Đề: Cảm nhận của em về khúc tâm tình của người cha qua đoạn thơ.
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quyên hương
Còn quê hương thì làm phong tục.
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
(Nói với con – Y Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2015)
I – Mở bài
*Giới thiệu chung
– Y Phương là một trong những nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
– “Nói với con” là một trong những thi phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi của ông, được viết vào năm 1980.
– Đoạn thơ là lời khuyên của cha với con, nên sống theo những truyền thống tốt đẹp của người đồng mình.
II – Thân bài
*Phân tích
– Người cha khuyên con biết sống theo những truyền thống của người đồng mình:
+ Điệp từ “sống” khởi đầu 3 dòng thơ liên tiếp, tô đậm mong ước thiết tha, mãnh liệt của cha dành cho con.
+ Ẩn dụ “đá” “thung” chỉ không gian sống của người miền cao, gợi lên những nhọc nhằn, gian khó, đói nghèo. Người cha mong con “không chê” tức là biết yêu thương, trân trọng quê hương mình.
+ So sánh “như sông” “như suối”: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.
+ Đối “lên thác xuống ghềnh”: cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, cần dũng cảm đối mặt, không ngại ngần.
– Cha khuyên con tiếp nối tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra của người đồng mình và cả lòng can đảm, ý chí kiên cường của họ.
– Để rồi, bài thơ khép lại bằng lời dặn dò vừa ân cần, vừa nghiêm khắc của người cha:
+ “Thô sơ da thịt” được nhắc lại để nhấn mạnh những khó khăn, thử thách mà con có thể gặp trên đường đời, bởi con còn non nớt, con chưa đủ hành trang mà đời thì gập ghềnh, gian khó.
+ Dẫu vậy, “không bao giờ nhỏ bé được” mà phải biết đương đầu với khó khăn, vượt qua thách thức, không được sống yếu hèn, hẹp hòi, ích kỉ. Phải sống sao cho xứng đáng với cha mẹ, với người đồng mình. Lời nhắn nhủ chứa đựng sự yêu thương, niềm tin tưởng mà người cha dành cho con.
*Tổng kết
– Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Từng lời dặn dò, khuyên nhủ để con biết sống sao cho xứng đáng với gia đình, quê hương.
+ Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người đồng mình của tác giả.
– Nghệ thuật:
Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc.
III – Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ, nêu cảm nhận của em về khổ thơ
Bài văn tham khảo
Lấy cảm hứng từ tình yêu thương con và ước mong thế hệ mai sau sẽ gìn giữ, phát huy những truyền thống của quê hương, dân tộc, nhà thơ Y Phương đã sáng tác bài thơ “Nói với con”. Bài thơ xuất phát từ tình cảm gia đình, mở rộng ra là tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt trong đoạn thơ: “Dẫu sao thì cha … Nghe con”, nhà thơ đã bộc lộ rất rõ niềm tự hào, kiêu hãnh về sức sống mạnh mẽ, đức tính tốt đẹp và truyền thống cao đẹp của quê hương, nhắn nhủ người con hãy phát huy truyền thống ấy.
Nếu như trong khổ thơ đầu là sự gợi nhớ về tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương dành cho con thì đến khổ thơ thứ hai, người cha muốn nói với con về những đức tính cao đẹp của đồng bào mình, dặn dò con phải kế tục và phát huy một cách xứng đáng.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Tiếng gọi “người đồng mình” sao mà thân thương, thân mật và gần gũi đến thế, trong phạm vi nhỏ đó là người cùng một bản, một vùng, rộng hơn đó là người cùng dân tộc cùng một đất nước. “Thương lắm” ở đây không chỉ đơn thuần là tình yêu thương mà còn chứa đựng sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau của con người. “Cao” và “xa” là khoảng cách của đất trời, cũng chính là những thử thách khó khăn mà người đồng mình phải chiến đấu. Người đồng mình tuy sống trong khó khăn, đói khổ nhưng biết cách vượt lên tất cả, vẫn nuôi chí lớn và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên.
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Mặc cho đá gập ghềnh, mặc cho thung nghèo đói nhưng cha vẫn muốn sống ở nơi mảnh đất quê hương, không vì những thiếu thốn gian khổ mà chối bỏ hay chê bai quê hương. Ngược lại phải lấy đó làm động lực để biết phấn đấu, biết vươn lên trong cuộc sống, làm nên nghị lực phi thường trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Sống như sông, suối nghĩa là sống một cách lạc quan và mạnh mẽ, sống thủy chung với quê hương, biết chấp nhận khó khăn và vượt qua khó khăn bằng chính niềm tin, thực lực của mình. “Người đồng mình” sống trong vất vả nhưng mạnh mẽ và khoáng đạt, gắn bó chung thủy với quê hương, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách và chiến đấu hết mình với niềm tin và ý chí của mình. Lên thác rồi lại xuống ghềnh, không màng mệt nhọc mà chỉ vững tin vào ngày mai tươi sáng, khi đó mọi khó khăn, đói nghèo sẽ tan biến.
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Hình ảnh người đồng mình “thô sơ da thịt” là ẩn dụ cho những cốt cách giản dị, mộc mạc, chất phác thật thà của người dân tộc. Tuy cũng chỉ là con người bình thường bằng da bằng thịt nhưng ý chí và tâm hồn của người đồng mình lại lớn lao chứ không hề “nhỏ bé”. Truyền thống đục đá kê cao nhà của người đồng mình mang ý nghĩa kê cao nhà cũng là kê cao quê hương, tự hào về quê hương và tự tay mình xây nên những truyền thống tốt đẹp làm cho quê hương giàu đẹp vươn lên. Ngược lại quê hương chính là cội nguồn cho những phong tục tập quán để nâng đỡ, làm động lực cho con người thêm tin yêu, tự hào.
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”
Tiếng gọi “con ơi” tha thiết, tâm tình, nhắn nhủ với con điều lớn lao nhất đó là lòng tự hào dân tộc và niềm tự tin khi con bước vào đời. Đã đến lúc con phải trưởng thành, rời xa quê hương để phát triển, đứng trước mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn, con hãy vững tin và phải luôn tự hào với truyền thống của quê hương, hãy tự tin rằng mình không nhỏ bé mà phải vững bước trên đường đời. Hai tiếng “nghe con” là lời nhắn chứa chan tình yêu thương, nồi niềm và sự kỳ vọng con sẽ làm rạng rỡ, vẻ vang quê hương, đất nước.
Với giọng điệu thiết tha, trìu mến và đầy tình yêu thương, nhà thơ Y Phương đã thành công lan tỏa lời tâm tình của mình đến với mọi người. Hình ảnh “người đồng mình” vừa nổi bật lại thật thân thương trìu mến, ai cũng nhận ra mình cũng chính là “người đồng mình”. Từ đó thêm yêu quê hương đất nước, thêm sức mạnh để vươn lên trong cuộc sống, tự hào về truyền thống cao đẹp và vững tin sẽ xây dựng quê hương giàu đẹp bằng chính bàn tay của mình.
🔻 Xem thêm:
- Phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” của Y Phương
- Soạn bài Nói với con – Y Phương
- Trình bày suy nghĩ của em về sự kì vọng của cha mẹ sau khi học xong bài thơ “ Nói với con” của Y Phương”.
- Nếu cảm xúc của em về bài thơ Nói với con của Y Phương
Thảo luận về bài viết này