Site icon Tài liệu Văn chọn lọc

Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù”

Đề bài : Phân tích cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

I/ Mở bài

Nguyễn Tuân là một cây bút xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại với phong cách viết rất tài hoa, uyên bác. “Chữ người tử tù” là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Trong tác phẩm, nhà văn đã dựng lên một cảnh tượng độc đáo, đó là cảnh xưa nay chưa từng có – cảnh cho chữ ở cuối thiên truyện.

II/ Thân bài

1/ Trước hết, cảnh cho chữ chính là chặng “mở nút” trên dòng kịch tính của truyện.

Cốt truyện của “Chữ người tử tù” được xây dựng trên một cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người cũng thật khác thường: quản ngục đại diện cho bộ máy luật pháp với tình yêu cái Đẹp và Huấn Cao – kẻ tử tù với tài năng sáng tạo ra cái Đẹp. Lẽ ra đây phải là cuộc hội ngộ tương đắc giữa những kẻ biệt nhỡn liên tài. Song , thật oái oăm, hai nhân cách khác thường này lại gặp nhau nơi nhà ngục và cuộc gặp gỡ ấy lại trở thành cuộc chạm trán giữa một tử tù và một viên quan coi ngục. Huấn Cao càng lạnh lùng, cành tỏ ra bất cần thì quản ngục lại càng cháy bỏng cái sở nguyện xin được chữ ông Huấn bởi với y “có được chữ ông Huấn mà treo là có được vật báu trên đời”. Bởi tâm niệm ấy, ông ta thêm nhún nhường, nhã nhặn ngay cả khi bị Huấn Cao xua đuổi. Nguyễn Tuân thật khéo tạo tình huống kịch và đẩy nó lên đến cao trào. Nút kịch được thắt lại ở chi tiết quản ngục nhận được công văn khẩn của Quan hình bộ thượng thư giữa một buổi chiều lạnh. Ngày mai, sớm tinh mơ, sẽ có người đến lĩnh tù, pháp trường lập ở trong Kinh. Đến đây, người đọc băn khoăn trước câu hỏi: Liệu cho đến khi từ giã cuộc đời, Huấn Cao có hiểu được tấm lòng của quản ngục hay không? Cái ước nguyện lớn lao, chính đáng của quản ngục có được Huấn Cao chấp nhận hay không? Đặt trong dòng cốt truyện, trong kết cấu của tác phẩm , cảnh cho chữ trong nhà giam có vai trò “cởi nút”, “giải tỏa” kịch tính. Từ đây, nổi lên vẻ đẹp kì vĩ của các nhân vật, nổi bật lên lí tưởng thẩm mĩ của người nghệ sĩ Huấn Cao.

2/ Cảnh cho chữ là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”.

Nhà văn đã gọi cảnh cho chữ là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Quả là như vậy. Xưa nay, việc cho chữ bao giờ cũng diễn ra trong một thư phòng sạch sẽ, có bạch lạp, hương trầm vậy mà cảnh cho chữ trong tác phẩm lại được “bày ra trong một buồng tối chật hẹp,ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián”. Và tư thế của người cho chữ và xin chữ cũng là “xưa nay chưa từng có” . Người cho chữ thì cổ đeo gông, chân vướng xiềng nhưng tư thế thì hiên ngang, hành động thì nghĩa hiệp, đang phóng bút sáng tạo ra cái đẹp cho đời. Tương phản với tư thế, hành động của người tử tù, viên quan coi ngục – kẻ đầy quyền uy ở cái nhà tù ấy lại đang khúm núm cất những đồng tiền kẽm còn thầy thơ lại thì lại “run run bưng chậu mực”. Cả hai người này đang xúc động, trân trọng và đầy ngưỡng mộ trước hành động cao cả của Huấn Cao.

Hoàn cảnh cho chữ, tư thế của những con người cho chữ và nhận chữ đã làm nổi bật tính chất “chưa từng có” của cuộc gặp gỡ này. Đây là lần đầu tiên,  nhưng thật đau xót – cũng là lần cuối cùng ba con người này gặp nhau với con người thật của mình. Rất nhiều lần trước, họ chỉ gặp nhau tay đôi (theo từng cặp), gặp nhau mà chưa thực sự hiểu lòng nhau, gặp nhau theo con người chức phận nhà nước, con người nghĩa vụ. Giờ đây, Huấn Cao ở cương vị người cho chữ, người truyền dạy; quản ngục ở vị trí người nhận chữ, được thỏa mãn ước nguyện của mình bấy lâu nay. Đến đây, người đọc không còn thấy kẻ tử tù, người coi ngục mà chỉ còn những tấm lòng biệt nhỡn liên tài đang rung cảm với những nét chữ vuông vắn trên tấm lụa trắng tinh còn nguyên vẹn lần hồ.

III/ Kết bài

Có thể nói, cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm thực sự là một cảnh tượng hay và độc đáo. Nó vừa có tác dụng thúc đẩy cốt truyện phát triển lại vừa thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm cũng như tài năng của tác giả Nguyễn Tuân. Với “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân thật xứng đáng được xếp vào hàng những cây bút xuất sắc, được tôn vinh là nhà văn uyên bác, tài hoa và tác phẩm “Chữ người tử tù” chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc muôn thế hệ.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version