1. Mở bài:
– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
– Giới thiệu nội dung khổ thơ
2. Thân bài
Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước:
– Nhà thơ khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
+ Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc; gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước
in trời, con
+ Hình ảnh “người cầm súng” “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước tưng bừng, nhộn nhịp
với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc.
+ Hình ảnh “người cầm súng”: phản ánh hiện thực gian khổ của chiến tranh [chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây – Nam]. Lộc trên lưng là hình ảnh cành lá ngụy trang vừa là mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước.
+ Hình ảnh “người ra đồng”: không khí lao động ở hậu phương. “Lộc trải dài nương mạ”: mang đến những cánh đồng xanh anh tươi, những vụ mùa no ấm, mang lại sự sống.
+ Điệp từ “tất cả” + lặp cấu trúc ngữ pháp + các từ láy “hối hả” “xôn xao” diễn tả nhịp sống sôi động, tưng bừng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.
3. Kết bài:
Tổng kết chung về nội dung và nghệ thuật.
Bài văn tham khảo
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa mang lại sự sống và khát vọng sống mãnh liệt. Đây là mùa mà biết bao thi sĩ không thể kiềm lòng trước vẻ đẹp của thiên nhiên và phóng bút làm thơ. Trong nền văn học Việt Nam có biết bao nhiêu bài thơ về mùa xuân, nhưng có lẽ bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc nhất. Đặc biệt là khổ thơ thứ 2 của bài thơ dạt dào cảm xúc, dạt dào sức sống thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, khát vọng của tác giả trong đó.
Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê ở Thừa Thiên – Huế. Ông là người có công rất lớn trong ngọn lửa thi ca cách mạng miền nam những năm dài kháng chiến và những năm đen tối đau khổ của nhân dân dưới ách thống trị tàn bảo của anh em Ngô Đình Diệm. Thơ của Thanh Hải giàu cảm xúc, nhịp điệu, như lời bài hát, lắng đọng và chân tình. Bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ được ông viết khi đang nằm trên giường bệnh và chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, một tháng sau ông qua đời. Bài thơ như khát vọng sống mãnh liệt và nói về sự chuyển mình của đất nước đón mùa xuân độc lập đầu tiên.
Trong khổ 2 bài thơ, lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, tuy ngắn mà sâu sắc, nhiều hàm nghĩa. Mùa xuân khổ 2 bài thơ là mùa xuân của người lính, người lao động:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Hình ảnh người cầm súng là hình ảnh của những anh bộ đội cụ hồ, hình ảnh chiến đấu và bảo vệ tổ quốc. Đây là giai đoạn đất nước vừa hòa bình lập lại, đây là mùa xuân đầu tiên khi đất nước độc lập nên nó vô cùng ý nghĩa. Những người lính bên cạnh việc giữ vững tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc họ vẫn không quên mang trên mình hình ảnh mùa xuân, hình ảnh lộc giắt đầy trên áo.
Câu thơ cho thấy sự trân trọng của tác giả dành cho những người lính. Họ mang hòa bình cho đất nước và chính họ cũng mang lại mùa xuân cho đất nước. Tác giả cũng ngợi ca đất nước trong thời kì lịch sử, trải qua biết bao đau thương nhưng vẫn hướng về phía trước, trỗi dậy mạnh mẽ.
Hai câu thơ trên làm chúng ta nhớ đến câu thơ của nhà thơ Đường Xuân Quý trong bài thơ “Mùa xuân và người lính”:
Em ơi em mùa xuân đâu chỉ là pháo đỏ
Là rượu nồng áo mới với hội hoa
Mà mùa xuân còn mang theo trong đó
Sự hy sinh âm thầm của người lính phương xa.
Nó có sự đồng cảm với mùa xuân của Thanh Hải. Mùa xuân là “lộc giắt đầy trên lưng” là lộc non, mới mẻ vươn mình. Nhưng ẩn sâu trong đó chính là sự hi sinh âm thầm của người lính. Họ chính là mùa xuân. Không có họ chúng ta sẽ không có được mùa xuân của ngày hôm nay. Sự hi sinh của họ đã mang đến cho đất nước một mùa xuân độc lập.
Trong cuộc kháng chiến trường kì của tổ quốc, ngoài hình ảnh người lính còn có hình ảnh của những người “lính hậu phương”. Họ chính là những con người hậu phương ,sản xuất, lao động để cung cấp lương thực, lúa gạo ra chiến trường. Không có họ thì cũng sẽ không có được mùa xuân trọn vẹn.
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương lúa.
Cả người lính và người lao động đều là hai lực lượng chủ đạo của đất nước lúc bấy giờ. Họ đều là những người làm nên lịch sử và là con người mới trong thời kì chủ nghĩa xã hội.
Mùa xuân đến rồi, những khó khăn gian khổ lùi lại phía sau. Mùa xuân hình ảnh những người lao động ra đồng làm việc hăng say đầy sức sống, lại hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Tác giả nhìn thấy thấy lộc xuân trải dài khắp nương lúa, ruộng đồng. Mùa xuân đã len lỏi trong từng ngóc ngách của cuộc sống.
Mùa xuân của Thanh Hải là mùa xuân tươi đẹp, mùa xuân độc lập và không quên cảm ơn những con người đã mang đến mùa xuân cho tổ quốc. Họ là những người lính và những người lao động. Họ đều đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và kháng chiến. Chính họ đã làm lên mùa xuân tươi đẹp cho đất nước. Hình ảnh của họ là hình ảnh của mùa xuân, của lộc non, của sự sống.
Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhẹ nhàng, súc tích giàu tình cảm, Thanh Hải đã gợi lên một mùa xuân đầy sự sống với hình ảnh còn người trong đó. Không cần thiên nhiên, hoa lá cành, khổ thơ thứ 2 nói về những con người thầm lặng đã mang mùa xuân cho đất nước thật tự hào. Qua đây cũng thấy được sự tự hào, niềm cảm ơn sâu sắc của nhà thơ đến những người lính âm thầm hi sinh cho đất nước và những con người lao động đang góp phần xây dựng đất nước để đón thêm những mùa xuân tươi đẹp, độc lập.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận khổ 1, 2 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Cảm nhận khổ 5,6 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Cảm nhận 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
- Phân tích khổ 4,5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Cảm nhận khổ 1, 4 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ thơ đầu tiên bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Cảm nhận khổ đầu bài “Sang thu” và “Mùa xuân nho nhỏ”
- Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Discussion about this post