Nhắc đến nhà văn Ăng- toan- đơ Xanh-tơ Ê-xu-be-ri (1900-1944) là nói đến nhà văn lớn nước Pháp, ông vốn là một phi công nên hầu hết các tác phẩm của ông đều lấy đề tài, cảm hứng từ những chuyến bay và cuộc sống của người phi công. Ngòi bút của nhà văn đậm chất trữ tình, trong trẻo và giàu cảm hứng lãng mạn. Tiểu thuyết “Hoàng tử bé” được ông sáng tác năm 1943, gồm 27 chương, tác phẩm được dịch ra hơn 250 ngôn ngữ, đã bán 200 triệu bản, trở thành cuốn sách bán chạy nhất hành tinh ở mọi thời đại. Nhân vật chính là hoàng tử bé, từ hành tinh của mình, cậu đã phiêu lưu nhiều hành tinh khác nhau, phát hiện nhiều điều thú vị, và nếm trải cả những thất vọng, đau khổ. Cuối cùng cậu quyết định quay trở lại hành tinh của mình với bông hồng duy nhất. Văn bản “Nếu cậu muốn có một người bạn” là chương XXI của cuốn tiểu thuyết kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hoàng tử bé và con cáo trên Trái Đất. Cuộc gặp gỡ đã mang lại cho cả hai món quà quý giá.
Đoạn trích kể về cuộc gặp gỡ giữa hoàng tử bé và cáo. Trước khi gặp cáo, hoàng tử bé đến từ tiểu tinh cầu B612. Cậu xuống Trái Đất để tìm con người, bạn bè“Mình đi tìm con người…Mình đi tìm bạn bè”. Nhưng khi vừa đặt chân xuống Trái Đất, hoàng tử bé đã phải đối diện với nỗi thất vọng, đau khổ khi nhận ra bông hồng của cậu không phải là duy nhất.
Trước hết, đọc văn bản, ta thấy nhân vật hoàng tử bé hiện lên vô cùng đáng yêu, cậu thân thiện, chân thành, và luôn hết sức cởi mở. Cậu đang trên hành trình tìm kiếm bạn bè. Khi đến Trái Đất, cậu đã thấy một vườn hoa hồng rực rỡ. Và nhận ra, ở hành tinh của mình, cậu chỉ có một bông hoa hồng rất bình thường. Điều đó khiến cậu buồn bã. Đang nằm khóc lóc, cậu nghe thấy một giọng nói cất lên: “Xin chào!”. Tuy không biết là ai nhưng cậu đã lịch sự đáp lại lời chào “Bạn là ai?”, “Bạn dễ thương quá!” Chính cách hoàng tử bé chào hỏi với cáo lịch sự, thân thiện, khác với loài người trên Trái Đất (họ vốn coi cáo là con vật xấu tính, ranh mãnh, gian xảo) đã đem lại một cuộc gặp gỡ một cuộc trò chuyện cởi mở, tình bạn giữa hai bên nảy nở đầy tin yêu. Cái nhìn của Hoàng tử bé ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng luôn tin cậy và hướng tới cái phần đẹp đẽ, tốt lành, không bị giới hạn bởi định kiến, hoài nghi như cách con người nhìn loài cáo. Văn bản đưa người đọc đến với cảm xúc trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên của cuộc trò truyện giữa hai nhân vật. Con cáo được nhân hóa, vừa mang đặc tính của vật, vừa mang đặc tính của con người. Con cáo biết trò truyện, một cuộc trò truyện với những lời đối thoại vô cùng sinh động. Bao ý nghĩa tốt đẹp về tình bạn được mở ra.
