Tiếp nhận văn học
Như loài hoa phải nhờ đến những cánh bướm mới có thể khoe sắc, khoe hương, tác phẩm văn học cũng vậy. Sáng tạo nghệ thuật là hành trình vươn tới tự do, còn tiếp nhận văn học cũng là sự khao khát hướng tới khám phá chân trời tự do ấy. Nói như Ê-gô I- trong ngôn từ lâu dài hơn bản thân đời người”, bởi khi khép trang sách lại, người đọc vẫn không ngừng miên man nghĩ về những câu chuyện mà nhà văn đã gợi ra và dường như còn bỏ lửng. Thiết nghĩ, văn chương không thể tự nó vượt thời gian mà phải bay lên nhờ đôi cánh của người đọc.
Hiện thực cuộc sống vốn dĩ phong phú muôn màu, khi đi qua lăng kính sáng tạo của người nghệ sĩ lại càng thêm lung linh đa chiều. Tiếp nhận văn học hay cảm thụ văn học chính là sống hết mình với nó, rung động tận độ thế giới nghệ thuật vừa đắm mình trong thế giới nghệ thuật của nhà văn vừa tỉnh táo lí trí lắng nghe tiếng nói của tác giả. Một người đọc thông minh sẽ biết xem xét tác phẩm ở mọi ngóc ngách, phương diện, như đang cầm trên tay một khối vuông ru-bích mà xoay nó theo nhiều chiều. Ở mỗi góc độ ta lại khám phá ra những nội dung mới lạ.
Đặc trưng tình cảm trong thơ
Tình cảm là những cảm xúc, những rung động của con người trước những hiện tượng, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Đó có thể là một nỗi buồn dịu nhẹ thoáng qua khi mỗi độ thu sang, có thể là một niềm vui nho nhỏ khi nhìn chồi non xoè mắt biếc. Nhưng đó cũng là tình yêu mãnh liệt nồng nàn; là nỗi nhớ cồn cào khi xa cách; là nỗi đau đến vò xé tâm can khi đất nước bị xâm lăng… Và khi cảm xúc đã tràn đầy, đã lên tới đỉnh điểm thì những cảm xúc ấy thôi thúc con người bộc lộ bằng một hình thức nhất định để chia sẻ với mọi người, đó là lúc thơ ra đời. Chẳng thế mà một người nghệ sĩ cho rằng: “Thơ là sự giải toả cảm xúc.”
Văn học phản ánh hiện thực
Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. Sức mạnh của văn học đến từ đâu nếu không phải là nguồn sống, chất sống cất lên từ hiện thực? Tựa như cây xanh muốn vươn cành trổ lá thì phải bắt rễ sâu nơi bầu đất mỡ màu, tác phẩm văn chương muốn chiến thắng sự băng hoại của thời gian thì luôn cần bắt rễ từ hiện thực đời sống con người. Phản ánh đời sống như là một thuộc tính tất yếu, một nền tảng không thể lung lay của văn học. Dù tác phẩm văn học có phong phú đa dạng đến đâu thì bất kì tác phẩm nào hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, ở mức độ này hay mức độ khác – đều mang trong nó hơi thở của cuộc sống, bóng dáng của thời đại và hiện thực cuộc đời mà ở đó nó được sinh ra.
“Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Thực chất, nhà văn cầm bút lên và viết chính là bắt đầu cho quá trình chắt lọc, nhào nặn, tổ chức lại những chất liệu đời sống theo trí tưởng tượng phong phú và ý đồ nghệ thuật riêng. Vậy nên, mỗi trang văn là một trang đời sâu sắc từng hơi thở cuộc đời cũng đều có thể tìm thấy cho mình một biểu hiện sinh động qua những hình ảnh hấp dẫn trong trang văn. Chẳng tô vẽ thái quá đâu khi nói văn học là ô cửa mênh mông của tâm hồn mà bạn đọc có thể đến bên và thu trọn trong tầm mắt của mình hình ảnh cuộc sống bao la, phong phú, rồi bạn đọc với cái tâm trong sáng và khát khao tiếp nhận còn có thể bước qua ô cửa ấy để được sống nhiều cuộc đời đã được khắc họa đủ đầy trên trang văn.
