Đề bài : Phân tích tâm trạng nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.
Thạch Lam là cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ông là nhà văn đôn hậu và rất đỗi tinh tế. Ông thường viết những “truyện không có chuyện”, mỗi truyện như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm yêu mến chân thành và sự nhạy cảm của nhà văn trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách ấy của ông là “Hai đứa trẻ”. Truyện đã miêu tả sâu sắc tâm trạng nhân vật Liên – một cô gái mới lớn với tâm hồn nhạy cảm và trái tim tràn đầy yêu thương.
“Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” (1938). Không có cốt truyện đặc biệt, “Hai đứa trẻ” như một bài thơ trữ tình miêu tả cảnh vật và con người ở một phố huyện nghèo lúc chiều tàn cho đến đêm khuya khi có con tàu chạy qua. Chỉ có vậy nhưng “Hai đứa trẻ” vẫn có sức hấp dẫn người đọc trong hơn nửa thế kỉ qua.
Khi chiều về, trước cái giờ khắc của ngày tàn, nhìn thấy “những đám mây hồng như hòn than sắp tàn”, “dãy tre làng trước mặt đen lại cắt hình rõ nét trên nền trời”, nghe thấy “tiếng trống thu không”, “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào, Liên thấy cái buồn của buổi chiều quê “thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị, Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”. Nỗi buồn man mác dù không hiểu sao lại buồn ấy là biểu hiện của một tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật thiên nhiên.
Trời tối hẳn, các nhà đã lên đèn, “chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu”. Chứng kiến cảnh chợ tàn của một vùng quê nghèo, “trên đất chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía”, “hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc” khiến Liên thấy lòng xao xuyến, cô tưởng như đó là “mùi riêng của đất, của quê hương này”. Nhìn thấy những đứa trẻ con nhà nghèo đang tìm tòi nhặt nhạnh những thứ còn có thể dùng được của các người bán hàng để lại trên nền đất rác rưởi, Liên thấy “động lòng thương” nhưng chính chị cũng không có gì để mà cho chúng. Cái động lòng của Liên là biểu hiện của một tấm lòng nhân hậu, một trái tim giàu tình thương, đó cũng chính là cái động lòng trắc ẩn của nhà văn trước những kiếp người nghèo khổ.
Chứng kiến cảnh mẹ con nhà chị Tí với gánh hàng nước nghèo, với cuộc sống “ngày thì mò cua bắt tép, tối đến mở gánh hàng nước, nhưng chị Tí cũng chẳng kiếm được là bao”, Liên có chút gì đó xót xa, thương cảm, nỗi buồn trong Liên vì thế như càng khắc sâu hơn. Tuy vậy, chị cũng có một thoáng vui, đó là khi dọn hàng. Chiếc chìa khóa và dây xà tích bạc khiến Liên “hãnh diện”, vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang. Nhưng niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu. Nó chợt vụt tắt khi bà cụ Thi hơi điên xuất hiện. Bà vào hàng Liên mua rượu khiến chị thấy “lòng hơi run sợ”. Nhìn cụ cùng với tiếng cười “khanh khách” nhỏ dần, hai chị em Liên đứng sững nhìn theo cụ. Hình ảnh bà cụ Thi đã gieo vào lòng Liên một cảm giác khắc khoải.
Khi trời bắt đầu đêm, “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”, “đường phố và các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối”, chỉ còn lại những khe sáng lọt ra từ vài cửa hàng còn thức, nghe tiếng trẻ con vui đùa, An thèm muốn nhập bọn, nhưng hai chị em đành lặng lẽ quan sát vì sợ trái lời mẹ dặn. Bầu trời đêm mùa hạ có hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, chúng thu hút ánh mắt của hai chị em Liên. Nhưng vũ trụ lại thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như “chứa đầy bí mật xa lạ” và “làm mỏi trí nghĩ” hai chị em lại quay về với mặt đất, nơi có quầng sáng xung quanh ngọn đèn dầu lay động trên chõng hàng chị Tí. Rồi, khi từ xa, xuất hiện chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng, đó là gánh hàng phở của bác Siêu, thì An tỏ ra mừng rỡ. Có lẽ, có thêm bác Siêu thì không gian nơi phố huyện sẽ bớt buồn tẻ hơn chăng? Hay gánh phở với mùi thơm ngào ngạt ấy gợi một kỉ niệm không quên? Đó là kỉ niệm về một Hà Nội “sáng rực, lấp lánh” mà bây giờ trong Liên đã không còn rõ rệt gì. Nhớ về Hà Nội, Liên lại thấy lòng buồn hơn, bởi từ khi về phố huyện nhỏ này, cuộc sống của Liên chỉ quanh quẩn nơi gian hàng gần gốc cây bàng với cái tối xung quanh.
