Tình đồng chí trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong công việc đánh giặc thực sự lớn nhất. Cũng chính ở cái nơi sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc ấy thì tình đồng chí mới thực sự thiêng liêng, cao đẹp. Trên cái nền hùng vĩ và khắc nghiệt của thiên nhiên: đêm, rừng hoang, sương muối, những người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” – tạo nên tư thế “thành đồng vách sắt” trước quân thù, làm mờ đi cái gian khổ, ác liệt của cuộc chiến đấu.
Đề bài: Vẻ đẹp hình tượng người lính ở ba câu thơ cuối “Đồng chí”
Bài làm
Ba câu thơ cuối trong bài “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu đã dựng lên bức tượng đài về người lính và tình đồng chí. Kết tinh vẻ đẹp của tình đồng chí, cũng là biểu hiện cao đẹp nhất của tình đồng chí, đó là cùng sát cánh chiến đấu, cùng chung chiến hào:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong công việc đánh giặc thực sự lớn nhất. Cũng chính ở cái nơi sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc ấy thì tình đồng chí mới thực sự thiêng liêng, cao đẹp. Trên cái nền hùng vĩ và khắc nghiệt của thiên nhiên: đêm, rừng hoang, sương muối, những người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” – tạo nên tư thế “thành đồng vách sắt” trước quân thù, làm mờ đi cái gian khổ, ác liệt của cuộc chiến đấu. Như vậy, tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao nhưng họ vẫn bình thản và lãng mạn bên thềm cuộc chiến đấu, thấy cuộc đời đẹo đẽ và thơ mộng ngay giữa nguy hiểm gian lao. Hai câu thơ đối nhau thật chỉnh và gợi cảm giữa khung cảnh và toàn cảnh. Khung cảnh lạnh lẽo, buốt giá. Toàn cảnh và tình cảm nồng ấm của người lính với đồng đội. Từ đó, tác giả muốn ca ngợi sức mạnh của tình đồng đội đã giúp người lính vượt lên tất cả sự khắc nghiệt của thờ tiết. Tình đồng đội đã sưởi ấm lòng các anh giữa rừng hoang mùa đông và sương muối buốt giá.
Hình ảnh họ tượng hình lại trong chi tiết bất ngờ, độc đáo: “Đầu súng trăng treo”. Câu thơ không trực tiếp nói về những người đồng chí mà vẫn hiển hiện tình đồng chí. Rất thực mà cũng rất lãng mạn. Trăng trôi trên nền trời, nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng. Hình ảnh này là có thật trong cảm giác, được nhận ra từ những đêm hành quân, phục kích chờ giặc. Nhịp 2/2 gợi sự sóng đôi và như gợi sự bát ngát, lơ lửng chứ không cột chặt vừa thực vừa gợi lên nhiều liên tưởng phong phú. Súng và trăng cũng là một cặp đồng chí, tô đậm vẻ đẹp của cặp đồng chí kia. Tình đồng chí khiến người lính vẫn tươi vui, bình thản bên thềm cuộc chiến đấu; khiến họ thấy cuộc đời vẫn đẹp đẽ, thơ mộng ngay giữa nguy hiểm, gian lao; khiến họ có sức mạnh trong tư thế, có sự đằm thắm trong tâm hồn tình cảm. Hình ảnh thơ ở đây có nhiều sức khái quát, gợi nhiều liên tưởng: súng là hình ảnh của chiến tranh, khói lửa; trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, cuộc sống thanh bình. Sự hòa hợp giữa súng và trăng vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn người lính và tình đồng chí của họ vừa nói lên ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến đấu. Người lính cầm súng là để bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Súng và trăng, thực và mộng, cứng rắn và dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ… Đó là các mặt bổ sung cho nhau của cuộc đời ngườ lính cách mạng. Câu thơ như nhãn tự của cả bài, vừa mang tính hiện thực, vừa mang sắc thái lãng mạn, là một biểu tượng đẹp của tình đồng chí thân thiết.
Chỉ ba câu thơ vẻ đẹp của người lính được khắc chạm nổi bật trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt và hiểm nghèo. Họ hiện lên với vẻ phong trần, dũng cảm mà lãng mạn, có sức mạnh trong tư thế, có sự đằm thắm trong tâm hồn, tình cảm.
Thảo luận về bài viết này