Đề: Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore viết: “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”
Bằng những kiến thức và qua một số bài thơ đã được học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
1. Giải thích và bình luận
a. Giải thích:
– “Nụ cười và nước mắt”: Nụ cười là biểu hiện của niềm vui, nước mắt là biểu hiện của nỗi buồn. Tuy nhiên, có khi khóc lại là sự bộc lộ của niềm hạnh phúc lớn lao, có khi sau nụ cười chua chát lại là những giọt nước mắt đắng cay. Nhưng khóc hay cười đều biểu hiện một trạng thái hay một nỗi niềm bên trong, thể hiện sự xúc động mãnh liệt của con người.
– Thơ “cũng như nụ cười và nước mắt”: Thơ ca là tiếng nói tâm hồn, tiếng nói của tình cảm con người. Thơ là sự bộc lộ thế giới nội cảm, thể hiện những rung động mãnh liệt, những trăn trở, ngẫm suy của thi sĩ trước cuộc đời.
– “Cái gì đó hoàn thiện từ bên trong” mà R.Tagore muốn nói chính là cảm xúc đã đến độ chín, chiều sâu tư tưởng và những khát khao, trăn trở của nhà thơ trước con người, cuộc đời.
“Sự hoàn thiện” chính là sự thống nhất giữa tư tưởng và tình cảm trong thơ, giữa nội dung và hình thức thể hiện, hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ.
=> Câu nói của R.Tagore “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong” đề cập vấn đề bản chất của sáng tạo thơ ca, vai trò của cảm xúc và tư tưởng trong thơ.
b. Bình luận
– Khẳng định ý kiến của R.Tagore hoàn toàn đúng đắn:
Xuất phát từ đặc trưng của thể loại thơ và từ quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật:
+ Văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống thông qua lăng kính chủ quan của chủ thể trữ tình – người nghệ sĩ.
+ Đặc trưng cơ bản của thơ là tiếng nói của cảm xúc. Khi rung động sâu sắc với cuộc sống, trong những trạng thái vui, buồn ở mức thăng hoa, con người có nhu cầu bộc lộ tình cảm, khi đó, người ta cần đến thơ. “Khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức để bộc lộ ra ngoài thì ta có thơ”(Tagore).
– Bàn bạc, mở rộng:
+ Cảm xúc trong thơ đa dạng, phong phú với những trạng thái vui, buồn, sung sướng, đau khổ, phẫn nộ, lo âu, trăn trở, … nhưng tất cả đều xuất phát và hướng tới con người, cuộc đời.
+ Tình cảm trong thơ phải đạt đến độ chân thành, mãnh liệt. Thơ không chấp nhận thứ tình cảm giả tạo, mờ nhạt. Nếu nhà thơ không viết bằng tâm huyết, bằng nước mắt, bằng máu của chính mình, không sống sâu sắc với những tình cảm của con người thì thơ sẽ thiếu sức sống, câu thơ sẽ chỉ còn là xác chữ. Thiếu tình cảm, cảm xúc, thơ chỉ còn là trò chơi – kĩ xảo ngôn từ.
+ Thơ phải đạt đến sự hoàn thiện về tình cảm và tư tưởng. “Thơ là tình của tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lý trí đã chín muồi nhuần nhuyễn. Bài thơ bao giờ cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, chứa đựng ít nhiều chân lý tinh tế của cuộc đời” (Phương Lựu). Nếu thơ chỉ thiên về cảm xúc, bài thơ sẽ thiếu chất trí tuệ, thiếu sự suy tưởng triết lí mang tính khái quát về cuộc sống.
+ Thơ phải đạt đến sự hoàn thiện về nội dung và hình thức biểu hiện. Để có thể lay động lòng người, nội dung cảm xúc, tư tưởng phải được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo, mang tính thẩm mỹ thể hiện trên các phương diện: thể loại, ngôn ngữ thơ, hình ảnh, tứ thơ, ….
– Bài học:
+ Bài học cho nhà thơ: phải biết đề cao và nuôi dưỡng tình cảm, cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ phải biết sống đẹp, sống sâu sắc với con người, cuộc đời, “phải mở rộng hồn ra đón lấy những vang động của đời”, biết yêu thương, đồng cảm với buồn vui nhân thế; phải biết cách làm lây lan cảm xúc ấy cho bạn đọc bằng nghệ thuật của thơ ca.
+ Bài học cho người đọc thơ: biết “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” để đồng cảm, tri âm với tác phẩm, với nhà thơ.
2. Chứng minh:
Lựa chọn bài thơ mà mình tâm đắc nhất trong chương trình THPT để làm sáng tỏ ý kiến trên. Trong đó, cần làm rõ:
– Hoàn cảnh cảm hứng, cảm xúc – tư tưởng chủ đạo của bài thơ để cảm nhận và lí giải sự mãnh liệt trong cảm xúc – tư tưởng của tác giả khi sáng tạo.
– Cảm nhận và làm rõ cảm xúc mãnh liệt, suy tư sâu lắng về con người, cuộc đời của nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm thông qua hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu, tứ thơ, …
– Khẳng định chính sự mãnh liệt, chín muồi trong cảm xúc – tư tưởng, sự thăng hoa của lời thơ đã làm nên sức sống bền lâu của tác phẩm trong lòng bạn đọc.
Thảo luận về bài viết này