Đề bài: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã tái hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh chống Mĩ đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”
Từ những cảm nhận của em về khổ thơ sau, hãy làm sáng tỏ nhận định trên:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe,thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe cómột trái tim”.
((Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
I.Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
Đoàn giải phóng quân một lần ra đi.
Nào có sá chi đâu ngày trở về.
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi.
Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
Khúc hát quen thuộc từ xa chợt vọng lại gợi trong lòng chúng ta biết bao suy tưởng. Chúng ta như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc theo tiếng hát sôi nổi trẻ trung và cũng bình dị như cuộc đời người lính. Không biết đã có bao nhiêu bài thơ nói về họ – những chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi. Tiêu biểu cho thời kì chống Mĩ cứu nước là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã tái hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh chống Mĩ đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Đến với khổ đầu và khổ cuối của bài thơ chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó
II.Thân bài
Khái quát hoàn cảnh ra đời, nội dung và nghệ thuật của bài thơ
–Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật được sáng tác năm 1969 trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất gay go, ác liệt. Từ khắp các giảng đường đại học, hàng ngàn sinh viên đã gác bút nghiên để lên đường đánh giặc, và điểm nóng lúc đó là tuyến đường Trường Sơn – con đường huyết mạch nối liền hậu phương với tiền tuyến. Phạm Tiến Duật đã ghi lại những hình ảnh tiêu biểu của nơi khói lửa Trường Sơn. Có thể nói, hiện thực đã đi thẳng vào trang thơ của tác giả và mang nguyên vẹn hơi thở của cuộc chiến. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ đã thực sự trở thành hồi kèn xung trận, trở thành tiếng hát quyết thắng của tuổi trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ. Cảm hứng từ những chiếc xe không kính đã làm nền để nhà thơ chiến sĩ khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ lái xe: ung dung tự tại, lạc quan sôi nổi, bất chấp mọi khó khăn gian khổ , tình đồng chí đồng đội gắn bó, tình yêu đất nước thiết tha…
2.Chứng minh nhận định
a/ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã tái hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh chống Mĩ. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả trong bài thơ. Mở đầu bài thơ, tác giả có viết:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi
+ Xe không kính là một hình ảnh quen thuộc, thường thấy ở tuyến lửa Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Nhưng trong thơ ca thì có lẽ đây là lần đầu hình ảnh ấy xuất hiện. Ở hai câu thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả rất thực. Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng trai lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Bằng biện pháp tu từ điệp ngữ với các từ phủ định “không” được lặp lại nhiều lần, Phạm Tiến Duật như muốn nói rằng xe không kính không phải do cấu tạo ban đầu của nó. Vậy thì do đâu? Câu thơ thứ 2 đã giải thích cho điều này. Với các động từ mạnh “giật, rung” lời thơ đã cho ta nhận ra rằng chính bom đạn của chiến tranh đã tàn phá khiến cho những chiếc xe vận tải vốn nguyên vẹn, lành lặn giờ đây trở thành không kính.
Không chỉ không kính, những chiếc xe vận tải còn bị hư hỏng nhiều bộ phận khác:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe,thùng xe có xước
Ba chữ “không” lại một lần nữa khẳng định mức độ ác liệt của cuộc chiến in dấu trên những chiếc xe ra trận: “không kính”,”không đèn”,”không mui” và lại có thêm cái xước. Hình ảnh những chiếc xe không kính vốn chẳng hiếm trong chiến tranh, song phải có một hồn thơ nhạy cảm, có nét tinh nghịch, ngang tàn như Phạm Tiến Duật mới phát hiện ra được, đưa nó vào thơ và trở thành biểu tượng độc đáo của thơ ca thời chống Mĩ. Và từ hình ảnh ấy, tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc một cách cụ thể và sâu sắc về hiện thực chiến tranh khốc liệt, dữ dội, về cuộc chiến đấu gian khổ mà người lính phải trải qua.
b/ Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Vẻ đẹp của tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng,tự tin, và tâm hồn lãng mạn:
Song, chính trong cái ác liệt của cuộc chiến, chính từ những cái “không” đó thì tư thế ung dung, hiên ngang của những người lính lại được thể hiện rõ nét:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời,nhìn thẳng”.
Tư thế của những người lính lái xe mới ung dung và đường hoàng làm sao! Đặt từ “ung dung” lên đầu câu, dường như nhà thơ muốn nhấn mạnh vào tư thế chủ động trước hoàn cảnh. Con mắt “nhìn đất”, “nhìn trời”,”nhìn thẳng” mang vẻ đẹp trang nghiêm, bất khuất như một lời thề. Chữ “nhìn thẳng” khiến ta hình dung như họ đang đối mặt thẳng thắn với gian khổ, hi sinh mà không hề né tránh, không hề run sợ. Có lẽ chính những khó khăn thử thách, chính bom đạn chiến tranh đã tôi rèn cho họ khiến họ trở nên can trường và bản lĩnh hơn.
Vẻ đẹp của lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng miền nam thống nhất nước nhà
Không chỉ mang tư thế ung dung, hiên ngang, bản lĩnh vững vàng, những người lính lái xe trong bài thơ này còn là những chàng trai có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe cómột trái tim”.
“Trái tim”là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng, đó chính là người chiến sĩ lái xe, là sức mạnh và tinh thần quả cảm, là nhiệt huyết của tuổi trẻ, là ý chí chiến đầu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là tình yêu Tổ quốc thiết tha. Hình ảnh này đã khẳng định: khi trái tim cầm lái thì mọi gian khổ, hiểm nguy đều được người lính chấp nhận và vượt qua với tư thế ung dung và niềm vui sôi nổi, lạc quan phơi phới. Hình ảnh này cũng khẳng định bom đạn của kẻ thù chỉ có thể phá hủy đượcnhững chiếc xe chứ không thể ngăn cản được nhiệt huyết cứu nước của những con người:“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).
3.Đánh giá:
Như vậy, bằng các biện pháp tu từ điệp ngữ, liệt kê, hoán dụ và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, hai khổ thơ trên đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn sự khốc liệt của chiến tranh trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước và vẻ đẹp tâm hồn của những người lính lái xe, của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại HCM. Đó chính là phong thái un gung hiên ngang, là ý chí quyết tâm giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Lời thơ cho ta nhận ra ở nhà thơ PTD là niềm cảm phục, sự trân trọng , yêu mến dành cho những người lính bộ đội cụ Hồ. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng
III. Kết bài
Có thể nói rằng “BTVTĐXKK” của PTD là một bài thơ độc đáo. Bài thơ ấy và nhất là khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài thơ đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà thơ, càng thêm trân trọng, yêu mến những người lính bộ đội cụ Hồ và hơn cả là càng thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc. Từ hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn, bài thơ đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về lí tưởng sống, về lòng yêu nước về tinh thần lạc quan yêu đời…Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ BTVTĐXKK” của PTD vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.
Thảo luận về bài viết này