Giải thích
– Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội: chuỗi hoạt động, thao tác chỉ cách thức con người thâm nhập, nếm trải cuộc sống, lưu giữ bằng các thiết bị kĩ thuật số và nhanh chóng đưa lên mạng xã hội.
– Giá trị của người trẻ: những điều tốt đẹp, đáng quý, hữu ích của thanh thiếu niên.
– Thời đại ngày nay: thời đại toàn cầu hóa gắn liền với quá trình vi tính hóa, số hóa.
Ý nghĩa bao quát: Mặt tích cực và hạn chế của việc người trẻ nhận thức, khẳng định giá trị của bản thân qua mạng xã hội.
Bản luận
Mạng xã hội làm thay đổi nhận thức và cách thức khẳng định giá trị bản thân của người trẻ
– Mạng xã hội giúp con người kết nối, giao lưu, làm việc, giải trí…
– Sự hiện hữu, chia sẻ dữ liệu và tương tác trên mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi nhận thức, cách thức khẳng định giá trị bản thân của người trẻ.
Mặt tích cực của việc người trẻ khẳng định giá trị bản thân bằng trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội
– Chia sẻ thông tin và lan tỏa những giá trị tích cực một cách nhanh chóng.
– Thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân.
– Thu hẹp khoảng cách về địa vị, tuổi tác, giới tính… xóa mờ các giới hạn về thời gian, không gian.
Mặt hạn chế của việc người trẻ khẳng định giá trị bản thân bằng trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội
– Chia sẻ vội vàng, thiếu cân nhắc, ít tinh thần trách nhiệm có thể gây hậu quả….
– Tạo ra các giá trị thiếu thực chất, gây ảo tưởng về giá trị của bản thân,..
– Bỏ qua các kết nối, trải nghiệm trong thế giới thực và một số giá trị nhân văn truyền thống
Liên hệ, mở rộng
– Người trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách sáng suốt, tỉnh táo để khẳng định giá trị của bản thân.
– Bên cạnh mạng xã hội, người trẻ cần tìm những phương cách khác để khẳng định giá trị bản thân.
Bài viết tham khảo
Vào thế kỉ XIX, triết gia cổ điển Đức Hegel nổi tiếng với câu nói: “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Nếu vậy, việc người trẻ thế kỉ XXI “trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” – một hiện tượng, một thực tế diễn ra một cách phổ biến, hẳn phải có một cái lí của nó?
Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, việc trải nghiệm, ghi lại và chia sẻ vốn là một điều bình thường, một nhu cầu vốn có, mang tính bản năng của con người mọi thời, chẳng riêng người trẻ trong thời đại ngày nay. Từ buổi bình minh của lịch sử, người tiền sử đã tìm cách khắc lên đá những hình vẽ miêu tả cuộc sống của mình, “chia sẻ” với đồng loại và con cháu đời sau. Đến tận khi văn minh nhân loại đã tiến vào kỉ nguyên chinh phục vũ trụ, Yuri Gagarin vẫn không ngừng viết nhật kí, “ghi” lại trải nghiệm lơ lửng ngoài hành tinh của mình để có thể “chia sẻ” khi trở về. Thời nay, việc ghi và chia sẻ những trải nghiệm càng trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, mức độ phủ sóng rộng hơn với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, nhất là những bạn trẻ thuộc thế hệ Z với lợi thế nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng công nghệ. Giả sử, nếu Gagarin sống ở thời nay với những phần mềm mạng xã hội, chưa biết chừng ông sẽ phát trực tiếp để “ghi lạ” và “chia sẻ ngay lập tức trải nghiệm” đặc biệt của mình khi ở ngoài vụ trũ. Thực chất, việc mạng xã hội có thể phát triển mạnh mẽ đến vậy xuất phát từ chính nhu cầu “ghi và chia sẻ” những “trải nghiệm” mang tính cá nhân hóa vô cùng lớn và ngày một tăng của người sử dụng. Trong mười ứng dụng được tải xuống nhiều nhất 2023, có tới tám vị trí trong danh sách là các ứng dụng mạng xã hội cũng bởi những “cái lí” hiển nhiên và tất yếu ấy.
Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội là một phương cách khẳng định giá trị, khẳng định nhân hiệu của người trẻ.
Nhìn dưới lí thuyết tâm lí học, A.Maslow đã đưa ra tháp nhu cầu gồm năm tầng, biểu diễn những nhu cầu cơ bản của con người, sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao, càng cao thì nhu cầu càng nhân bản. Trong đó, nhu cầu thể hiện, khẳng định giá trị bản thân (self-actualization) là nhu cầu cao nhất trong kim tự tháp Maslow. Có lẽ, trong sâu thẳm ai cũng khao khát được tạo ra giá trị và được mọi người xung quanh thừa nhận. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, chất riêng của mỗi cá nhân lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vậy, mỗi người không chỉ trông chờ vào “hữu xạ tự nhiên hương” mà cũng cần chủ động để khẳng định những giá trị mình đã đạt được, khiến người thân tự hào, có được sự ghi nhận, ngưỡng mộ từ xung quanh. Năm 2023, trào lưu “flex (nghĩa gốc là khoe khoang) đến hơi thở cuối cùng” nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung vốn trọng về tập thể (collectivism), đề cao sự khiêm tốn và không khuyến khích thể hiện bản thân. Trào lưu này trên không gian mạng xã hội giúp mọi người “ghi lại và chia sẻ” – flex mà không lo bị phán xét như khi tương tác ngoài xã hội.
Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà còn là một phương cách lan tỏa nhiều giá trị tích cực với những người xung quanh.
Chính trong trào lưu “flex đến hơi thở cuối cùng” nhiều trải nghiệm thú vị, ý nghĩa về nghị lực phi thường, về những điều tử tế được “ghi lại và chia sẻ” rộng rãi, truyền cảm hứng và động lực tới nhiều người. Hơn hết, vẻ đẹp của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ẩm thực ba miền được trải nghiệm và chia sẻ đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ tinh hoa dân tộc, quảng bá hình ảnh của đất nước đến bạn bè quốc tế.
Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường nếu thiếu sự kiểm soát
Mặt khác, theo tư tưởng triết học âm dương (thuyết Âm Dương), mọi sự vật đều luôn tồn tại các khía cạnh khác nhau, như trong âm có dương, trong dương có âm. Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có thể là phương cách khẳng định giá trị của nhiều người trẻ ngày này, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường nếu thiếu sự kiểm soát. Mỗi cá nhân bao giờ cũng tồn tại trong một nhóm xã hội, một cộng đồng và có ảnh hưởng nhất định đến những người xung quanh. Bởi vậy, nhiều khi “tức thời chia sẻ” mà chưa có chiều sâu lắng đọng của tư duy và tâm hồn sẽ vô tình khiến chính mình tiếp tay cho kẻ xấu, trở thành nguồn tin giả, tin sai sự thật trong thế giới mạng rất đỗi phức tạp. Vừa qua, trào lưu làm ảnh anime bằng AI đã lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người trải nghiệm bằng cách tải lên hình ảnh của mình, ghi lại cảm xúc và tức thời chia sẻ bức ảnh đó đến bạn bè. Tuy nhiên, Bộ Công an đã cảnh báo cần cẩn trọng bởi dữ liệu cá nhân sẽ bị đánh cắp, gây ảnh hưởng về hình ảnh cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Đôi khi, nhu cầu “ghi lại và chia sẻ tức thời lên mạng xã hội” còn khiến “trải nghiệm” thực tế bị lấn át.
Khái niệm “Selfie museum” hay “Instagram museum” bắt đầu được sử dụng từ năm 2015 và ngày càng trở nên phổ biến, chỉ thói quen chụp ảnh và selfie khiến người đi triển lãm thường xuyên đăng các tấm hình của bản thân với tác phẩm nghệ thuật lên mạng xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật vốn sinh ra để được ngắm nhìn, giờ đây lại biến thành phông nền cho các bài đăng. Thay vì tập trung hoàn toàn vào chất lượng sản phẩm nghệ thuật, nhiều người chỉ chú trọng vào tính “ăn ảnh” để chia sẻ ngay lập tức lên mạng xã hội. Và không ít người trẻ đã phải chịu áp lực tạo ra những trải nghiệm ấn tượng để đăng tải trong những lần tiếp theo. Như vậy, việc tức thời chia sẻ liệu có còn là phương cách để khẳng định giá trị, hay những gì được ghi lại chỉ là những giá trị ảo còn trải nghiệm thực chất lại chẳng mấy giá trị?
Sau tất cả “tiếng nói ồn ào” của mạng xã hội, mỗi người đều có thế giới của riêng mình
Có lẽ, chúng ta đều ít nhất một lần bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình, về những tiếng dị nghị, những lời bàn tán và khao khát nhận được sự công nhận, tán dương để thấy mình thực sự tồn tại và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Tôi nhớ đến câu nói của nhà văn John Mason: “Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài”. Sau tất cả “tiếng nói ồn ào” của mạng xã hội, mỗi người đều có thế giới của riêng mình, một khoảng lặng, một vùng ký ức lưu giữ những khoảnh khắc riêng tư chỉ có bản thân mình biết. Và sẽ hạnh phúc biết bao nếu trong những giây phút ý nghĩa của cuộc đời, gia đình là nơi đầu tiên chúng ta chia sẻ thay vì đăng ngay niềm vui đó lên mạng xã hội. Phải chăng, chúng ta càng gắn kết với thế giới ảo bao nhiêu lại càng xa rời thế giới thực bấy nhiêu? Chúng ta càng sôi nổi trên không gian mạng bao nhiêu lại càng trầm lắng bấy nhiêu khi ở cạnh nhau? Phải chăng, đó là một nghịch lý và cũng là một thực tế đang suy ngẫm?
Jean Jacques Rousseau – Nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng đã từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều đáng được trân trọng và ghi lại, đó cũng là lí do vì sao ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã mua một chiếc máy ảnh bằng những đồng tiền học bổng tích góp suốt những năm tháng học cấp ba. Vậy còn bạn, từ những trải nghiệm đó, bạn sẽ lựa chọn như thế nào để khẳng định giá trị?
Thảo luận về bài viết này