Hoàng tử bé còn nói với cáo rằng mình rất buồn chán, và mong cáo hãy đến chơi với mình. Nhưng cáo đã từ chối cậu vì “Mình chưa được cảm hóa”. Hoàng tử bé đã hỏi: “Cảm hóa là gì” và nhận được câu trả lời của cáo: “làm cho gần gũi hơn”. Nó lí giải rõ hơn cho hoàng tử bé hiểu rằng cậu chỉ là một trong số trăm nghìn cậu bé, con cáo cũng giống như vậy. Nhưng nếu được “cảm hóa” thì cả hai sẽ là duy nhất đối với nhau. Nhờ có lời giải thích đó, hoàng tử bé chợt nhận ra rằng cậu đối với bông hoa hồng của mình cũng như vậy.Trước lời đề nghị của cáo, cáo mong được hoàng tử bé cảm hóa mình, hoàng tử bé đồng ý cảm hóa cáo. Vì hoàng tử bé nhận ra ý nghĩa của tình bạn mà cáo giảng giải qua từ cảm hóa: là kết bạn, tạo dựng mối quan hệ gần gũi, gắn kết tình cảm, biết quan tâm gắn bó với nhau. Hoàng tử bé đã trân trọng, lắng nghe, không định kiến, hoài nghi.
Sau đó, chia tay cáo, hoàng tử bé trở lại vườn hồng. Khi gặp lại vườn hồng, thái độ của hoàng tử bé đã thay đổi. Từ đau khổ, thất vọng hoàng tử bé tự tin, vui vẻ nhận ra ý nghĩa của bông hoa hồng duy nhất của mình, ý nghĩa của sự vun đắp, tưới tắm…Hay nói cách khác ý nghĩa của tình bạn, tình yêu.
Khi chia tay con cáo, hoàng tử bé đã động viên cáo, lặp lại lời cáo: “ Điều cốt lõi vô hình trong mắt trần”, “ Chính thời gian mà mình bỏ ra cho bông hồng của mình…”, “Mình sẽ có trách nhiệm với bông hồng của mình” Hoàng tử bé hiểu được “bí mật” của tình bạn, tình yêu, vượt qua được nỗi hoang mang, đau khổ thất vọng, tìm được hạnh phúc, dành thời gian và trái tim cho ai đó. Hoàng tử bé hiểu biết về bản thân về cuộc sống, trách nhiệm với những gì mình gắn bó, yêu thương.
Còn với cáo, cuộc gặp gỡ với hoàng tử bé, được kết bạn với cậu ấy, cuộc sống của cáo đã có nhiều thay đổi. Trước khi gặp hoàng tử bé, cuộc sống của cáo cô đơn, buồn bã. Cáo đang bị săn đuổi, sợ hãi, trốn con người: “Cuộc sống của mình thật đơn điệu. Mình săn gà, con người săn mình’. Nhưng khi gặp hoàng tử bé, được trò chuyện chân thành, cởi mở, nhân vật cáo đã để lại những vẻ đẹp vô cùng đáng trân trọng. Lúc đầu, cáo không dám lại gần vì nhận ra mình chưa được cảm hóa. Cáo đã giải thích cho hoàng tử bé về cảm hóa. Với cáo, cảm hóa là chuyển hóa cái hoang dã và xa lạ, pha tạp, bất thiện thành cái gần gũi, tốt đẹp, trong sạch, thiện lành…và có thể chung sống thân thiện làm bạn. Cảm hóa còn là làm cho gần gũi hơn tức là kết nối tình cảm, dành thời gian hiểu nhau, kiên nhẫn làm thân với nhau. Khi chưa cảm hóa, hoàng tử bé và cáo là xa lạ, chẳng cần gì đến nhau, khi được cáo cảm hóa thì “tụi mình cần đến nhau”, và mỗi người sẽ “trở thành duy nhất trên đời” Qua đó cách giải thích đó, người đọc nhận ra nhân vật cáo khao khát được đón nhận, thấu hiểu; được sống với phần tốt lành , đẹp đẽ, được thay đổi, hoàn thiện bản thân.
