1. Tâm trạng nhớ thương Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.
a. Trước hết nàng nhớ đến chàng Kim.
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ”
– Đặt nỗi nhớ người yêu lên trước, Kiều đã không giấu diếm nỗi niềm nhớ thương da diết, mãnh liệt.
+ Kiều “tưởng” như thấy lại được kỉ niệm đêm trăng với lời thề nguyền lứa đôi: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Đó là kí ức hai người đã cùng uống chén rượu thề nguyền son sắt, một lòng cùng nhau đến trọn đời. Vậy mà giờ đây mỗi người một ngả, cách biệt, chia xa.
+ Nàng hình dung về tình cảm và tâm trạng “rày trông mai chờ” của chàng Kim mà xót xa.
– Với tài năng sử dụng ngôn ngữ độc thoại và lời thơ như có nhịp thổn thức, tác giả đã diễn tả nỗi nhớ khôn nguôi và cả sự xót xa, ân hận của Kiều: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. “Tấm son” là hình ảnh ẩn dụ cho tấm lòng son sắt, thủy chung của Kiều, nhưng giờ đây nó đã bị vùi dập, hoen ố, không biết đến bao giờ mới “gột rửa” cho được.
→ Trong nỗi nhớ chàng Kim có cả nỗi đau vò xé tâm can.
b. Kiều nhớ đến cha mẹ
– Nhớ về cha mẹ, nàng thấy “xót” khi tưởng tượng ở chốn quê nhà, cha mẹ vẫn tựa cửa ngóng chờ tin tức người con gái yêu. Nghệ thuật đảo từ “xót” lên đầu câu, nhấn mạnh đến nỗi xót xa tận tâm can, thương cha mẹ của Kiều.
– Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, cho thấy nàng day dứt khôn nguôi và lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc cha mẹ thay nàng.
– Nàng tưởng tượng nơi quê nhà đã đổi thay, “gốc từ đã vừa người ôm” thời gian trôi đi, cha mẹ ngày càng già yếu.
– Cụm từ “cách mấy nắng mưa” là một ẩn dụ vừa gợi sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa gợi sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên với con người và cảnh vật.
→ Nhớ về cha mẹ nàng luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành nuôi dạy. Nỗi nhớ thương của Kiều đã nói lên nhân cách đáng trân trọng của nàng.
2. Tâm trạng đau buồn, âu lo của Kiều thể hiện qua cái nhìn cảnh vật.
*Cảnh vật được nhìn qua con mắt Kiều, gợi lên trong lòng nàng những nỗi buồn da diết.
– Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại và điệp ngữ, tạo âm hưởng trầm buồn cho đoạn thơ:
+“Buồn trông” có nghĩa là buồn mà nhìn ra xa trông ngóng một cái gì đó mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại nhưng trông mà vô vọng.
+ Điệp ngữ “buồn trông” kết hợp với các hình ảnh đứng sau đó, với các từ láy, đã diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng với nhiều sắc độ khác nhau. Nỗi buồn ấy được tái hiện qua bốn cảnh sau:
+ Cảnh 1:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
→ Cảnh chiều hôm muôn thủa đã gợi nỗi buồn, tác giả đã sử dụng một hình ảnh rất đắt để thể hiện nội tâm nàng Kiều. Một cánh buồm nhỏ nhoi đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng le lói cuối ngày của mặt trời sắp tắt, con thuyền vẫn lênh đênh trên mặt nước mỗi lúc một xa, chưa có bến bờ neo đậu: cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời, biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.
+ Cảnh 2:
* “Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu”
→ Hình ảnh ẩn dụ “hoa trôi” gợi nỗi buồn lo da diết. Nhìn những cánh hoa tàn lụi trôi man mác giữa dòng nước, Kiều càng buồn lo cho thân phận lênh đênh, chìm nổi không biết rồi sẽ trôi dạt đi đâu, dập vùi ra sao. Câu hỏi tu từ nhấn mạnh nỗi băn khoăn, thấp thỏm, như một tiếng than.
+ Cảnh 3:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
→ Đây là cảnh gợi liên tưởng đến cảnh xuân trong tiết Thanh minh, nhưng không còn cái “xanh tận chân trời” mà thay vào đó là nội cỏ “rầu rầu”, “xanh xanh” – sắc xanh héo úa, mù mịt, nhạt nhòa trải dài từ mặt đất đến chân mây. Cảnh ấy gợi cho Kiều nỗi chán ngán, vô vọng vì cuộc sống cô quạnh và những chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt không biết kéo dài đến bao giờ.
+ Cảnh 4:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
→ Dường như nỗi buồn càng lúc càng tăng, càng dồn dập. Thiên nhiên dữ dội, cái âm thanh “ầm ầm tiếng sóng” chính là ẩn dụ chỉ âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp, đã và đang đổ ập xuống đời nàng và còn tiếp tục đè nặng lên kiếp người nhỏ bé ấy trong xã hội phong kiến cổ hủ. Tất cả là những đợt sóng đang gầm rít trong lòng nàng. Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như rơi dần vào vực thẳm một cách bất lực.
Cảnh được nhìn qua tâm trạng Kiều theo quy luật.
– Cảnh được nhìn theo quy luật:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
– Cảnh được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm.
– Nguyễn Du đã chọn cách thể hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” thể hiện một nỗi buồn ôm trọn ba nỗi buồn, tạo nên một đoạn tuyệt bút, khắc họa Thủy Kiều với thế giới nội tâm sâu thẳm và đầy bi kịch. = Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất, vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi phải dấn thân vào cuộc đời! “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận 8 câu giữa đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
- Cảm nhận sáu câu thơ đầu đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
- Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Thuý Kiều
Discussion about this post