con cò thường tượng trưng cho người lao động, đặc biệt là người phụ nữ lam lũ, nghèo khổ, bất hạnh. Cách sáng tạo hình ảnh “con cò” thành “thân cò” để chỉ bà Tú vừa cho thấy sự lam lũ, vất vả, cực nhọc đến tội nghiệp, đáng thương của bà Tú, vừa cho thấy tình thương mà ông Tú dành cho bà. Chẳng những phải vất vả thức khuya dậy sớm mà bà Tú còn phải chịu những khó khăn chồng chất trong công việc buôn bán. Khi chợ đã đông, đã lắm kẻ bán người mua, bà không tránh khỏi phải chịu những điều tiếng kêu ca, phàn nàn “eo sèo” của khách hàng. Cả hai câu thơ, với việc sử dụng phép đối, phép đảo và những từ láy gợi hình cùng với hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, nhà thơ đã khắc họa những vất vả, khổ cực của bà Tú, từ đó gợi ra hình ảnh một người vợ lam lũ, chịu thương chịu khó vì chồng con. Qua đó cũng cho thấy sự thấu hiểu, tình yêu thương của ông Tú với người vợ tảo tần.
c/ Hai câu luận
Hai câu luận vẫn là hình ảnh bà Tú :
“Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công”.
Hai câu thơ mà có đến hai thành ngữ để nói về bà Tú. “Một duyên hai nợ” là thành ngữ cho thấy nỗi vất vả của bà: chỉ có một cái “duyên” may mắn với ông Tú mà bà lại chịu đến “hai nợ”, hai gánh nặng là chồng và con. Nhưng bà không hề kêu ca, phàn nàn, không than trời kêu đất mà vui vẻ chấp nhận như đó là số phận của mình, “âu đành phận”. Nỗi vất vả và đức hi sinh của bà Tú không chỉ có thế. Dù phải “năm nắng mười mưa”, đi trưa về tối thì bà vẫn “dám quản công”, bà không kể công lao, không quản ngại gian khó. Bà chịu đựng hi sinh tất cả để lo cho gia đình, bà không nghĩ gì cho riêng bản thân mình. Hai câu luận này, bằng phép đối và vận dụng sáng tạo thành ngữ, nhà thơ đã hoàn thành nốt bức chân dung về phẩm cách cao quý của bà Tú : lòng yêu thương chồng con và đức hi sinh cao cả. Ở hai câu thơ này, giọng thơ chùng xuống mang âm hưởng dằn vặt, vật vã, gợi ra một tiếng thở dài nặng nề, chua chát của một ông chồng cảm thấy mình vô dụng, phải để vợ một mình gồng gánh việc gia đình. Điều đó chứng tỏ tấm lòng yêu thương vợ rất mực của Tú Xương.
d/ Hai câu luận
Nếu như sáu câu đầu là bức chân dung bà Tú: tần tảo, lam lũ, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con và giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha được vẽ bằng tấm lòng yêu thương, trân trọng vợ hết mực của ông Tú thì đến hai câu cuối, ông đã mượn lời bà Tú để cất lên tiếng chửi :
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Câu trên, ông sử dụng khẩu ngữ “cha mẹ” để chửi “thói đời” làm bà Tú khổ. “Thói đời” ấy là cái “thói” phổ biến trong xã hội phong kiến cũ: chồng là nhà nho thì chỉ biết ăn, học, lều chõng thi cử, còn vợ lại một mình lo kinh tế gia đình, chèo chống giang sơn nhà chồng. Chửi thói đời đen bạc chưa hả, ông quay sang chửi chính mình là “chồng hờ hững”, là ông chồng vô tích sự, không làm gì được cho vợ đỡ khổ, lại còn “ăn bám” vợ. có lẽ tự giận mình quá nên ông Tú đã quá lời chửi mình là đồ “chồng hờ hững” chứ thực ra, một người phát hiện ra, biết trân trọng và hết lời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của vợ, còn tự nhận ra thiếu sót của mình mà tự lên án mình gay gắt như thế thì cũng không phải đến nỗi là “hờ hững”. Là một nhà Nho với tính tự trọng cao và đặc biệt là sống trong xã hội mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, vậy mà ông vẫn tỏ ra rất kính trọng người vợ của mình, chẳng những thế còn tự nhận khuyết điểm của mình một cách chân thành, tự chửi mình chứng tỏ ông Tú là con người có nhân cách đáng trọng. hai câu thơ cuối bài với ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, vận dụng khẩu ngữ đời thường, tác giả bộc lộ sự xót xa vì cảnh làm chồng mà để vợ phải nuôi, trở thành gánh nặng cho vợ; đồng thời cũng thể hiện nhân cách cao đẹp của ông Tú.
3/ Đánh giá
Trong văn học trung đại Việt Nam, không thiếu những bài thơ viết về vợ nhưng chỉ mỗi Tú Xương nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn của người vợ ngay trong cuộc sống đời thường và viết về bà ngay khi bà còn sống. có thể nói rằng, tuy có vất vả, cực khổ nhưng được chồng trân trọng, yêu thương, ngợi ca như thế thì bà Tú cũng mát lòng mát dạ mà hãnh diện với cuộc đời. Cả bài thơ, với việc vận dụng sáng tạo ngôn ngữ và thi liệu văn hóa dân gian cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào phúng và trữ tình, Tú Xương đã gửi đến người đọc một cách nhìn tiến bộ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ.
III/ Kết bài
“Thương vợ” là bài thơ viết về vợ hay và cảm động nhất của Tú Xương. Bài thơ đã vẽ nên bức chân dung bà Tú mang những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam : tần tảo, đảm đang, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con và giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha. Qua đó cũng cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng vợ rất mực và nhân cách cao cả của Tú Xương. Đọc xong bài thơ, không ai lại không cảm mến bà Tú và cảm động trước tình cảm chân thành mà ông Tú dành cho vợ. Và chắc rằng, bà vợ nào cũng sẵn sàng chịu đựng vất vả khó nhọc mà vẫn luôn vui vẻ nếu có được ông chồng biết yêu thương, trân trọng vợ như ông Tú. Cách nhìn về thân phận người phụ nữ khiến người đọc nhìn lại, ngẫm về người vợ, người mẹ của mình và thấy yêu thương, trân trọng, biết ơn họ
Discussion about this post