Đề bài : Cảm nhận của em về nỗi lòng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
I/ Mở bài
Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho đời một tác phẩm bất hủ. Đó là “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” gây ấn tượng với người đọc không chỉ bởi giá trị nhân văn cao cả, giá trị hiện thực độc đáo mà còn bởi nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nói đến nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong “Truyện Kiều” ta không thể không nhắc đến đoạn trích “Kiều ơ lầu Ngưng Bích”. Trong đoạn trích ấy, có lẽ tám câu thơ miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều về người yêu và cha mẹ là những vần thơ độc đáo nhất:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
II/ Thân bài
1.Khái quát về đoạn trích:
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” gồm 22 câu thơ lục bát, nằm ở phần 2 “Gia biến và lưu lạc” trong tác phẩm “ Truyện Kiều”. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã miêu tả một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều trong những tháng ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích để từ đó làm nổi bật nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa.
2.Cảm nhận về nỗi lòng của Thúy Kiều trong đoạn thơ
a/ Khái quát nội dung đoạn thơ đầu
Ở 6 câu thơ đầu, bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp hệ thống hình ảnh ước lệ, ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mênh mông, vắng lặng. Và trên nền của khung cảnh ấy là hình ảnh nàng Kiều lẻ loi, cô độc với bao nỗi niềm tâm sự đau thương. Từ những vần thơ ấy, người đọc nhận ra nỗi niềm thương cảm xót xa của tác giả dành cho nhân vật .
b/ Nỗi nhớ của Thúy Kiều về người yêu
Sau những câu thơ miêu tả cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều, Nguyễn Du tiếp tục hóa thân vào nhân vật để diễn tả nỗi nhớ của nàng về người yêu và cha mẹ. Miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều về Kim Trọng, Nguyễn Du viết:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luốn những dày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
-Tả nỗi nhớ của Kiều về người yêu, tác giả dùng chữ “tưởng”. “Tưởng” có nghĩa là tưởng tượng, hình dung ra một ai đó như đang đứng trước mặt mình, đang trò chuyện với mình.
+ Nhớ về Kim Trọng, Kiều lại nghĩ đến cái đêm trăng thề nguyền mà hai người đã uống chén rượu hẹn ước. Trong đêm trăng ấy, Thúy Kiều và Kim Trọng đã từng hẹn thề “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Ấy thế mà giờ đây hai người đang hai phương trời cách biệt. Nàng để lại chàng Kim một mình lẻ bóng nơi quê nhà.
+ Kiều tưởng tượng ra cảnh ngày đêm Kim Trọng mong chờ tin mình còn nàng thì bặt vô âm tín. Điều đó khiến nàng vô cùng day dứt rồi tự vấn lương tâm “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Câu thơ như một lời khẳng định dù cuộc đời có ra sao, dù không gian có xa, thời gian có dài thì tấm lòng thủy chung của Kiều dành cho Kim Trọng chẳng bao giờ có thể phôi phai được.
=>Lời thơ còn gợi lên tâm trạng dằn vặt, day dứt của Thúy Kiều, nàng tự trách mình đã mang tiếng nhuốc nhơ, không còn xứng đáng với Kim Trọng được nữa.
2.3. Nỗi nhớ của Thúy Kiều về cha mẹ
– Rồi khi nỗi nhớ Kim Trọng trong tâm hồn Thúy Kiều chưa kịp nguôi đi thì nỗi nhớ cha mẹ lại tràn về:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quát nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
+ Miêu tả nỗi nhớ của Kiều về cha mẹ, Nguyễn Du dùng từ “xót”. “Xót” có nghĩa là xót xa đến độ đau đớn. Nàng đau đớn là bởi cha mẹ nàng đã già yếu mà không có người phụng dưỡng, chăm sóc. Hơn thế nữa họ còn ngày đêm “tựa cửa” trông ngóng đứa con xa mà nàng thì bóng chim tăm cá. Sao không đau xót cho được khi phận nàng là con mà chẳng thể chăm sóc cho mẹ cha khi đã về già,
+ Và cũng để diễn tả trăn trở, lo lắng của nàng về gia đình, tác giả còn sử dụng thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh” và hai điển tích “ sân Lai, gốc tử”. “Quạt nồng ấp lạnh” được hiểu là mùa hè trời nóng bức thì quạt cho cha mẹ ngủ còn mùa đông trời rét buốt thì vào trong chăn nằm cho chăn chiếu ấm lên mới mời cha mẹ vào nằm. Còn điển tích “sân Lai” ở đây tức là sân nhà lão Lai tử. Truyện kể rằng lão Lai Tử đã già nhưng vẫn ra sân nhảy múa đề làm vui lòng cha mẹ. Với việc mượn những điển tích và thành ngữ ấy, Nguyễn Du như muốn cho người đọc cảm nhận được nỗi nhớ thương, sự lo lắng của Thúy Kiều dành cho cha mẹ của mình. Từ nỗi nhớ ấy, người đọc có thể dễ dàng nhận ra nhận ra nàng là một tấm lòng rất mực hiếu thuận.
