Mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của hơi thở giao thoa giữa đất trời. Chim muôn hát ca, cây lá đâm chồi nảy lộc. Đi cùng năm tháng, đã có không biết bao nhiêu loài hoa “nở rộ” giữa trang văn của các thi sĩ, thi nhân. Chúng tạo nên một bức tranh xuân thật đặc biệt ở bến văn đàn – ngập tràn hương sắc và gợi hình, gợi cảm vô cùng.
Hoa mai
Đã từ lâu, khi hoa mai nở rộ là lúc lòng người hớn hở nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về. Loài hoa đại diện cho một mùa tết đủ đầy, cho một nét đẹp đầy thuần túy, thanh tao của phương Nam.
Vị danh nhân lớn của Việt Nam ta – Cao Bá Quát đã từng viết rất nhiều câu thơ ca ngợi về hoa mai. Trong đó có một câu rất ý nghĩa, ông đã chọn cho riêng mình một lẽ sống trọng nghĩa khinh tài, một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện: “Nhất sinh đê thủ, bái hoa mai”.
Hay vua Trần Nhân Tông – một nhân vật kiệt xuất, là triết gia, là thi sĩ, là người được ví như “Phật giữa đời thường” cũng đã từng ưu ái dành những lời thật quý để ca ngợi vẻ đẹp của hoa mai:
“Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai
Thì có luyến tiếc chi nơi cung thiềm lạnh lẽo”.
Hoa Đào
Nếu mai vàng kiêu hãnh là biểu tượng của mùa xuân đất phương Nam thì ở xứ Bắc, loài hoa vinh dự được chọn là hoa đào. Từ xưa đến nay, những cành đào hồng thắm luôn luôn là báo hiệu của mùa xuân ở vùng đất này. Một số người còn quan niệm, nếu tết mà không có hoa đào thì còn gì là tết nữa!
Ta bắt gặp trong thơ Nguyễn Trãi một mùa xuân mơn mởn nhưng cũng đầy thanh tao:
“Một đóa đào yêu khéo tốt tươi
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười”.
Hay trong những câu chữ đầy sâu lắng, khắc khoải của Vũ Đình Liên, có một mùa xuân được khắc họa rõ nét với những biểu tượng bình dị, ấm áp, thân quen, truyền thống, hài hòa giữa cảnh và người:: “Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Hoa Mơ
Đã từ lâu, sắc trắng của hoa mơ trở thành một nét đẹp đặc trưng của vùng đất Tây Bắc mỗi độ tết đến xuân về. Trong bài thơ “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu – cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam đã ghi lại một bức tranh thật đẹp, thật viên mãn và tràn đầy sức sống với sắc trắng của rừng mơ. Và trên khung nền nền xao xuyến ấy của thiên nhiên, hình ảnh con người hiện lên thật lặng lẽ, hữu tình:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.
Hay để lưu dấu lại khoảnh khắc chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc sau mấy mươi năm bôn ba năm châu bốn bể, nay trở về nước trong một mùa xuân nồng nàn sắc thắm, đầy tự hào mà cũng quá đỗi trào dâng cảm xúc. Rừng mơ nở rộ như quê hương chào đón Người quay về:
“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”.
Hoa xoan
Người ta nhớ đến hoa xoan là một loài hoa làm nên vẻ đẹp trữ tình của vùng quê yên ả, là nỗi nhớ nhung cho những kỷ niệm xưa cũ, là đại diện cho một mùa xuân nhẹ nhàng, dìu dịu sắc hương.
Giữa những ngày xuân đến, ta bắt gặp những bông hoa xoan bắt đầu bung nụ, những cánh hoa nhỏ xíu mảnh mai rơi rơi trong gió nhẹ, trong mưa bụi phập phồng. Trong thơ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính, ta bắt gặp một khung cảnh thật đẹp:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
Hay cũng có một mùa hoa xoan đại diện cho tình yêu, cho tuổi trẻ, cánh hoa mỏng manh tím dịu hiền lại cuồn cuộn chất chứa những nỗi niềm nhớ thương, hoài trong thơ của Nguyễn Hồng Hải:
“Cái tuổi biết mùa xuân sang
Mơ màng như hoa xoan ấy
Phía cuối bờ dâu xóm bãi
Mắt ai biêng biếc mong chờ”.
Discussion about this post