Phương pháp nêu cảm nhận
Cảm nhận là lối phân tích qua những ý nghĩ, những ấn tượng, tình cảm và điều tưởng tượng thú vị nhất của mình khi đọc tác phẩm văn học. Lối bình này đơn giản nhất vì chỉ diễn tả những cảm nghĩ chủ quan của mình trước một đoạn văn, đoạn thơ. Sức thuyết phục không nằm ở lý lẽ phân tích bàn luận sắc sảo mà ở chỗ cảm nghĩ có chân thật, chính xác và sâu sắc.
Dẫn chứng bao giờ cũng diễn đạt một tình tiết hay miêu tả một cảnh tượng, sự kiện bằng năng lực riêng. Với phương pháp này chúng ta hãy tả lại một cách chi tiết, cụ thể theo cảm nhận thông qua sự tưởng tượng kèm theo những nhận định, đánh giá, bình luận để làm rõ được luận điểm. Có khi cảm nhận bằng lí trí có khi bằng tình cảm cũng có thể kết hợp giữa lí trí và tình cảm để có cảm nhận đúng và hay.
Ví dụ:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Hai câu thơ vừa mở rộng không gian nghệ thuật với chiều rộng mênh mông của rừng xanh, vừa đưa không gian ấy lên chiều cao ngút ngàn của đèo núi, chiều cao vời vợi của bầu trời. Trên nền xanh thăm thẳm, hùng vĩ của rừng đại ngàn là sắc đỏ tươi của hoa chuối. Màu đỏ tươi nổi bật trên nền xanh, vừa tạo cảm giác chói chang ấm áp, mỗi bông hoa như một ngọn lửa thắp sáng và xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng mùa đông, vừa cồn cào như ánh mắt dõi theo, như những bàn tay vẫy gọi đầy lưu luyến níu bước người ra đi.
(Trịnh Thu Tuyết, NXB ĐHQG Hà Nội, 2017)
Phương pháp phân tích nghệ thuật làm nổi bật nội dung
Một trong những sai sót của học sinh trong quá trình phân tích đó là không chú ý hoặc ít chú ý đến yếu tố nghệ thuật. Chính vì thế, bài làm dù có hay đến đâu cũng khó có thể đạt điểm cao. Nếu nội dung là “phần xác” của tác phẩm thì nghệ thuật là “phần hồn” của nó. Bởi thế, trong quá trình phân tích phải kết hợp cả nội dung và nghệ thuật.
Phân tích theo phương pháp này phải cần có vốn hiểu biết về các thủ pháp nghệ thuật, các biện pháp tu từ Tiếng Việt; phải chỉ ra và phân tích tác dụng, ý nghĩa tu từ của nó.
Ví dụ: Hồ Xuân Hương bày tỏ quan niệm của mình về thời thế, thân phận bằng những ước muốn táo bạo:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toặc chân mây, đá mấy hòn
Với lối kết cấu đảo ngữ cùng sự phối hợp các động từ mạnh như “xiên ngang”, “đâm toạc”, Hồ Xuân Hương đã để chính những hình ảnh nghệ thuật của mình tự lên tiếng. “Rêu” nhỏ bé, không có tiếng nói lại như “xiên ngang” được mặt đất to lớn; “đá” – “đá mấy hòn” thôi – lại càng nhỏ bé để “đâm toạc” lấy “chân mây”. Đó phải chăng là ước muốn phá cách, là sự “nổi loạn” muốn xé tan cái bức tường phong kiến cũ kĩ đã trói buộc người phụ nữ để họ không được yêu thương hay niềm hạnh phúc không tròn đầy? (Trích Tuyển chọn những bài văn đoạt giải QG THPT)
Phương pháp suy luận bằng lí lẽ
Phương pháp này thường dựa vào tính chất của vấn đề để suy luận theo hướng mà người viết định ra. Muốn vậy phải nắm chắc đặc điểm nhân vật và các tình tiết sự kiện của văn bản.
Ví dụ:
Bách tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Hôm nay cất tiếng khóc Tiểu Thanh; vậy ba trăm năm sau, ai sẽ là người khóc Tổ Như? Thương cho người và thương cho mình cũng là cầu thêm cho đời nhiều tri kỉ. Dẫu chỉ là một tiếng khóc thầm, “khấp” thôi cũng đã mãn nguyện rồi. Hỏi tức là còn mong mỏi, còn đợi chờ, lòng Nguyễn Du chưa nguội lạnh tình đời, tình người. Qua câu hỏi Nguyễn Du đã bày tỏ niềm tin vào lòng thương trong cuộc sống, tin vào con người. (Trích Tuyển chọn những bài văn đoạt giải QG HSG THPT)
Phương pháp so sánh đối chiếu
Trong cảm thụ văn học, so sánh là một biện pháp đắc dụng bởi tuy cùng viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm…. nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực đều phải là một sáng tạo độc đáo.
So sánh để thấy chỗ giống nhau, chỗ khác nhau nhằm soi sáng mặt kế thừa truyền thống và mặt đổi mới của tác phẩm, hoặc đánh giá những chuyển biến, hoặc tài năng biến hoá phong phú của một cây bút trong những tác phẩm viết chung một đề tài, một hình ảnh ở nhiều thời điểm khác nhau. So sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới nhận xét, đánh giá được những đóng góp và phong cách riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn học… Có thể so sánh hai nền văn học, giai đoạn văn học, thời kì, tác giả, khuynh hướng, tác phẩm, phong cách, chi tiết nghệ thuật. Mặt khác, là những học sinh giỏi, các bạn cũng cần có sự tích lũy tư liệu ngoài chương trình. Những ý tưởng so sánh độc đáo, sáng tạo của học sinh chủ yếu xuất phát từ chính sự tích lũy riêng này.
Ví dụ: Để làm nổi bật đặc điểm của Nam Cao hay viết về nước mắt “ở nhiều cảnh ngộ khác nhau”, Hà Minh Đức dẫn ra chi tiết nước mắt ở rất nhiều tác phẩm của Nam Cao. Đó là những giọt nước mắt của những người già “không còn nước mắt để khóc nữa” như bà mẹ Từ: “Bà chỉ còn một cách là còn được ít nước mặt nào thì rỏ ra cả mà khóc với con”, hay như lão Hạc: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra…”, những dòng nước mắt của những người phụ nữ đau khổ uất hận như dì Hảo: “Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc… dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ ra nước mắt” hay đau khổ nén chịu nhiều như Từ: “Từ khóc như mưa, khóc tưởng như chẳng bao giờ còn lặng được” (Tuyển tập Nam Cao).
Discussion about this post