Thơ là tiếng nói của cảm xúc
Thơ là sản phẩm của tâm hồn, con đẻ của “những trạng thái tâm hồn”. Mỗi tâm hồn là một vương quốc riêng, đầy bí ẩn, tuy giữa những tâm hồn có những làn sóng giao thoa nhau. Chính vì thế nên thơ không thể là sự “cộng tác” của những tâm hồn, cho dù là “những tâm hồn đồng điệu”. Nó là “một việc do cá nhân thi sĩ làm”. Có cá thể trong một phút rung động, một trạng thái khác thường, tràn đầy cảm xúc của thi sĩ, thế là thơ ca ra đời. Phút rung động ấy ở nhà thơ này không giống nhà thơ khác, nếu nhà thơ để giây phút ấy qua đi, thì khó có thể tìm thấy nó ở những thời điểm khác. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, cá nhân người nghệ sĩ có vai trò quyết định.
Văn học bắt nguồn từ cuộc sống
Andecxen – cây bút viết truyện cổ tích tài hoa vào bậc nhất trên thế giới có lần đã nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích do chính cuộc sống viết ra.” Vậy là thế giới huyền diệu lung linh của cổ tích mà bao lần tuổi thơ ta đã hằng ước được tìm đến lại chính là cuộc sống gần gũi ngay quanh đây. Cuộc sống với những thanh âm muôn sắc, với những hình ảnh muôn màu lại chính là chiếc nôi nâng giấc cho những trang truyện, trang thơ. Văn học bắt nguồn từ cuộc đời giống như những hạt mầm nảy lên từ lòng đất mẹ rồi lại tỏa hương tô sắc cho cuộc sống. thêm xinh tươi, nồng ấm. Đó dường như đã trở thành quy luật vòng tròn bất diệt của văn chương nghệ thuật. Văn chương bước ra từ cuộc sống để rồi lại phụng sự cho chính cuộc sống này, nghệ thuật đẹp nhất chính là nghệ thuật vị nhân sinh.
Nhà văn và quá trình sáng tác
Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như con ong chăm chỉ “một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả sự quằn quại đau đớn của cảm xúc, người nghệ sĩ mới có thể làm tác phẩm cho cuộc đời. Họ thai nghén, ấp ủ những điều mình tâm đắc từ rất lâu, chỉ chờ đến phút cảm xúc thăng hoa, để cho ra đời đứa con tinh thần của mình. Và cho đến khi tác giả đặt bút kết thúc tác phẩm, ấy chính là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu.
Đối tượng phản ảnh của văn học là con người
Từ những ngành khoa học đến những ngành xã hội học, từ một nhà thiên văn học đến một triết gia đều lấy con người làm tâm điểm cho mọi nghiên cứu lí luận. Con người là hạt sáng của vũ trụ và cũng là viên ngọc của văn chương nghệ thuật. “Văn học và cuộc đời là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Những tác phẩm tuyệt diệu của ngôn từ nối với cuộc sống bằng sợi dây vô hình mà bền chặt để nâng đỡ cho một tiểu vũ trụ nơi tâm điểm con người. Dù nhà văn, nhà thơ cả cuộc đời miệt mài bên trang viết kiếm tìm cho những ngôn từ thật đắt giá như tìm “chất hiếm radium” (Maiacopxki), những hình tượng thật bay bổng, những thanh âm thật ngọt ngào, thanh nam châm hút cây bút của họ cũng chính bởi hai tiếng thiêng liêng CON NGƯỜI.
