Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
“Anh ném pao em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi
Em yêu người nào, em bắt pao nào?”
Đã có lần nhà văn Tô Hoài – nhà văn có duyên nợ với đề tài miền núi Tây Bắc tâm sự rằng: Chuyến đi tám tháng ấy (1952) là đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá. Tôi không thể bao giờ quên được lúc vợ chồng A Phủ tiễn tôi ra khỏi dốc núi Tà Sùa rồi cũng vẫy tay gọi theo: “Chéo lù! Chéo lù!” (Tiếng H’Mông có nghĩa là “Trở lại! Trở lại!”). Hai tiếng “trở lại” chẳng những nhắc tôi có ngày trở lại mà tôi phải đem gửi lại cho những người thương ấy một kỷ niệm tấm lòng mình, một cái gì làm hiển hiện lại cuộc đời người H’Mông trung thực, chí tình… Và đó là lí do giản dị để truyện ngắn Vợ chồng A Phủ ra đời với tất cả lấp lánh và ánh ngời trên trang sách như một món quà gửi lại Tây Bắc. Để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là……
Vợ nhặt – Kim Lân
“Anh nhặt em về giữa một đám tang
Cả dân tộc chìm trong chết chóc
Tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết
Đặc quánh không gian tử khí rợn người
Chuyện hôn nhân quan trọng của một đời Trong nạn đói, phận người thành rẻ mạt
Em thành vợ anh, chỉ vài hào bánh đúc
Đến một lời cầu hôn nghiêm túc cũng không”
Viết về nạn đói lịch sử ấy, có một nhà văn được mệnh danh là nhà văn khắc khổ nhưng tài danh của làng quê Việt Nam. Nhà văn xuất thân từ đồng ruộng ấy được biết đến như một nhà văn của những số phận lặng thầm nơi xóm làng mộc mạc. Tô Hoài gọi ông là một tài năng bao giờ cũng đương độ. Là cây bút xuất sắc của thể loại truyện ngắn, ông mang đến những trang văn cay xè mùi khói bếp, thơm thơm mùi lúa mới, ngai ngái mùi rơm rạ và bảng lảng những cánh cò chao nhịp. Ông chính là nhà văn Kim Lân – người đã đi qua cuộc đời và còn để lại nơi ngưỡng cửa của khốn khổ cũng là nơi bắt đầu niềm hạnh phúc mới mộ tuyệt bút: truyện ngắn Vợ nhặt. Để lại ấn tượng sâu độ trong lòng người đọc là….
Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu
Nhẫn nại nuôi con suốt đồi im lặng
Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời
(Tố Hữu)
Bình minh nơi cửa sông làng Thơi (Quỳnh Lưu, Nghệ An – nơi lưu giữ tuổi thơ im lặng của một nhà văn được mệnh danh là người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới), mặt nước lúc nào cũng thẫm bạc. Nơi đây hơn 90 năm về trước, có một người con bé nhỏ của làng thơi đã chào đời, lớn lên, cầm súng và cầm bút. Dấu chân người con làng biển ấy đã in nhiều nơi để có được những Miền cháy, Dấu chân người lính, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Mảnh trăng cuối rừng và cả một “Chiếc thuyền ngoài xa”. Người con làng Thơi ấy chính là nhà văn – đại tá quân đội Nguyễn Minh Châu – Người kế tục xuất sắc những bậc thầy văn xuôi Việt Nam hiện đại – Người đã đi qua cuộc đời và còn để lại một câu chuyện đầy day dứt về một người đàn bà hàng chài.
Hồn trương Ba da hàng thịt – Lưu Quang Vũ
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Đó là những vần thơ của một thi sĩ từng được mệnh danh là cây bút vàng của làng kịch nói. Ông trở thành một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường Việt Nam những năm 80 của thế kỉ XX. Ông là người mà khi còn sống đã giúp cho nhiều diễn viên tỏa sách dưới ánh đèn sân khấu và khi ra đi khiến cho người ta muốn khóc đến giọt nước mắt cuối cùng. Nhà biên kịch tài hoa bạc mệnh ấy chính là Lưu Quang Vũ – người đã đi qua cuộc đời cùng nữ thi sĩ Xuân Quỳnh sau một vụ tai nạn giao thông vô cùng thảm khốc vào mùa hè cuối cùng năm 1988 nhưng còn kip để lại nhiều vở kịch kinh điển, trong đó không thể không nhắc đến “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc là đoạn trích sau đây
Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành
Một cây ngả cả rừng cây lại mọc
Người tiếp người đã mấy vạn mùa xuân
Có một nhà văn được mệnh danh là cánh chim Chrao bay qua mặt trời chở hồn đại ngàn. Ông là nhà văn có duyên nợ gắn bó với đề tài Tây Nguyên, cho đến nay vẫn là nhà văn viết nhiều nhất và hay nhất về xứ sở cồng chiêng. Với ông, Tây Nguyên là một niềm tâm sự không bao giờ dứt. Ông chính là nhà văn Nguyễn Trung Thành – người đã có mặt ở cao nguyên ấy trong cả hai cuộc kháng chiến để viết nên bản hịch tướng sĩ của thời đánh Mĩ cũng là bản hùng ca về một buôn làng: Truyện ngắn Rừng Xà Nu. Để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là nhân vật Tnú phảng phất vẻ đẹp của người anh hùng sử thi huyền thoại trong đoạn văn sau đây…
Sóng – Xuân Quỳnh