+ Sự hiếu thảo của Thúy Kiều làm ta nhớ đến nân vật Vũ Nương – một người con dâu hiếu thuận với mẹ chồng như với cha mẹ đẻ. Có thể nói rằng tấm lòng thủy chung hiếu thảo là nét phẩm chất chung của những người phụ nữ trong XHPK. Họ đáng để chúng ta trân trọng và yêu thương.
d/ Bàn về trật tự diễn tả tình cảm của Thúy Kiều
Đọc đoạn trích này, chắc hẳn người đọc sẽ không khỏi thắc mắc rằng tại sao Nguyễn Du lại để cho Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng trước khi nhớ về cha mẹ. Còn nhớ ở phần đầu của tác phẩm, khi gia đình bị thằng bán tơ vu oan, Thúy Kiều đã từng quả quyết rằng:
“Đệ lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành”
Ấy thế mà lúc này khi ở nơi đất khách quê người, nàng lại nhớ về Kim trọng trước. Tuy nhiên khi ta đặt mình vào hoàn cảnh của Thúy Kiều, ta có thể hiểu cho cảm xúc của nàng. Kim Trọng với nàng chính là mối tình đầu, mà tình đầu thì thường sâu nặng. Hơn thế nữa, trước lầu Ngưng Bích nhìn ra nàng lại thấy hình ảnh vầng trăng. Hình ảnh ấy khiến nàng nhớ đến đêm trăng thề nguyền mà hai người đã từng uống chén rượu hẹn ước. Vả lại, với cha mẹ thì hành động bán mình chuộc cha đã phần nào báo đáp được công ơn sinh thành còn với Kim Trọng thì nàng mãi là kẻ bạc tình lỗi hẹn, điều đó khiến nàng vô cùng day dứt. Thông qua cách miêu tả tâm trạng và cách diễn tả trật tự nỗi nhớ của Thúy Kiều, ta nhận ra ở nhà thơ Nguyễn Du là sự am hiểu tâm lí con người và sự tiến bộ trong quan niệm về tình yêu đôi lứa.
3.Đánh giá nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ
Như vậy, với các từ ngữ ,thành ngữ và điển tích chọn lọc, 8 câu thơ tiếp theo đã diễn tả một cách đầy đủ và trọn vẹn nỗi nhớ của Thúy Kiều. Đọc những vần thơ ấy, người đọc không chỉ cảm nhận được nỗi nhớ da diết, cồn cào của nàng dành cho người yêu và cha mẹ mà còn cho thấy nàng là một cô gái hiếu thảo, thủy chung. Tấm lòng thủy chung hiếu thảo của nàng khiến ta nhớ đến Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Phải chăng đó chính là những nét chung trong tâm hồn của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Vẻ đẹp ấy đáng để ta trân trọng và cảm phục.
III/ Kết bài
Có thể nói rằng trong “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thì đoạn thơ miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều về người yêu và cha mẹ được coi là đoạn thơ hay nhất”. Lời thơ đã khơi gợi trong ta không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng thơ của tác giả Nguyễn Du, khiến ta càng thêm thương cảm cho tình cảnh bất hạnh của nàng Kiều, cho nỗi đau của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và phải chăng chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.
Thảo luận về bài viết này