Càng về đêm, trời càng tối hơn, “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Ánh sáng trên phố huyện giờ chỉ còn là “ngọn đèn con” của chị Tí, cái bếp lửa của bác Siêu và ngọn đèn vặn nhỏ trong cửa hàng của Liên hắt ra ngoài những “hột sáng”. Trên phố huyện, có thêm một gia đình bác xẩm với manh chiếu, chiếc thau sắt trắng để trước mặt nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe. Câu chuyện rời rạc, tẻ nhạt của chị Tí với bác Siêu cùng với mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng của bác xẩm càng làm cho phố huyện tĩnh lặng hơn. Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ. Tất cả họ đang cố thức đợi chuyến tàu đêm cuối cùng đi qua, mong bán thêm được chút hàng.
Cũng như họ, tuy đã “buồn ngủ ríu cả mắt” nhưng chị em Liên vẫn “gượng để thức khuya chút nữa” để chờ đoàn tàu đi qua dù “không trông mong còn ai đến mua nữa”. Chị em Liên cố thức là “vì cớ khác” : muốn được nhìn đoàn tàu từ Hà Nội đi qua phố huyện. Ánh sáng của đèn ghi xuất hiện từ xa khiến An như mừng rỡ : “Đèn ghi đã ra kia kìa!”. Rồi đoàn tàu đến mang theo những cửa kính sáng rực chiếu ánh cả xuống đường, những người, đồng và kền sáng lấp lánh. Thoáng hân hoan, hạnh phúc ấy qua mau, con tàu vụt đi vào đêm tối, Liên vẫn còn “lặng theo mơ tưởng”. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái quầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đoàn tàu ấy với các toa đèn sáng trưng như là một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện. Con tàu chỉ xuất hiện trong giây lát nhưng nó đã khuấy động trong lòng hai đứa trẻ một ước mơ, dù chỉ là mơ hồ, về một sự đổi thay, về một thế giới tươi đẹp đáng sống hơn. Hình ảnh hai chị em Liên và những người dân phố huyện đêm nào cũng cố thức đợi chuyến tàu và “lặng theo mơ tưởng” là biểu hiện của ước mơ còn mơ hồ trong họ : ước mơ vươn tới một thế giới đầy ánh sáng, muốn phủ định thực tại tầm thường nhạt nhẽo, quẩn quanh với bóng tối dày đặc hàng đêm. Thạch Lam đã rất tinh tế nhận ra điều đó và miêu tả lại với một sự nâng niu, trân trọng vô bờ. Qua tâm trạng của chị em Liên, tác giả như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, sống quẩn quanh, lam lũ và hướng họ đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Đoàn tàu đi qua, An đã ngủ, Liên cũng đến bên em nằm xuống. Một cảm giác mơ hồ, mong manh, chập chờn, xa xôi đưa Liên vào giấc ngủ yên tĩnh như đêm trong phố huyện, tịch mịch và đầy bóng tối. Có lẽ, đó là cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc của Liên khi tàu qua, phố huyện trở lại với cái tối cố hữu của nó.
Không có một cốt truyện hấp dẫn, một tình huống li kì nhưng truyện vẫn tạo được sự chú ý, thu hút của người đọc bởi tài năng khắc họa tâm lí nhân vật của nhà văn. Ông đã khám phá, miêu tả những rung động thoáng qua, những cảm giác tinh vi của nhân vật. Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng và giọng điệu thủ thỉ giàu chất thơ cũng là nét đặc sắc nghệ thuật góp phần làm nên sự lôi cuốn kì lạ của tác phẩm.
Tóm lại, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã miêu tả tinh tế, sâu sắc tâm trạng của nhân vật Liên. Qua đó, người đọc thấy được Thạch Lam “lặng lẽ hướng về người nghèo với niềm cảm thương chân thành” (Nguyễn Hoành Khung) đồng thời hướng họ đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là một đóng góp mới của ông cho tư tưởng nhân đạo trong văn học giai đoạn 1930 – 1945.
🔻 Xem thêm:
Thảo luận về bài viết này