I/ Mở bài
– Nguyễn Quang Sáng là nhà văn của những số phận người dân Nam Bộ.
– Tác phẩm Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất ác liệt.
– Tác phẩm là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh của chiến tranh. Trước hết, đó là câu truyện về một người cha – người chiến sĩ cách mạng dũng cảm và cũng là người cha rất yêu thương con.
II/ Thân bài
1) Ông Sáu là người chiến sĩ cách mạng dũng cảm
– Ông Sáu đi kháng chiến chống Pháp 7-8 năm chưa một lần về thăm nhà mặc dù nhớ nhà, nhớ vợ con khôn xiết. Người chiến sĩ ấy đã luôn đặt nhiệm vụ đối với Tổ quốc, với kháng chiến lên trên tình cảm riêng tư.
– Trong một trận càn của giặc, ông Sáu đã bị thương, vết sẹo làm khuôn mặt không giống như trước.
– Sau đợt nghỉ phép, ông Sáu cùng đồng đội trở lại chiến trường miền Đông tiếp tục chiến đấu.
– Một ngày cuối năm năm mươi tám, trong một trận càn lớn của quân Mĩ- ngụy ông Sáu đã bị thương nặng và hi sinh.
Như vậy, ông Sáu là người chiến sĩ có lòng yêu nước, dũng cảm, luôn biết hi sinh vì độc lập dân tộc. Đó cũng là vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng, của con người Việt Nam trong những năm chiến tranh đau thương mà anh dũng.\
2) Ông Sáu là người cha rất yêu thương con
a/ Tình huống thứ nhất : Ông Sáu đi kháng chiến chống Pháp sau 7-8 năm được về nhà thăm nhưng bé Thu lại không nhận ba.
– Nỗi khao khát gặp con của ông Sáu:
+ Hai cha con không hề biết mặt nhau, chỉ biết qua tấm ảnh cách đó bảy năm. Vì vậy, ông Sáu hồi hộp và mong chờ được gặp con bằng tất cả tình cảm yêu thương mà ông đã dồn nén trong xa cách.
+ Bằng linh cảm của người cham, ông đã nhận ra con – đứa bé độ tám tuổi đang chơi dưới bóng cây xoài trước nhà, ông chạy ngay đến chỗ con. Nhưng bất ngờ. Nhưng bất ngờ Thu hoảng sợ bỏ chạy, không chịu nhìn nhận cha mình. Lúc đ, “ Anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”. Ông Sáu hụt hẫng, đau đớn khi đứa con không nhận ra mình.
– Nỗi khổ và niềm vui trong ba ngày về thăm nhà:
+ Ông Sáu tranh thủ ba ngày phép ngắn ngủi để chăm chút, bù đắp cho con cả vật chất lẫn tinh thần “ suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”. Ông tìm mọi cách để gần gũi để trò chuyện với con nhưng dù phải mới ba ăn cơm hay nhờ chắt nước nồi cơm. Thu đều lảng tránh không gọi một tiếng “ ba”. Vui vì gặp lại gia đình, vợ con, nhưng ông Sáu đau khổ lắm, những lúc con lảng tránh, ông chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”, cười “ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được”.
+ Bị con đối xử lạnh nhạt, ông vẫn cố gắng kiên trì chờ đợi, mong con nhận ra và gọi tiếng “ Ba” âu yếm. Bé Thu đã từ chối sự quan tâm của ông Sáu, bé “hắt đổ miếng trứng cá khỏi chén cơm” khiến ông sáu nổi nóng đánh con để rồi sau này dằn vặt, ân hận mãi. Tình tiết này cho thấy sự tức giận, thất vọng của ông Sáu khi không làm thế nào để con nhận ba và cũng thể hiện niềm khát khao của người cha muốn được cảm nhận tình cảm của con.