Tình tượng nghê thuật trong văn học
Văn học lấy nguyên liệu từ cuộc đời để xây dựng nên những hình tượng điển hình có sức khái quát lớn lao và vẻ độc đáo riêng biệt. Hình tượng nghệ thuật – đó là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, triết lí nhân sinh quan của của mình về cuộc đời. Hiện thực xã hội soi bóng trong các hình tượng lớn. Như một trận đại hồng thuỷ ẩn náu sau những giọt mưa rơi, đằng sau hình tượng ấy là cả một bức tranh hiện thực sinh động, chân thực như cuộc đời và mang sức khái quát lớn. Hình tượng đi vào trong tác phẩm bằng dáng dấp của xã hội hiện thực và con người thời đại.
Văn học phản ánh cuộc sống
Văn học là cuốn đại bách khoa toàn thư về cuộc sống. Mỗi tác phẩm ưu tú là một mảnh đời, mảnh tâm hồn dân tộc, một tiếng nói của lương tri thời đại. Hiện thực trong tác phẩm không chỉ chân thực mà còn phải sống động. Đọc một tác phẩm tốt là như đang xem một cuốn phim hay mà mọi diễn biến của cuộc đời nhân vật như đang hiện trước mắt. Ta như được sống cùng thời đại với nhân vật, được khóc cười, được hạnh phúc và đớn đau trên mỗi chặng đường đời nhân vật. Hiện thực cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm phải có sức khái quát và điển hình cao. Qua số phận một con người, ta nhận ra bóng dáng của cả thời đại, nhận ra bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội nhân vật đang sống.
Đặc trưng của truyện ngắn
Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn là một lát cắt của dòng đời ấy. Nếu tiểu thuyết mang đến cho nhà văn không gian, thời gian rộng dài để sống, phản ánh trong đó tất cả những bề bộn lo âu của cuộc sống, những yêu thương trong lòng người thì truyện ngắn lại hướng theo một lối đi riêng. Ngay trong tên gọi ta cũng đã cảm nhận thấy đặc trưng thể loại. Truyện ngắn bị hạn chế bởi số lượng câu chữ, dung lượng số trang số dòng. Nội dung trong truyện ngắn hầu hết đều hướng tới một vấn đề nhất định, một phạm vi cụ thể, bởi thế nhà văn có thể tập trung bút lực, tâm huyết để làm sáng lên nội dung đặc sắc nhất nơi đề tài ấy. Bởi thế, dù yêu đến mấy, dù thiết tha đến mấy, người nghệ sĩ cũng không thể đắm chìm trong một khoảng không quá lâu, say mê với một hình ảnh quá dài.
Yêu cầu với nhà văn khi viết truyện ngắn
Nếu cuộc đời là một dòng sông cuộn chảy thì người nghệ sĩ viết truyện ngắn phải nắm bắt được nơi đâu dòng nước dồn tụ những tinh hoa của đất trời, không gian thời gian khi đó phải cô đặc nhất, thiên nhiên khi ấy phải toát lên vẻ đẹp thanh khiết nhất và trái tim, tâm hồn con người cũng phải được khám phá ở những nơi thầm kín thiêng liêng nhất. Như vậy, nhà văn phải đẩy mọi tình tiết, hình ảnh trong tác phẩm lên đến những thái cực điển hình khái quát nhất. Truyện ngắn vì thế tuy ngắn về câu chữ nhưng vẫn rộng trong phạm vi khái quát biểu hiện. Đôi khi chỉ cần qua một nỗi lòng, một tình huống, một cảnh ngộ của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc một vấn đề quan trọng về nhân sinh.