Nhân vật cáo được nhà văn nhân hóa, cáo hiểu biết, đặc biệt hiểu được ý nghĩa của tình bạn ra sao với mỗi người. Trong lời tâm sự với hoàng tử bé, cáo nói về việc nếu nó được hoàng tử bé cảm hóa, cuộc sống của cáo sẽ thay đổi. Đó là cáo được sống trong tình yêu thương, sự đồng cảm, cáo không cô đơn, sợ hãi, cuộc sống sẽ tràn đày ý nghĩa. Cáo nói cho hoàng tử bé biết về ý nghĩa tiếng bước chân và cánh đồng lúa mì ở hai thời điểm trước và sau khi được hoàng tử bé cảm hóa . Tiếng bước chân của con người trước đây luôn ám ảnh cáo, khiến nó sợ hãi và lẩn trốn, thì nay tiếng bước chân của hoàng tử bé “ sẽ gọi mình ra khỏi hang, như tiếng nhạc”. Còn mái tóc của hoàng tử bé thì “Nhưng bạn có mái tóc vàng óng. Nếu bạn cảm hóa mình thì thật là tuyệt vời! Lúa mì vàng óng ả sẽ làm mình nhớ đến bạn. Và mình sẽ thích tiếng gió trên đồng lúa mì…”. Điều đó cho thấy nhờ có tình bạn của hoàng tử bé, cáo sẽ không cô đơn, buồn tẻ, sợ hãi. Tiếng bước chân vang lên như tiếng nhạc gọi cáo ra cửa hang, cánh đồng lúa mì hóa thân thương ấm áp như màu vàng óng của mái tóc hoàng tử bé. Đó là ý nghĩa của cảm hóa, của tình bạn. Sau đó, cáo đã chỉ cho hoàng tử bé cách cảm hóa mình. Đó là “phải kiên nhẫn” và “chỉ liếc nhìn, không nói gì cả”.
Khi chia tay hoàng tử bé, con cáo bộc lộ cảm xúc: “Mình sẽ khóc mất”. Cáo khẳng định những thứ mình “được”: “Mình được chứ – Con cáo nói – Bởi vì nó còn màu của lúa mì” Từ đó, người đọc nhận ra có tình bạn, thế giới xung quanh cáo trở nên rực rỡ, tỏa sáng, ấm áp, rộng mở, đáng yêu. Cáo hiểu biết, giàu tình cảm, chân thành, khao khát được gần gũi, yêu thương và luôn hoàn thiện bản thân.
Cuộc gặp gỡ giữa Cáo và Hoàng tử bé đã mang đến thật nhiều ý nghĩa. Câu nói chứa đựng “bí mật” mà cáo dành cho hoàng tử bé sử dụng hình ảnh ẩn dụ và mang ý nghĩa triết lí: “Rất đơn giản: người ta chỉ thấy rõ trái tim”, “Điều cốt lõi vô hình trong mắt trần”. Điều đó có nghĩa là con người cần phải biết nhìn nhận, đánh giá mọi thứ bằng tình yêu, và sự tin tưởng, thấu hiểu. Khi chỉ nhìn bằng con tim, con người mới nhận ra, trân trọng giữ gìn những điều đẹp đẽ quý giá. Bí mật của tình yêu là sự kết nối giữa con người với con người, con người với vạn vật. Nhà văn đã cho ta bài học về cách kết bạn: cần thân thiện, kiên nhẫn, dành thời gian để “cảm hóa” nhau. Tình bạn có ý nghĩa rất lớn với mỗi con người. Tình bạn mang đến niềm vui, hạnh phúc; khiến cuộc sống trở nên phong phú, đẹp đẽ hơn. Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật còn giúp ta nhận ra bài học về cách nhìn nhận, đánh giá, trách nhiệm đối với bạn bè: “thấy rõ với trái tim”, biết quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, bảo vệ…
Như vậy, văn bản “Nếu cậu muốn có một người bạn” là một đoạn truyện đồng thoại đặc sắc ca ngợi ý nghĩa của tình bạn. Xây dựng nhân vật thông qua nhiều chi tiết miêu tả lời nói, suy nghĩ, cảm xúc, từ đó làm nổi bật đặc điểm nhân vật. Nhân vật con cáo được nhân hóa như con người thể hiện đặc điểm của truyện đồng thoại. Ngôn ngữ đối thoại sinh động, phong phú. Truyện giàu chất tưởng tượng (hoàng tử bé đến từ hành tinh khác, con cáo có thể trò chuyện kết bạn với con người). Qua cuộc gặp gỡ giữa hoàng tử bé và con cáo, tác giả đã vẽ ra một thế giới cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo dành tặng cho trẻ thơ. Mỗi người tự cảm nhận được ý nghĩa của tình bạn, ý thức trách nhiệm với bạn bè, với những gì mà mình gắn bó, yêu thương.
Thảo luận về bài viết này