Phong cách sáng tác
Phong cách sáng tác (hay phong cách nghệ thuật) là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc.
Phong cách nghệ thuật của một người nghệ sĩ sẽ được thể hiện qua những góc cạnh: cách nhìn nhận, khám phá cuộc sống, nội dung, chủ đề, giọng điệu độc đáo, bút pháp nghệ thuật…
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
Tình huống truyện là những sự kiện, tình tiết, tình huống đặc biệt trong truyện. Đó là tình huống chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất bình thường”, những nghịch lý trong cuộc sống hàng ngày của nhân vật. Chính ở đây, tác giả bộc lộ tài năng của mình khi xây dựng một tình huống truyện cao trào, tâm điểm của mọi vấn đề trong truyện.
Nghệ thuật xây dựng tình huống là việc đặt nhân vật vào trong những ngữ cảnh nhất định, làm môi trường cho nhân vật hoạt động qua đó bộc lộ phẩm chất, cá tính. Nói cách khác, tình huống truyện là một lát cắt của cuộc sống, là vực xoáy trên dòng sông, tình huống gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng tác phẩm.
Nghệ thuật miêu tả tâm lý
Nghệ thuật miêu tả tâm lí tức là nhà văn sử dụng các phương tiện, biện pháp nghệ thuật để tái hiện thế giới tâm lí phong phú, phức tạp của con người trong tác phẩm của mình.
Các phương pháp miêu tả tâm lí nhân vật bao gồm việc sử dụng hành động, hành vi, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại hay mô tả trực tiếp và gián tiếp về ý nghĩ, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật. Từ những chi tiết nhỏ như biểu hiện khuôn mặt, điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, âm thanh trong giọng nói, tác giả có thể tạo ra một hình ảnh sống động về tâm trạng và tính cách của nhân vật.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật giúp tác giả xây dựng và phát triển nhân vật một cách sâu sắc và tinh tế, tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục trong tác phẩm nghệ thuật. Việc kết hợp các yếu tố tâm lý nhân vật cùng với các yếu tố khác như cốt truyện và ngữ cảnh tạo nên một tác phẩm đa chiều và sâu sắc, giúp người đọc hiểu rõ hơn về diễn biến và sự phát triển của nhân vật, tạo ra sự đồng cảm sâu sắc với họ.
Nghệ thuật xây dựng hình tượng
Hình tượng là phương thức phản ánh thế giới đặc thù của văn học bằng những hình thức đời sống, được sáng tạo bằng hư cấu và tưởng tượng, vừa cụ thể vừa khái quát, mang tính điển hình, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện tư tưởng và tình cảm con người. Văn học nhận thức đời sống, thể hiện tư tưởng tình cảm, khát vọng và mơ ước của con người thông qua hình tượng nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật không chỉ là phương thức tái hiện thế giới khách quan, là nhân tố góp phần truyền tải thông điệp của tác giả tới mọi người mà còn là tâm hồn, bản ngã của người nghệ sĩ, nó khẳng định phong cách, cái tôi của người nghệ sĩ trên con đường sự nghiệp của mình. Xây dựng hình tượng là quá trình sáng tạo dựa trên ý tưởng và sự ước lệ. Nghệ thuật xây dựng hình tượng là toàn bộ những phương thức nghệ thuật được tác giả sử dụng trong quá trình sáng tạo ấy.
Quan niệm nghệ thuật về con người
Trong “Dẫn luận thi pháp học”, Trần Đình Sử cho rằng: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình”. Quan niệm nghệ thuật về con người không chỉ bộc lộ nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tác phẩm mà còn phản ánh chiều sâu cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về con người, về cuộc đời. Đây là một trong những yếu tố cơ bản, then chốt của một chỉnh thể nghệ tuật chi phối các phương diện nghệ thuật khác của thi pháp và góp phần tạo nên tính độc đáo trong cách thể hiện của tác phẩm.
Thông qua quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, ta có thể hình dung đầy đủ tư tưởng nghệ thuật cũng như dấu ấn sáng tạo của nhà văn ấy. Quan niệm nghệ thuật về con người là chìa khoá để ta khám phá giá trị tác phẩm, khám phá cá tính sáng tạo, khẳng định phong cách của nhà văn.