– Giây phút cảm động khi bé Thu nhận cha: Trước khi chia tay gia đình để vào chiến trường, ông Sáu đã rất buồn vì đứa con không chịu nhận mặt cha, nỗi ân hận vì trót nóng nảy đánh con khiến đứa trẻ càng xa cách. Nhìn thấy con đứng trong góc nhà, ông “ muốn ôm con, hôn con”, nhưng “ lại sợ nó giãy lên lại bỏ chạy” nên ông Sáu chỉ đứng nhìn, đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, khe khẽ nói…
– Bất ngờ bé Thu cất tiếng gọi: “ Ba…a…a…ba!”, tiếng kêu như xé ruột vừa yêu thương, kính trọng xen lẫn hối hận ( bé Thu đã biết “ ba nó đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương”), rồi nó chạy thót lại, ôm lấy ba, “ hôn ba cùng khắp”, “ hôn cả vết thẹo dài trên má”, nó dang cả hai tay xiết chặt lấy cổ, dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó để níu giữ. Ông Sáu đã xúc động đến khóc, và “ không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc của con”. Hai cha con nhận ra nhau thật hạnh phúc, sung sướng nhưng cũng thật đớn đau bởi giây phút đó thật ngắn ngủi. Tình cảm cha con thiêng liêng cao đẹp nhưng đặt trong một hoàn cảnh thật éo le của cuộc chiến tranh với những chia li, xa cách.
b/ Tình huống thứ 2: ông Sáu làm cây lược tặng con nhưng chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh. Tình huống này đã bộc lộ tình yêu con sâu nặng của người cha.
– Ở chiến khu, nỗi day dứt, ân hận ám ảnh ông luôn suốt nhiều ngày sau khi chia tay với gia đình là việc ông đã đánh con khi nóng giận.
– Lời dặn của đứa con “ Ba về! Ba mua cho con một cây Lược nghe Ba!”, đã thúc đẩy ông nghĩa đến việc làm một chiếc lược ngà dành cho con. Khi tìm được khúc ngà ông vô cùng vui mừng, sung sướng, rồi đánh hết tâm trí, công sức vào việc vào việc làm cây lược: “ những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược , thận trọng, ti mỉ và cố công như người thợ bạc”.
– Ông làm cây lược bằng tất cả tình yêu thương con, trên sống có khắc một hành chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn, khắc từng nét: “ Yêu nhớ tặng Thu con của Ba”. Những đêm nhớ con, ông lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Mỗi lần chải tóc như vậy là mỗi lầm ông Sáu gửi gắm yêu thương vào chiếc lược nhỏ xinh. Chiếc lược ngà đã trở thành một vật quý giá, thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách.
– Nhưng trong một trận chiến đấu, ông đã bị thương nặng. Trước lúc hi sinh, không thể trăng trổi được điều gì, ông có trao cây lược cho người đồng đội và chỉ đến khi tin rằng chiếc lược đó sẽ đến tận tay bé Thu ông mới nhắm mắt. Qua ánh mắt nhìn đồng đội lúc lâm chung, bác Ba hiểu không chỉ mang cây lược về cho Thu mà còn trao lại một tình cha con thiêng liêng cao đẹp. Một tình cha con không bao giờ chết!
– Sau nhiều lần tìm Thu không gặp, tình cờ bác Ba gặp Thu, bấy giờ là môt cô giao liên trên một tuyến đường bí mật. Bác trao cho Thu cây lược ngà mà người cha yêu quý nhất đã tự tay mình làm và gửi tặng con gái “ Cây lược như đánh thức kỉ niệm ngày chia tay…”
Như vậy, cả cuộc đời người cha đã dành cho con một tình cảm yêu thương sâu nặng.
III/ Kết bài
– Xây dựng nhân vật ông sáu, tác giả đã đặt nhân vật vào các tình huống éo le để khai thác những diễn biến tâm lí, tình cảm; ngôn ngữ lời thoại nhân vật có sự chọn lọc, chi tiết cụ thể giàu biểu cảm…
– Truyện đã ca ngợi ông sáu là người chiến sĩ cách mạng dũng cảm và là người cha có tình thương con sâu nặng và cao đẹp. Qua đó, tác giả khẳng định tình cảm cha con là thứ tình cảm nhân bản bền vững, có thể tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào; đồng thời cũng cho thấy những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống con người.
🔻 Xem thêm:
Thảo luận về bài viết này