Đề: Phân tích đoạn trích sau để thấy được vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội:
“Chị Thao lại gần khi Nho đã nằm tinh tươm, sạch sẽ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ to… Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.”
(Lê Minh Khuê, “Những ngôi sao xa xôi”, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 119)
Bài làm
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đi qua để lại những mốc son chói lọi trên trang sử vàng dân tộc. Để làm nên những thắng lợi vẻ vang ấy, không thể không kể tới vai trò to lớn của những người lính, những cô gái thanh niên xung phong. Văn học với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó, đã phản ánh thời kỳ chiến tranh với những hình tượng đẹp. “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê là một trong số đó. Đoạn trích trên, người đọc ấn tượng với vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Ngòi bút của bà luôn hướng về cuộc chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số những tác phẩm đầu tay của bà, được viết vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, vẻ đẹp của thế hệ trẻ VN thời kì chống Mĩ cứu nước. Đoạn trích trên nằm ở phần cuối của tác phẩm, tái hiện sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng của Thao, Phương Định cho Nho khi Nho bị thương.
Tình đồng chí đồng đội thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho nhau trong hoàn cảnh hiểm nguy. Có một lần, Thao cùng với Nho đi phá bom, Phương Định ngồi ở nhà một mình mà trong lòng vô cùng lo lắng lỡ như bạn mình không quay về. Rồi một lần khác cả ba chị em cùng đi phá bom nhưng lần đó chẳng may Nho bị thương, cái hầm cô nấp bị bom nổ sập. Nhìn máu túa ra từ cánh tay Nho, chị Thao con người hằng ngày rất cương quyết và táo bạo cũng không khỏi nghẹn ngào, lo lắng, cuống quýt. Thao giải thích: “Thường thế, người ngoài cảm thấy đau hơn người bị thương mà”. Còn Phương Định tuy không nói gì nhưng trong lòng rất lo lắng cho bạn. Cô cố làm mọi cách chăm sóc, băng bó vết thương của Nho, sợ nó bị nhiễm trùng sẽ khiến cho Nho càng thêm đau đớn. Cô “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng. Vết thương không sâu lắm, vào phần mềm… Nho bị choáng cô liền tiêm cho Nho, thay quần áo rồi đặt Nho nằm tinh tươm, sạch sẽ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ to”.
Tình đồng chí, đồng đội thể hiện qua sự đồng cảm, thấu hiểu, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường: Thấy Nho nằm bất động, Thao lo lắng sốt ruột đề nghị gọi điện về đơn vị báo tình hình yêu cầu cho người đến hỗ trợ, cấp cứu cho Nho nhưng Phương Định vội gạt đi: “Không chết đâu. Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến cho nhiều người lo lắng.”. Câu nói ấy một lần nữa làm nổi bật tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi, dũng cảm của những cô gái luôn biết coi thường mọi gian khổ, hiểm nguy, luôn đặt lợi ích của đồng đội lên trên lợi ích của bản thân mình, không để người khác vì lo lắng cho mình mà xao nhãng nhiệm vụ chiến đấu. Phải chăng khi có tình đồng đội đồng chí, những người bạn bên cạnh luôn quan tâm chăm sóc, che chở thì dẫu bị thương con người cũng cảm thấy an lòng, đâu cần phải có nhiều người bận tâm lo lắng.
Có thể nói Lê Minh Khuê đã thành công với việc khắc họa vẻ đẹp tình đồng đội, đồng chí của ba cô gái thanh niên xung phong với nghệ thuật đặc sắc. Tác giả đã sử dụng điểm nhìn trần thuật theo ngôi thứ nhất, nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật chân thực, sinh động; cách xây dựng chi tiết cụ thể; ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ… Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội gắn bó sâu nặng, thiêng liêng của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đoạn trích bộc lộ niềm tự hào, ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Lấp lánh trong đoạn trích trên chính là tình đồng chí cao đẹp. Ở họ luôn luôn có sự đồng nhất ý chí, quan tâm và yêu thương nhau. Họ là những người lính trẻ dũng cảm, hiên ngang và đầy lạc quan, yêu đời, giàu mơ ước. Qua hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong trẻ ta cảm nhận được những tình cảm nơi chiến trường mà có bao súng đạn vẫn không thể giết chết được, đó là sự vĩnh cửu của tuổi trẻ, sự trường tồn của tình đồng chí, đồng đội. Yêu quý, tự hào trước vẻ đẹp của các cô gái thanh niên xung phong ấy, chúng ta phải luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng với những năm tháng họ sống và cống hiến cho Tổ quốc.
Thảo luận về bài viết này