1. Tác giả, tác phẩm
– “Nếu Nguyễn Tuân được tôn vinh là “người thợ kim hoàn chữ nghĩa” hay “cây bút quái kiệt” với những thiên tùy bút độc đáo, sắc sảo thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại là bậc thầy chuyên về bút kí với lối hành văn hướng nội, mê đắm, tài hoa” (Trần Đình Sử) “Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa” (Nguyễn Tuân)
– “Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đến với Huế và đã bị con Sông Hương mê hoặc. Nhiều tác phẩm văn học đã đưa con sông này đến với người đọc để từ đó đem lòng yêu Huế, dù chưa một lần đặt chân đến nơi này. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người một đời gắn bó với Huế, bằng tình cảm tha thiết, bằng tiềm năng văn hóa đã khám phá vẻ đẹp của Hương Giang một cách toàn diện, đưa sông Hương trở thành biểu tượng của mảnh đất cố đô…”
(Bùi Thị Hải Hạnh)
2. Cảm hứng về hình ảnh dòng sông trong các tác phẩm thơ văn:
Các dòng sông và đặc biệt là sông Hương đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ trong lòng của không ít nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay:
“Ôi các dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát
Người ta hát khi chèo thuyền, vượt thác
Gợi trăm màu, trăm dáng sông xuôi”
(Nguyễn Khoa Điềm)
“Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”
(Huy Tập)
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng Huế nên rất sâu”
(Thu Bồn)
=> Có thể thấy, Sông Hương không phải lần đầu tiên đi vào các trang thơ, trang văn thế nhưng với mỗi người nghệ sĩ, hình ảnh sông Hương lại được khám phá với những góc nhìn riêng, vẻ đẹp riêng.
3. Sông Hương ở thượng nguồn
Sông Hương ở thượng nguồn là “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn” gợi liên tưởng tới dòng sông Đà hung bạo nơi miền đất Tây Bắc với cảnh mặt ghềnh Hát Loóng: “Lại có những quãng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua đấy”. Cả 2 tác giả đều đã sử dụng những câu văn có cách ngắt nhịp ngắn, dồn dập với nhiều thanh trắc , từ ngữ trùng điệp kết hợp với đó là các biện pháp nhân hóa, so sánh đã giúp người đọc hình dung rõ nét sự hùng vĩ, dũ dội của hai dòng sông quê hương.
4. Sông Hương ở ngoại vi thành phố
– Vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, nữ tính của sông Hương: “Sông Hương chuyển dòng một cách liên tục … vòng qua những khúc quanh…uốn mình theo những đường cong thật mềm…”, “dòng sông mềm như tấm lụa…” gợi liên tưởng tới vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình…”
-> Cả hai đều là những dòng sông uốn lượn, quanh co bất tận, êm đềm nơi hạ nguồn. Qua đó cũng cho thấy sự thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ, các nhà văn như đã “đề thơ vào sông nước” khiến cả hai dòng sông đã được hiện lên với tất cả vẻ tuyệt mĩ vốn có của mình.
– “Vẻ đẹp trầm mặc, như triết lí như cổ thi” của dòng Hương khi chảy bên những lăng tẩm, đền đài các vua chúa triều Nguyễn gợi nhớ đến những câu ca trong bài hát “Huế tình yêu của tôi”:
“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”
Nếu so sánh sông Hương là một bản trường ca dữ dội của rừng già thì có lẽ dòng Hương khi chảy qua quãng này chính là những nốt trầm sâu lắng nhất của bản trường ca đó.
– Màu nước sông Hương gợi liên tưởng đến màu nước của sông Đà. Nhưng nếu như sông Đà thay đổi màu nước theo mùa trong năm, qua đó cho thấy hai nét tính cách đối lập vừa hùng vĩ, dữ dội vừa thơ mộng, trữ tình. Thì màu nước sông Hương lại có sự thay đổi theo thời điểm trong ngày: “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” -> Vẻ đẹp tinh tế, yểu điệu: Sông Hương như một cô gái điệu đà chuẩn bị ba sắc áo yêu thích để làm duyên, làm dáng với tình nhân.
5. Sông Hương giữa lòng thành phố
– Sông Hương ở giữa lòng thành phố “chảy chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh” (Do những chi lưu đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước) gợi nhắc tới những câu thơ:
“Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng Huế nên rất sâu”
Bằng cả trái tim mình Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn mang đến cho người đọc sự liên tưởng thú vị: Sở dĩ dòng sông “chảy chậm, thực chậm” hay dòng sông “dùng dằng”, “không chảy” là bởi nó dành riêng cho Huế một tình cảm lắng sâu, đằm thắm. Nó muốn neo lại thật lâu bên người tình mong đợi, người tình mà phải trải qua cả một hành trình gian truân mới có thể tìm gặp, làm sao nỡ vội rời xa?
– Sự thay đổi của dòng sông khi gặp thành phố Huế: “Sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, đường cong ấy làm dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu” gợi nhớ đến tiếng vâng và các lắc đầu đầy nữ tính của người phụ nữ khi yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Dòng sông lúc này như đã trở thành người tình nhân vừa biết phô khoe vẻ đẹp hình thể của một dòng chảy nhiều uốn lượn như đường cong đầy nữ tính của người phụ nữ. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy vẻ đẹp dịu dàng, e lệ kín đáo của dòng Hương.
6. Vẻ đẹp của sông Hương ở góc nhìn lịch sử
– Sông Hương không còn là “cô gái Di-gan man dại”, không còn là “người đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa” mà trở thành chứng nhân của những biến thiên lịch sử. Cách so sánh, ví von của nhà văn thật độc đáo. Nếu Nguyễn Tuân đã từng so sánh nước với lửa khi miêu tả sông Đà hung bạo (“Thế rồi nó rống lên…da cháy bùng bùng”) thì HPNT lại so sánh nước với cái trừu tượng thiêng liêng là những trang sử của dân tộc: “Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” (…) nhấn mạnh sự quyện hòa giữa chất hùng tráng và trữ tình, sông Hương là một bản hùng ca, đồng thời giữa đời thường lại là một bản tình ca: “Còn non, còn nước, còn dài
– Còn về, còn nhớ…” Phải chăng khi viết những dòng sử thi giữa màu cỏ lá xanh biếc, nhà văn đã nghe vọng về từ trong sâu thẳm câu hò Huế (của Ưng Bình Thúc Dạ Thị) mang chứa nỗi niềm của con người vùng đất cố đô:
“Chiều chiều trước bến Vân Lâu Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai cảm Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông Thuyền ai thấp thoảng bên sông Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non”
(TS. Lê Thị Hương)
🔻 Xem thêm:
- Phân tích vẻ đẹp sông Hương qua đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
- Vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử của sông Hương qua bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng Sông?”
- Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương qua đoạn văn “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Tuyển tập mở bài, kết bài hay các tác phẩm trọng tâm Ngữ văn 12
- Dẫn chứng liên hệ mở rộng tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
- So sánh, liên hệ mở rộng tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt
- So sánh liên hệ mở rộng “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu
Thảo luận về bài viết này