Nguyên tắc 1 : Hiểu thật rõ những gì mình viết
“Nếu bạn không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi hiểu được, thì chính bạn cũng không hiểu gì cả” (Albert Einstein). Einstein rõ ràng không muốn chúng ta biến mọi đứa trẻ sáu tuổi thành bác học, mà ý ông nói rằng nếu ta thực sự nắm bản chất vấn đề, ta sẽ có được cách diễn giải rõ ràng và dễ hiểu.
Để thuyết phục người khác, bạn phải hiểu rõ ngọn ngành vấn đề mà mình trình bày. Để làm được điều này, bạn phải quản lý tri thức theo hai cấp độ: Ở cấp độ tổng thể và cấp độ chi tiết
Ở cấp độ tổng thể: Bạn cần nắm vững sự tương quan giữa các đơn vị kiến thức liên quan đến vấn đề mà mình trình bày.
Ở cấp độ chi tiết: bạn cần phải nắm được những điểm quan trọng nhất, những điểm ấn tượng nhất trong vấn đề mà bạn đang trình bày. Một số câu hỏi có thể đặt ra:
– Chi tiết nào (trong tác phẩm văn học, trong dẫn chứng đời sống…) thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất vấn đề mà tôi đang trình bày?
– Đâu là điểm ấn tượng nhất với tôi?
– Điều gì tác động mạnh nhất vào cảm xúc của tôi?
– Điều gì đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức trong tôi?…
– Những chi tiết này sẽ là điểm sáng trong bài viết, nó là căn cứ để bạn khơi sâu vấn đề mình đang trình bày và tạo sự thuyết phục trong bài viết.
Nguyên tắc 2: Quản lý bố cục bài viết
– Bố cục của bài văn nghị luận bao giờ cũng là một hệ thống các ý được sắp xếp theo tầng bậc rõ ràng và có mối liên hệ chặt chẽ giữa các phần.
– Bài văn nghị luận không có nội dung thừa. Mọi lí lẽ, dẫn chứng đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận điểm. Mọi luận điểm đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận đề. Đây là điều bạn phải luôn luôn nhớ như in trong đầu mình khi triển khai vấn đề nghị luận.
– Hãy luôn tự hỏi mình: Tôi viết vấn đề này để làm gì? Những điều tôi đang viết phục vụ như thế nào đến việc làm sáng tỏ luận đề?
– Sáng tỏ và thuyết phục – hai thần chú này luôn phải được niệm đi niệm lại.
Nguyên tắc 3: Bám sát luận đề
– Trong bài văn nghị luận, luận đề chính là DÒNG SÔNG lớn mà tất cả lí lẽ, dẫn chứng, cách hành văn đều là những dòng suối nhỏ đổ về đó. Mục đích cuối cùng là chảy ra biển lớn – tâm trí bạn đọc nhằm thuyết phục họ.
Như vậy, bạn có thể dễ dàng hình dung rằng: Tất cả mọi yếu tố trong bài văn nghị luận đều hướng về làm sáng tỏ luận đề bạn đang định hưỡng thuyết phục.
– Tip nhắc lại luận đề trong bài văn nghị luận:
– Tip 1: Sử dụng từ khóa của luận đề.
Với các đề văn nghị luận, luận đề thường được khái quát trong những từ khóa quan trọng của đề bài. Việc đặt câu sử dụng các từ khóa gắn với luận đề sẽ là dấu chỉ để bạn biết chắc rằng mình không lạc hướng.
– Tip 2: Sử dụng cấu trúc đoạn tổng phân hợp. Bạn mở đầu đoạn nghị luận bằng một câu chủ đề nhắc người đọc về luận đề sắp triển khai. Sau khi triển khai xong các lí lẽ, dẫn chứng, bạn quay trở lại chỉ rõ luận đề đã được làm sáng rõ như thế nào từ những điều mình vừa viết. Cách viết này sẽ giúp cho luận đề trở nên sáng rõ, giúp người đọc dễ theo dõi mạch lập luận của bạn.
Chú ý, việc nhắc lại vấn đề nghị luận không phải là cứ sao chép vô tội vạ từ khóa đề bài, cũng không phải cứ trích một cách máy móc nhận định trích trong đề bài. Quan trọng là phải chỉ ra được luận đề đã được triển khai như thế nào, được làm sáng tỏ như thế nào.
Nguyên tắc 4: Lập luận cần đủ tiền đề và kết luận
– “Hãy nhớ rằng kết luận là lời phát biểu mà bạn phải đưa ra lý lẽ để chứng minh. Những lý lẽ mà bạn đưa ra dưới hình thức phát biểu gọi là tiền đề” (Athony Weston).
– Ở bất kì phần triển khai luận điểm nào trong bài nghị luận, hai yếu tố tiền đề và kết luận luôn phải gắn chặt với nhau.
Người đọc sẽ ngay lập tức hỏi “Tại sao” khi bạn trình bày kết luận mà thiếu đi dẫn chứng. Và họ sẽ hỏi bạn: “Thì sao” nếu chỉ nêu tiền đề mà chẳng dẫn tới kết luận nào cả.
– Hãy tự hỏi mình như vậy: Tại sao tôi có thể nói điều này? Tôi nói những điều này rồi thì sao? Hai câu hỏi này sẽ giúp bạn kiểm tra xem lập luận của mình đã đủ tiền đề và kết luận hay chưa.
Nguyên tắc 5: Viết để thuyết phục người đọc, không phải để thỏa mãn cái tôi
– Ngay từ định nghĩa, văn nghị luận đã không phải chỉ hướng về người viết. Nghị luận là thuyết phục ai đó về một quan điểm nào đó. Yếu tố người đọc được đặt ra từ trong định nghĩa. Bài viết của bạn chỉ có sự thuyết phục khi bạn hướng đến người đọc và trong đầu bạn luôn rõ ràng một mục đích tối thượng: Thuyết phục người đó.
– Gây ấn tượng, tạo sự thu hút nhưng đừng phô diễn. Trong bài văn cần có những điểm sáng để thu hút sự chú ý của người đọc. Nhưng những câu văn xáo rỗng, những hình ảnh vô nghĩa, những câu chuyện chẳng liên quan thì không có giá trị gì trong bài viết của ta cả. Hãy cân nhắc về việc phô diễn trong bài viết: Đừng viết những gì mình muốn, hãy viết những gì có thể thuyết phục người đọc.
– Hãy thể hiện mình là một kẻ sắc sảo trước một đề văn nghị luận (đặc biệt là NLXH), thay vì cố thể hiện mình là một văn sĩ đầy mộng mơ hay giàu cảm xúc.
Thảo luận về bài viết này