Chất liệu văn hóa dân gian
Văn hoá dân gian là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do nhân dân sáng tạo ra trong trường kì lịch sử thời xa xưa. Theo đó, chất liệu văn hoá dân gian là những giá trị, những sản phẩm cả vật chất lẫn tinh thần (văn hoá vật thể và phi vật thể, đặc biệt là văn học dân gian) góp phần tạo dựng, hun đúc nên nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Đó có thể là các câu chuyện cổ tích, truyện kể, bài ca, nhạc cụ, đồ dùng truyền thống, văn hóa dân gian, phong tục, tập quán và các hình thức truyền bá và truyền tải thông qua miệng người dân. Chất liệu văn hoá dân gian mang trong mình giá trị văn hóa sâu sắc và lưu truyền qua thời gian như một phương thức giao tiếp, giáo dục và truyền đạt kiến thức, truyền thống và đạo đức từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Giá trị hiện thực
Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc χα những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết hiện thực trong các tác phẩm văn chương đều là hiện thực được hư cấu. Nó có ý nghĩa phản ánh hiện thực của một thời kỳ trên nhiều phương diện khác nhau hơn là các hiện thực cụ thể.
Nói đến giá trị hiện thực trong một tác phẩm văn học người ta thường đề cập 3 nét chính:
+ Phản ánh trung thực đời sống xã hội lịch sử.
+ Khắc họa trung thực đời sống nội tâm của con người.
+ Tố cáo mạnh mẽ hoặc ngợi ca đối tượng đại diện cho xã hội, chế độ.
Giá trị nhân đạo
Giá trị nhân đạo là một trong các giá trị cơ bản trong các tác phẩm văn học. Giá trị này được tạo nên từ cái nhìn của nhà văn thông qua sự miêu tả chi tiết nhân vật, sự việc, thể hiện nỗi xót thương của con người với con người, nỗi đau của những số phận bất hạnh trong xã hội. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong hoàn cảnh nào. Để làm rõ giá trị nhân đạo của một tác phẩm, cần phân tích được các khía cạnh sau:
– Thương cảm, thấu hiểu cho số phận con người;
– Khám phá và ngợi ca vẻ đẹp con người; Lên án, tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người;
– Nâng niu, trân trọng ước mơ, khát vọng của con người.
Cảm hứng lãng mạn
Cảm hứng lãng mạn trong văn học là cảm hứng khẳng định cái tôi tràn đầy cảm xúc, hướng về lí tưởng. Nó đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hàng ngày, nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của trí tưởng tượng liên tưởng. Cảm hứng lãng mạn cũng thường tìm đến cách diễn đạt khoa trương, phóng đại, đối lập, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
Cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới, vẻ đẹp con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và fin tưởng vào chiến thắng, tương lai tươi sáng của dân tộc. Cảm hứng lãng mạn đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, nó nâng đỡ con người có thể vượt lên mọi thử thách trong máu lửa của chiến tranh gian khổ để hướng đến ngày chiến thắng.
Tinh thần bi tráng
Cái bị tráng trong tác phẩm văn học được thể hiện ở việc không né tránh hiện thực, miêu tả cái bị, tức cái gian khổ, đau thương của hiện tại. Cái bị nhưng không phải là bị lụy mà là bi tráng, hào hùng. Là cái chết đó nhưng không hề bi lụy mà là cái chết hào hùng lẫm liệt, cái chết đi vào cõi bất tử. Cái bi thường được biểu hiện ở giọng điệu, âm hưởng, màu sắc tráng lệ hào hùng.
Chất thơ trong văn xuôi
Chất thơ hay còn gọi là “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ. Chất thơ có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc. Ở văn xuôi, chất thơ có ở trong nhiều cấp độ: từ ngữ; bức tranh thiên nhiên; hình tượng nhân vật vượt lên trên thực tại của đời sống, của hoàn cảnh để hướng đến vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn.
Chất nhạc, chất họa trong thơ
Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt. Họa có nghĩa là hội họa, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có, “thi trung hữu hoạ”. Nhạc là âm nhạc, ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. Tính nhạc của thơ thể hiện ở: thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, thanh điệu,… “thi trung hữu nhạc”.
Thảo luận về bài viết này