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Người yêu thơ mệnh danh thi sĩ đến từ quê lụa ấy là nữ hoàng thi ca tình yêu, là một bông hoa cỏ may biết hát lời tình ca và là một cánh chuồn mỏng manh trong giông bão. Từ giã ánh đèn màu của sân khấu múa để bước sang lãnh địa của thi ca, rồi gieo trên mảnh đất màu mỡ của thi ca hẳn một chục tập thơ mà vần thơ nào cũng nữ tính hồn hậu, đắm say và da diết như mê hoặc người đọc. Nữ thi sĩ ấy chính là Xuân Quỳnh -người đã đi qua cuộc đời sau một vụ tai nạn giao thông vô cùng thảm khốc nhưng còn kịp để lại một truyền thuyết tuyệt đẹp về tình yêu thời hoa lửa đó chính là “Sóng”. Thi phẩm được coi như một bông hoa “nở dọc chiến hào” những năm đánh Mỹ và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là đoạn thơ sau đây…
Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân
Trong bài thơ Vang bóng trích từ tập thơ “Thương nhớ tài hoa”, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã dành những lời thơ đẹp để ca ngợi nhà văn ấy và dòng sông ấy như sau:
Lại hình dung một thế kỷ không xa
thủy điện nuốt tươi sức phóng túng sông Đà
Đà đã gửi thần linh vào tùy bút
văn như thuyền độc mộc
thác thăng hoa
Người yêu văn mệnh danh nhà văn ấy là cây độc huyền cầm của văn học Việt Nam, là chuyên viên cao cấp của tiếng Việt. Ông cũng chính là người thợ kim hoàn của chữ là người đã đóng dấu cái tôi độc tấu (vừa tài hoa vừa uyên bác) lên thể loại tùy bút. Nhắc đến ông là nhắc nhớ đến một vùng trời xôn xao những thanh âm ngôn ngữ. Và bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ ấy chính là nhà văn Nguyễn Tuân – người đã mang đến những trang hoa về dòng sông ánh sáng: Tùy bút Người lái đò sông Đà.
Việt Bắc – Tố Hữu
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu…
Người yêu thơ mệnh danh thi sĩ ấy là cánh chim đầu đàn đã vạch hướng cho nền thơ cách mạng. Ông là người đã bắc chiếc cầu nối linh diệu giữa hình thức thơ mới và thơ ca cách. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói ông chính là người đưa thơ cách mạng đạt đến một trình độ rất đỗi trữ tình. Thơ ông thấm đẫm phong vị ca dao và đậm đà tính dân tộc. Ông chính là nhà thơ Tố Hữu – Người đã rời chiến khu sau 15 năm gắn bó với nhiều thổn thức “Khi tôi về Hà Nội,tôi đã để lại một phần đời của mình ở Việt Bắcvà đó là lý do giản dị tôi viết bài thơ này”. Đó cũng là lý do để thi phẩm Việt Bắc ra đời với tất cả những lấp lánh và ánh ngời trên trang sách. Để lại những yêu mến sâu đậm trong trái tim người đọc là đoạn thơ sau đây…
Tây Tiến – Quang Dũng
Theo một nghiên cứu khoa học, con người trong phút lâm chung, bộ não vẫn sẽ có 7 giây để hồi tưởng lại tất cả kì ức đời người, chỉ 7 giây ngắn ngủi. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, tất cả kí ức sẽ tập trung nơi những vết nhăn nứt của bộ não – nơi mà các nơron thần kinh sẽ hoạt động mạnh mẽ và truyền tìn hiệu đến trái tim. Những kí ức xanh ngời sẽ theo con đường ấy xông thẳng vào nơi sâu thẳm nhất của trái tim, bỗng chốc những xúc cảm bùng nổ, chảy tràn và nương mình trên những dòng thơ của năm tháng. Và tôi tin rằng thi phẩm Tây Tiến cũng được hình thành từ những kí ức xanh ngời của nhà thơ Quang Dũng về một binh đoàn hào hùng – hào hoa. Để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là đoạn thơ sau đây:….
Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường
Dòng sông ai đã đặt tên
Để người đi nhớ Huế mãi không quên
Xa con sông mang bao nhiêu nỗi nhớ
Người ở lại tháng năm đợi chờ
Có những dòng sông đã đi vào thi ca và để thương để nhớ trong lòng người đọc. Tựa như đời người có nhiều mối tình nhưng chỉ có một mối tình mãi mãi mang theo, dòng sông để thương để nhớ trong lòng mỗi người lại rất khác nhau. Đó là một Tiền Đường xôn xao dậy sóng cùng bật khóc với nỗi đau của nàng Kiều trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Đó là một Hoàng Hà tuột khỏi mây như rơi từ thiên đường xuống trần thế trong thơ của tiền thi họ Lý. Đó là một Niagara kéo dài trên thảo nguyên mênh mông và gào thét trong đêm trăng thanh vắng của văn chương phương Tây. Đó là dòng sông khai sinh ở huyện Cảnh Đông – tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, đi qua một vùng núi ác mới xin nhập quốc tịch Việt Nam: sông Đà. Và có một dòng sông đã sống một nửa cuộc đời ở dãy Trường Sơn hùng vĩ như một cô gái phóng khoáng và man dại trước khi về kinh thành Huế để trở thành một cô gái nhỏ nhẹ nhu mì của kinh kỳ . Con sông ấy đã chảy vào bút ký của Hoảng Phủ Ngọc Tường làm xôn xao cả một câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Để lại ấn tượng trong lòng người đọc là hình ảnh sông Hương trong đoạn trích sau:….
Discussion about this post