Chức năng của văn chương
Người nghệ sĩ nâng niu hình ảnh hạt ngọc của vũ trụ không phải để phủ lên đó một lớp nhũ bạc lóng lánh, một lớp hào quang hồng mực mà để nhân đạo hóa con người. Qua mỗi trang văn, độc giả như lặng ngắm mình trong đó, như được “đối thoại” với một cuộc sống trước mắt. Qua mỗi tác phẩm, người đọc không chỉ được thưởng thức một bài học trông nhìn mà như được “đối diện đàm tâm”. Không một lời nào được cất lên, không một thanh âm nào vang lên trong không gian mà chỉ có những tâm hồn đang trò chuyện. Văn học mang đến cho con người những bài học đạo đức, những khúc hát về cái đẹp từ tâm hồn đến tâm hồn, từ trái tim hướng tới triệu trái tim. Biết bao vui buồn, biết bao hạnh phúc nụ cười, nỗi buồn và nước mắt đã nở và rõ trên trang giấy chỉ từ một nỗi lòng, một tình huống, một cảnh ngộ của nhân vật.
Giá trị của văn chương
“Thời gian như là gió
Mùa đi theo tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi”
(Xuân Quỳnh)
Trước thách thức của thời gian, mọi giá trị đều lu mờ phủ bụi nếu nó không tác động sâu sắc tới lí trí và trái tim con người. Văn chương không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy nhưng kì diệu thay, văn chương chân chính cũng đứng trong hàng ngũ của những thứ “khí giới thanh cao và đắc lực” có sức mạnh trường tồn bền bỉ cùng với đời sống của chúng ta. Để làm nên điều đó, mỗi nhà văn, nhà thơ hãy ngụp lặn giữa bể đời rồi viết nên trang văn, trang thơ bất hủ. Trân trọng tất thảy những lao động nghệ thuật chân chính, tâm hồn ta sẽ được tưới tắm bởi lời hay, ý đẹp và rồi mãi tỏa ngát hương thơm.
Văn chương là lĩnh vực của cái đẹp
Văn chương là thứ bùa màu nhiệm và bí ẩn, có sức cuốn hút và mê đắm lòng người bởi nó là kết tinh của triệu vì tinh tú, của vạn giọt nước trong, của nghìn viên ngọc quý giữa lòng cuộc sống. Nhà văn chính là người chắt chiu những vẻ đẹp tiềm ẩn, gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng để sáng tạo ra tác phẩm của mình. Tác phẩm ra đời là để đánh dấu quá trình khổ công, miệt mài tìm kiếm những chất liệu mộc, thô sơ từ trong cuộc sống, nhào nặn, chế biến và sáng tạo chúng dựa trên quy luật của cái đẹp và quan niệm thẩm mĩ của cá nhân nhà văn. Văn chương chỉ thực sự có tính thẩm mĩ cao khi nó được sáng tạo dựa trên quy luật của cái đẹp và truyền được những quan niệm, xúc cảm thẩm mĩ đến với người đọc. Văn chương chính là liều thuốc thức tỉnh, khơi dậy những xúc cảm đẹp, những chiều sâu mĩ cảm đang tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người. Văn chương đẹp nhất khi nó có thể kết nối được con tim người đọc và người viết, hướng họ tới chân trời của cái đẹp đích thực.
Phong cách của nhà văn
Raxun Gamzatov từng nói: “Qua giọng hát, ta nhận ra người hát”. Phong cách khi trở thành máu thịt của nhà văn sẽ tạo nên một sắc điệu thẩm mĩ riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất kì ai. Lấy cảm hứng từ chính thế giới hiện thực khách quan, từ thiên nhiên, vũ trụ, song mỗi nghệ sĩ lại hình thành một phong cách khác nhau. Có nhà thơ là tiếng kèn xung trận, có nhà thơ là tiếng sáo véo von, có người lại là dòng thác lũ xô đẩy. Điều gì làm nên sự khác biệt trong phong cách nhà văn? Cũng uống chung suối nguồn hiện thực song mỗi nhà văn, nhà thơ lại là một thế giới riêng, một tâm hồn riêng, một vũ trụ riêng. Cảm quan của mỗi người khác nhau sẽ chi phối tầm nhìn hiện thực bằng tài năng nghệ thuật khác nhau làm nên sự khác biệt phong cách nghệ thuật của mỗi người. Song, tựu chung lại, một nhà văn chỉ thực sự có phong cách khi họ nhìn nhận thế giới một cách sắc bén, đồng thời phải có một cách cảm nhận mang đậm tính nghệ thuật mà theo
Macxen phải là “một cách cảm nhận do nghệ thuật đem lại”.
