Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Vội vàng , Xuân Diệu)
Bài làm
Bài viết
Xuân Diệu là nghệ sĩ lớn, nhà văn hóa lớn có sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự nghiệp văn học phong phú. Ông đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say yêu đời tha thiết. Tiêu biểu cho giọng thơ ấy là bài thơ “Vội vàng”. Bài thơ có nội dung sâu sắc, nghệ thuật độc đáo, mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành thơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
“Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng, in trong tập “Thơ thơ” (năm 1938), là bản tuyên ngôn về lẽ sống vội vàng của nhà thơ. Bài thơ gồm bốn đoạn thơ, có thể chia làm hai phần. Phần một gồm ba đoạn thơ đầu, là niềm ngất ngây trước cảnh sắc trần gian và nêu những lí giải vì sao phải sống vội vàng; phần hai là đoạn thơ cuối, nêu cách “thực hành” lẽ sống “vội vàng”. Đoạn thơ trên thuộc khổ thơ đầu và khổ thơ thứ hai của bài thơ.
Khổ thơ ngũ ngôn đầu bài thơ thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ – ước muốn quay ngược quy luật tự nhiên:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió” là những ước muốn kì lạ, chỉ có ở Xuân Diệu. Bởi thi sĩ sợ “màu nhạt mất”, “hương bay đi” – sợ rằng hương sắc, vẻ đẹp của trần gian sẽ phai nhạt mất. Ông muốn níu giữ tất cả hương sắc, vẻ đẹp của trần gian. Nhưng làm sao cưỡng được quy luật, làm sao con người tắt được nắng và buộc được gió, đó thật sự là một ước muốn không thể. Cái ước muốn lạ lùng, kì dị ấy đã hé mở một tình yêu vô bờ với trần gian thắm đượm hương sắc này.
Khổ thơ tiếp theo, nhà thơ phát hiện và say sưa ca ngợi một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc kì thú:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành thơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Bảy câu thơ đầu khổ thơ là cảnh sắc trần gian:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”
Bằng những điệp từ “này đây”; nhịp thơ dồn dập, sôi nổi, trần gian hiện ra với đầy đủ vẻ đẹp, sắc hương của nó. “Này đây” là “tuần tháng mật” của ong bướm, là thời gian chúng hút nhụy hoa để lấy mật, thời gian chúng vui sống mãnh liệt nhất. “Này đây” là “hoa” của đồng nội “xanh rì”. Đó là hoa cỏ tươi thắm giữa một cánh đồng xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. “Này đây” nữa là “lá” của một “cành tơ” căng tràn nhựa sống, phơ phất trong gió xuân. Còn những đôi chim “yến anh” đang say đắm trong “khúc tình si”. “Và này đây” nữa là “ánh sáng chớp hàng mi”. Một liên tưởng độc đáo: ánh sáng trần gian tựa như hàng mi của một cô gái đẹp, mỗi khi cô gái chớp mắt thì cả trần gian như si mê. Còn nữa, mỗi sáng sớm, thần Vui lại gõ cửa trần gian, mang đến niềm vui cho nhân loại. Bởi vì thế mà “tháng giêng” “ngon” như “cặp môi gần”. Tháng giêng mơn mởn non tơ, tháng giêng quyến rũ như một người tình rạo rực. Trần gian hiện lên trong cảm nhận của nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” là như thế: tươi đẹp, mơn mởn sức sống, chan chứa niềm vui, niềm hạnh phúc, ngập tràn tình yêu. Trần gian này chính là một thiên đường thực thụ, không phải tìm đâu xa. Trần gian này lúc nào cũng tươi xanh mơn mởn như đang giữa mùa xuân. Thi sĩ như ngất ngây, say đắm trong hương sắc của nó.
Trần gian là một thiên đường, vì thế mà Xuân Diệu tuyên bố:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Tôi không “sung sướng” sao được khi được sống giữa một thiên đường như thế? Nhưng cũng vì thế mà tôi phải “vội vàng một nửa”. Không vội vàng thì sợ không kịp mất. Tôi “không chờ” cho đến “nắng hạ” mới tiếc nhớ “mùa xuân”, tôi sẽ không để cho tuổi xuân qua đi rồi mới tiếc nhớ thời tươi đẹp ấy. Tôi phải sống ngay từ bây giờ, ngay khi đang còn trẻ, còn đầy sức xuân, khi tâm hồn còn ngập tràn tình yêu. Lời tuyên bố này thể hiện một quan niệm mới: trong thế giới này, đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu.
Cả đoạn thơ, với phép điệp, nhịp thơ sôi nổi, dồn dập, hình ảnh thơ sáng tạo, cảm nhận mới lạ độc đáo, nhà thơ đã vẽ ra khung cảnh một thiên đường ngay trên chính mặt đất, bởi thế mà nhà thơ muốn “tắt nắng”, “buộc gió”.
Tóm lại, đoạn thơ đầu bài thơ hé mở lòng yêu tha thiết với cuộc đời, cũng là một trong những nguyên nhân khiến Xuân Diệu tuyên bố sống “Vội vàng” : cuộc sống trần gian thật tươi đẹp, vì thế mà con người phải vội vàng lên ngay khi đang còn trẻ. Đoạn thơ thể hiện một quan niệm mới: trong thế giới này, đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung cho ta hiểu được : Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.
Thảo luận về bài viết này