Đặc trưng của thơ: Giản dị, xúc động và ảm ảnh
Có những bài thơ khi đi qua đời ta, giản dị và mong manh, với những nhịp đập rất mực mảnh mai êm ái của trái tim, những rung động mơ hồ của cảm xúc… nhưng đã để lại trong ta một nốt nhấn cứ ngân nga, ngân xa mãi… Những nốt nhấn cảm xúc ấy cứ đeo đẳng, ám ảnh suốt một đời, làm ta xúc động và trăn trở. Phải chăng đó là những câu thơ hay, những câu thơ đã đạt được những phẩm chất đích thực và phải chăng đó cũng chính là những day dứt băn khoăn của người nghệ sĩ suốt một đời sống chết với thơ? Sáng tác thơ ca trong hành trình sáng tạo của nhà nghệ sĩ như một khúc ca dang dở, chẳng bao giờ kết thúc, bởi họ luôn bị đời sống ám ảnh, trái tim họ luôn luôn trăn trở, thao thức, luôn luôn tự vượt mình để hiến dâng cho đời những vần thơ đẹp nhất. Sẽ chẳng có ai đi tới tận cùng của cái Đẹp, và cũng chẳng có ai đi tới cái đích tận cùng của thi ca. Giản dị, xúc động và ám ảnh là ba phẩm chất cao quý nhất của thơ ca và cũng là điểm sáng vẫy gọi nhà thơ trên con đường dẫn đến thơ ca đích thực.
Tiếp nhận văn học
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là một chiếc vỏ ốc nhỏ bé mong manh song lấp lánh sắc màu và từ đó ngân lên những tiếng thì thầm của đại dương sâu thẳm, ngân lên những khúc ca về cuộc sống, tình yêu và khát vọng muôn đời. Do đó, với vai trò là người đồng sáng tạo, độc giả phải luôn trau dồi vốn sống, trí tưởng tượng và khả năng nắm bắt một cách nhạy
bén những thông điệp thẩm mĩ của nhà văn thông qua những tín hiệu nghệ thuật và những con chữ im lìm. Văn chương chỉ sống khi có sự sáng tạo của chủ thể tiếp nhận bởi như M.Gorki từng khẳng định “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”. Khi người đọc cảm nhận văn chương bằng tất cả tâm hồn và trí tuệ thì mới thực sự bước vào và sống trong thế giới văn chương, thế giới của âm thanh, hình sắc, của nhạc và họa.
Thơ khởi sự từ tâm hồn
Cây bắt rễ từ lòng đất mẹ cũng giống như thơ ca bắt rễ từ lòng người. Người cho thơ cái gốc chính kẻ đang ươm mầm hạt giống của sự sống, cần phải có tâm hồn dạt dào, trù phú để thơ đâm chồi, bám rễ. Thơ ca là sản phẩm của cảm xúc con người, chính vì thế mà tâm hồn người viết có trong, có sáng, có phong phú dạt dào thì mới tạo nên được những bài thơ hay. Tâm hồn con người ta không đơn thuần chỉ là những xúc cảm yêu ghét, giận, hờn, nó còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc sống này. Đặc biệt hơn nữa đối với người nghệ sĩ, đó còn là nơi khởi sự, xuất phát của mỗi tác phẩm mà mình viết ra, là nền tảng để tạo nên cái gốc vững chắc cho mỗi tác phẩm nghệ thuật của mình. Khởi sự từ tâm hồn cũng đồng thời là nơi soi chiếu và phản ánh tâm hồn nghệ sĩ đến với người đọc, thơ ca đòi hỏi một nền tảng vững chắc bắt rễ từ xúc cảm chân thực, khách quan nhất của người làm thơ.
Discussion about this post